Tổng chủ biên SGK Giáo dục công dân chỉ ra 12 tiêu chí cần đảm bảo khi viết sách

Dựa trên mục tiêu, yêu cầu cần đạt, khung chương trình môn học, SGK môn Đạo đức, GDCD, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật được biên soạn đảm bảo 12 tiêu chí.

.t1 { text-align: justify; }

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm đổi mới so với chương trình giáo dục phổ thông 2006. Theo đó, sách giáo khoa cũng cần thay đổi để phù hợp với định hướng giảng dạy giúp hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.

Sách giáo khoa Đạo đức (cấp tiểu học), Giáo dục công dân (cấp trung học cơ sở) và Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (cấp trung học phổ thông) đã có những điều chỉnh nội dung và phương pháp tiếp cận, góp phần cụ thể hóa mục tiêu giáo dục mới.

Việc biên soạn sách giáo khoa phải đảm bảo 12 tiêu chí

Nói về quy trình viết sách giáo khoa, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Toan - Tổng chủ biên Sách giáo khoa Đạo đức cấp tiểu học, Sách giáo khoa Giáo dục công dân cấp trung học cơ sở; tác giả Sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10 (Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cho biết, quá trình viết sách giáo khoa tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, bắt đầu từ việc tổ chức nhóm tác giả. Nhà xuất bản sẽ mời những chuyên gia có kinh nghiệm và hiểu biết sâu về môn học tham gia biên soạn sách, gồm giảng viên ở các cơ sở đào tạo ngành sư phạm, nhà nghiên cứu giáo dục, giáo viên dạy giỏi ở các trường phổ thông.

Trên cơ sở Chương trình Giáo dục phổ thông môn Giáo dục công dân, tổng chủ biên, chủ biên xây dựng ma trận các chủ đề, bài học, đảm bảo tính thống nhất, kế thừa và phát triển theo đường đồng tâm xoáy ốc, tránh trùng lặp giữa lớp dưới và lớp trên.

Nhóm tác giả thiết kế các bài mẫu, dạy thử nghiệm ở trường phổ thông, tiếp thu góp ý và chỉnh sửa, từ đó xây dựng đề cương các chủ đề/bài học, tìm kiếm, chia sẻ ngữ liệu, viết bản thảo, họp góp ý; trao đổi với họa sĩ ý tưởng về hình ảnh minh họa.

Bản thảo sau khi được chỉnh sửa sẽ tiếp tục được đưa đi dạy thực nghiệm tại các trường phổ thông đại diện cho các vùng miền, lấy ý kiến giáo viên dạy thực nghiệm và học sinh. Những góp ý này sẽ giúp tác giả chỉnh sửa, bổ sung nội dung để sách chính xác và phù hợp với đối tượng học sinh.

Tiếp đó, sách sẽ được gửi tới Hội đồng thẩm định nội bộ (gồm các chuyên gia giáo dục và giáo viên phổ thông) để đánh giá, góp ý.

Sau khi đã chỉnh sửa, thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, sách sẽ được gửi tới Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Hội đồng đọc, góp ý, trao đổi với tác giả. Nếu sách được đánh giá ở mức đạt nhưng cần phải chỉnh sửa, nhóm tác giả có thời gian sửa sách trong một tháng và nộp về Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiếp tục làm việc với Hội đồng thẩm định.

Khi được phê duyệt, sách sẽ được gửi đi xin ý kiến các địa phương, tác giả lại tiếp tục chỉnh sửa. Chỉ khi nào được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, sách mới được đưa về cho các địa phương chọn lựa.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Toan - Tổng chủ biên Sách giáo khoa Đạo đức cấp Tiểu học, Sách giáo khoa Giáo dục công dân cấp trung học cơ sở; Tác giả Sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10 - Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Toan - Tổng chủ biên Sách giáo khoa Đạo đức cấp Tiểu học, Sách giáo khoa Giáo dục công dân cấp trung học cơ sở; Tác giả Sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10 - Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Toan thông tin, trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu cần đạt và khung chương trình môn học, sách giáo khoa môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật được biên soạn đảm bảo theo 12 tiêu chí, cụ thể:

Tính pháp lý (Tuân thủ Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT, Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa);

Tính kế thừa (Kế thừa kinh nghiệm trong nước và quốc tế về viết sách giáo khoa);

Tính vừa sức (Phù hợp với đặc điểm của học sinh);

Tính hệ thống (Ma trận các chủ đề/bài học thống nhất, phát triển qua các lớp và cấp học);

Tính tích hợp (Tích hợp nội môn và tích hợp liên môn);

Tính phân hóa (Các nhiệm vụ học tập đa dạng được sắp xếp theo mức độ từ thấp đến cao, dành cho học sinh có các cấp độ năng lực khác nhau);

