Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam hoạt động hiệu quả, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới
Đảm bảo phát triển hài hòa trên cả 3 trụ cột 'Kinh tế - Xã hội - Môi trường', lấy sự ổn định và tăng trưởng bền vững là mục tiêu xuyên suốt, giữ vững và phát triển thương hiệu doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, năm 2024, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VINAFOR) với quyết tâm, nỗ lực cao đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) lâm nghiệp, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Tập trung nguồn lực, phát huy vai trò chủ đạo trong lĩnh vực lâm nghiệp
Năm 2024, VINAFOR đã triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột chiến tranh kéo dài, lạm phát gia tăng, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu sụt giảm, xuất nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ gặp nhiều khó khăn do đơn hàng sụt giảm, thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh cây trồng thường xuyên xảy ra, đặc biệt cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về tài sản tại các đơn vị của Tổng công ty làm ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động SXKD, đầu tư phát triển của Tổng công ty và các đơn vị thành viên...
Được quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và Tập đoàn T&T, cùng với sự quyết tâm cao của Hội đồng quản trị, Ban điều hành Tổng công ty và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên, các đơn vị thành viên, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của Công ty Mẹ, Hợp nhất và chỉ tiêu tạo rừng, khai thác rừng hoàn thành vượt kế hoạch năm 2024 đề ra.
Năm 2024, Đảng ủy Tổng công ty đã kịp thời phổ biến, quán triệt nghiêm túc triển khai thực hiện đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tới cán bộ, đảng viên, người lao động trong Đảng bộ. Đảng ủy Tổng công ty đã cụ thể hóa ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ Tổng công ty đã đề ra.
Tổng công ty xác định 14 nhiệm vụ trọng tâm để ưu tiên thực hiện, gồm: Chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Xây dựng Đề án kinh doanh tín chỉ các-bon rừng; Công tác quản lý, sử dụng đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; Công tác lâm nghiệp; việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; Thanh tra Chính phủ; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, cơ cấu lại; Kiểm soát nội bộ... Việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện đồng bộ, linh hoạt và thống nhất từ Văn phòng Tổng Công ty đến các đơn vị thành viên. Đến nay, Tổng công ty đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ quan trọng đề ra trong năm 2024. Đặc biệt, các chỉ tiêu về tài chính đạt và vượt kế hoạch đề ra; hoàn thành việc xây dựng kế hoạch 5 năm (2021-2025), chiến lược phát triển Tổng công ty đến năm 2030, tầm nhìn 2035 được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên thông qua.
Tổng công ty cũng luôn theo dõi giám sát, nắm bắt tình hình SXKD tại các đơn vị thành viên, diễn biến tình hình kinh tế xã hội và thị trường. Họp giao ban Hội đồng quản trị, Ban điều hành định kỳ hàng tháng để đánh giá tình hình, tiến độ thực hiện, đồng thời có các giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn. Đặc biệt, VINAFOR đã kịp thời ban hành các văn bản; Ban lãnh đạo VINAFOR đã chỉ đạo và trực tiếp xuống các đơn vị, địa phương kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị khắc phục khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và ứng phó với tình hình mưa lũ xảy ra trên diện rộng. Hiện, các đơn vị vẫn đang tiếp tục xử lý, khắc phục thiệt hại do bão và ổn định hoạt động SXKD. Kết quả ước thực hiện đến cuối 2024, Công ty Mẹ cơ bản hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra (Doanh thu ước đạt 1.295 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch năm; Lợi nhuận sau thuế ước đạt 262 tỷ đồng đạt 130% kế hoạch năm).
Ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xúc tiến thương mại
Năm 2024, VINAFOR đã đẩy mạnh nghiên cứu, khảo nghiệm nhiều dòng giống mới và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ước tính, các đơn vị lâm nghiệp và giống lâm nghiệp sản xuất tiêu thụ được 39,6/37,2 triệu cây giống các loại, đạt 106% kế hoạch năm 2024. Về công tác trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ và khai thác rừng đã tạo rừng mới, nghiên cứu trồng thử nghiệm, khảo nghiệm một số giống keo lai, bạch đàn lai mới của trong nước và của Trung Quốc. Mở rộng diện tích trồng cây đa mục đích (mắc ca, quế), nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây đa mục đích khác như dó bầu, hồi…
VINAFOR cũng đã tự tổ chức khai thác khoảng 600 ha để tăng thêm việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả khâu khai thác và chủ động diện tích trồng rừng.Về công tác quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng FSC, đối với nhóm các đơn vị lâm nghiệp có chứng chỉ rừng đã hoàn thành đánh giá giám sát hàng năm, tiếp tục duy trì chứng chỉ rừng chu kỳ thứ 3 giai đoạn 2023-2028 (tại địa bàn: Hòa Bình, Ba Tơ, La Ngà, Gia Lai) với diện tích 19.560,19 ha. Năm 2024, Tổng công ty có 5 đơn vị có chứng chỉ rừng FSC với tổng diện tích 21.545,19 ha (tăng 1 đơn vị so với năm trước). Đối với các đơn vị lâm nghiệp còn lại và các công ty cổ phần có hoạt động sản xuất lâm nghiệp đã tiếp tục cập nhật và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững…
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được tăng cường, thông qua việc tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ và làm việc với Tập đoàn Sojitz-Nhật Bản, Yamaha-Nhật Bản, KHI-Hồng Kông...để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi bên. Tổng công ty đang tích cực phối hợp với các đối tác để nghiên cứu triển khai Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất viên nén gỗ năng lượng; triển khai dự án kinh doanh tín chỉ các bon rừng tại địa bàn tỉnh Điện Biên...Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, VINAFOR nói riêng trên trường quốc tế.
VINAFOR cũng tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vùng trồng, từ đó nâng cao giá trị “Từ trồng rừng tới sản phẩm”. Đặc biệt, Tổng công ty đã hướng dẫn chỉ đạo và hỗ trợ các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành Trung ương và chính quyền địa phương để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Tổng công ty, các nhiệm vụ liên quan đến an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội, phù hợp với ngành nghề chính của VINAFOR. Nhất là tại các đơn vị tại các địa bàn trọng yếu, giáp biên giới như: Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc và Lâm nghiệp Lộc Bình, Lâm nghiệp Đình Lập tại tỉnh Lạng Sơn.
Nhóm đại diện vốn của 2 cổ đông lớn tại Tổng công ty đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong việc hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết những khó khăn vướng mắc. Do đó, đã giúp Tổng công ty triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch 2024 được ĐHĐCĐ giao...Công tác Văn phòng trong năm 2024 triển khai tốt, đảm bảo các hoạt động của Tổng công ty được hiệu quả. Thường xuyên quán triệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Văn phòng Tổng công ty và các đơn vị thành viên góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch 2024...
Với lợi thế quản lý trên 48.000 ha rừng và đất rừng trồng sản xuất thuộc 24 tỉnh, thành phố trên cả nước, với chiến lược rõ ràng, xuyên suốt “Từ trồng rừng tới sản phẩm”, quá trình xây dựng và phát triển, VINAFOR đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, VINAFOR cũng là một điểm sáng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo an ninh trong các hoạt động sản xuất lâm nghiệp; đóng góp đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Ngành Lâm nghiệp, tạo đà phát triển, sẵn sàng vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.