Tổng công ty Điện lực TKV: Vì sao lợi nhuận cao, cổ tức thấp?

Trước ý kiến cổ đông đề nghị nâng tỉ lệ chia cổ tức để cổ đông bớt thiệt thòi, Tổng công ty Điện lực TKV cho biết, lợi nhuận không chia để dự phòng chênh lệch tỉ giá.

Ngày 29-5, Tổng công ty Điện lực TKV (Vinacomin Power), mã chứng khoán (DTK) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên, thông qua kết quả kinh doanh năm 2022, kế hoạch năm 2023 cũng như một số nội dung khác.

Năm 2022, Điện lực TKV đạt doanh thu là 11.136 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 858 tỉ đồng. Ảnh: BT

Năm 2022, Điện lực TKV đạt doanh thu là 11.136 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 858 tỉ đồng. Ảnh: BT

Theo kết quả hợp nhất, năm 2022, Điện lực TKV đạt sản lượng điện thương phẩm là hơn 7,33 tỉ kWh, chỉ bằng 85% so với kế hoạch được đại hội năm ngoái giao. Tuy nhiên, trong năm, Điện lực TKV đã có sự điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh và vì thế, sản lượng vẫn đạt 99%.

Cùng với đó, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận nếu so với kế hoạch ban đầu đại hội giao thì không đạt, nhưng so với mức kế hoạch điều chỉnh thì đều đạt. Trong đó, doanh thu là 11.136 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 858 tỉ đồng.

Công ty trình đại hội thông qua tỉ lệ cổ tức khiêm tốn 5,5%,thấp hơn mức chi trả cổ tức năm trước đó (6%).

Theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2022, Điện lực TKV cho biết, số dư lợi nhuận công ty mẹ năm trước chuyển sang là hơn 410 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2022 là hơn 776 tỉ đồng.

Lợi nhuận chưa phân phối trên báo cáo tài chính công ty mẹ tại thời điểm ngày 31-12-2022 là 1.186 tỉ đồng, tại báo cáo hợp nhất là 1.188 tỉ đồng.

Với tỉ lệ cổ tức 5,5%, Điện lực TKV dành hơn 652 tỉ đồng chi trả cho các cổ đông. Sau khi phân phối, số dư lợi nhuận công ty mẹ còn lại là 534 tỉ đồng.

Tại đại hội, cổ đông của công ty đã chất vấn ban lãnh đạo về vấn đề chia cổ tức, vì sao khoản lợi nhuận để lại còn nhiều mà không chia thêm cổ tức cho cổ đông.

Trả lời cổ đông, Phó Tổng giám đốc Điện lực TKV Đoàn Xuân Hiệu cho biết, sở dĩ công ty giữ lại lợi nhuận là vì phải lập quỹ dự phòng chênh lệch tỉ giá.

''Tổng các khoản chênh lệch tỉ giá là hơn 969 tỉ đồng. Đây là hai khoản chắc chắn phải trả nên cần giữ lại'' – ông Đoàn Xuân Hiệu nói.

Một vấn đề lớn ảnh hưởng đến tình hình tài chính được lãnh đạo Điện lực TKV chia sẻ là khoản nợ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, các đơn vị của EVN nợ tổng cộng khoảng 20.000 tỉ đồng. Tình hình công nợ của Điện lực TKV với EVN cũng rất ''mệt mỏi'' trong những tháng đầu năm, thường xuyên ở mức trên 2.000 tỉ đồng.

Sau khi EVN có sự cân đối thanh khoản, từ tháng 5 đến nay, tình hình thanh toán công nợ của EVN có cải thiện.

Tổng công ty Điện lực TKV có vốn điều lệ 6.827 tỉ đồng, được thành lập năm 2009, công ty mẹ là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Công ty cổ phần hóa năm 2015, niêm yết cổ phiếu DTK trên sàn HNX vào năm 2020.

Công ty có 6 công ty trực thuộc gồm các công ty Nhiệt điện Na Dương, Nhiệt điện Cao Ngạn, Nhiệt điện Cẩm Phả, Nhiệt điện Đông Triều, Thủy điện Đồng Nai. Trong đó, Nhiệt điện Cẩm Phả đã được sáp nhập vào Công ty năm 2021. Công ty còn một công ty con là CTCP Than điện Nông Sơn-TKV.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tong-cong-ty-dien-luc-tkv-vi-sao-loi-nhuan-cao-co-tuc-thap-post735412.html
Zalo