Tính đa dạng (Các thông tin, câu chuyện, tranh ảnh, bài tập tình huống… phản ánh sự đa dạng của các vùng miền);

Tính thực tiễn (Các tình huống, câu chuyện, bài tập… được chắt lọc từ những tình huống tiêu biểu, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống sinh động của học sinh);

Tính hiện đại (Cập nhật tri thức và phương pháp dạy học tiên tiến, tận dụng nguồn tài liệu số hóa);

Tính phát triển (Dựa trên lý thuyết phát triển tâm lý học sinh, quy trình dạy học trải nghiệm: Từ kinh nghiệm rời rạc – Quan sát phản tỉnh – Khái niệm hóa – Thử nghiệm, vận dụng tích cực);

Tính hấp dẫn (Thông tin, hình ảnh chọn lọc, tiêu biểu và hình thức trình bày đẹp mắt);

Tính mở (Tạo điều kiện cho sự linh hoạt, sáng tạo của giáo viên và học sinh).

Chia sẻ thêm về quá trình viết sách, cô Toan nói: “Tôi và nhóm biên soạn chưa gặp tình huống phải thay đổi hoàn toàn bài học đã được xây dựng trước đó, nhưng việc điều chỉnh phần lớn cấu trúc, ngữ liệu của 1 chủ đề, bài học đã từng xảy ra.

Ví dụ, ở chủ đề “Khách quan, công bằng” (môn Giáo dục công dân lớp 9), tác giả chọn câu chuyện về Tô Hiến Thành làm minh chứng cho sự khách quan trong đánh giá con người, công bằng trong lựa chọn người tài cho đất nước. Sau khi Hội đồng thẩm định gợi ý nên tìm ngữ liệu khác và tách thành 2 nội dung cơ bản: khách quan, công bằng, tác giả đã đã tiến hành chỉnh sửa.

Trong khoảng thời gian rất ngắn, để thay ngữ liệu và cấu trúc là điều không dễ dàng. Vì để hoàn thành một chủ đề, tác giả phải trăn trở, đầu tư thời gian, công sức, có tác giả phải điều chỉnh tới gần 20 lần. May mắn, tác giả còn lưu lại ngữ liệu trong những bản thảo trước và có cả những ngữ liệu dự phòng nên đã kịp thời hoàn thành.

Mặc dù có những nhọc nhằn khó lòng đong đếm nhưng công việc viết sách giáo khoa cũng đem đến cho tôi và các cộng sự niềm hạnh phúc khi được dự những giờ dạy. Đó là hành trình khám phá đầy thú vị từ những bài học do chúng tôi viết trong sách giáo khoa đến lúc được hiện thực hóa trong lớp học”.

 Nhóm tác giả viết sách giáo khoa. Ảnh: NVCC.

Nhóm tác giả viết sách giáo khoa. Ảnh: NVCC.

Sách giáo khoa phù hợp với tâm lý, nhận thức lứa tuổi ở mỗi cấp học

Đề cập đến sự tương đồng và khác biệt giữa 3 môn học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Toan bày tỏ, môn Đạo đức ở cấp tiểu học, Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp trung học phổ thông giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển ý thức và hành vi của người công dân.

Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, sách giáo khoa của cả 3 môn học đều góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân, đặc biệt là tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kĩ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, mỗi môn học đều có nét đặc thù riêng. Môn Đạo đức và môn Giáo dục công dân xoay quanh 4 mạch nội dung giáo dục: Giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, Giáo dục kinh tế và Giáo dục pháp luật.

Trong đó, môn Đạo đức tập trung sâu hơn vào mạch giáo dục đạo đức và kĩ năng sống. Môn Giáo dục công dân tăng cường mạch giáo dục pháp luật.

Tới trung học phổ thông, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật tập trung vào mạch giáo dục kinh tế và giáo dục pháp luật; mạch giáo dục đạo đức và kĩ năng sống được tích hợp vào trong nội dung giáo dục kinh tế và pháp luật.

Cấu trúc chương trình môn học như trên đã đảm bảo tính phát triển liên tục, nhất quán về tư tưởng giáo dục, nhưng vẫn phù hợp với tâm lý và nhận thức lứa tuổi ở mỗi cấp học. Khi viết sách, các tác giả phải đảm bảo được những điều này.

Cô Toan nêu ví dụ: "Để giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, sách giáo khoa lớp 4 có bài “Quý trọng đồng tiền” với thông điệp như lời nhắc nhở nhẹ nhàng: “Tiền là do công sức/Và trí tuệ mà nên/Phải giữ gìn tiết kiệm/Biết tiêu tiền thông minh”; lớp 5 đẩy cao hơn với nội dung phải biết “Sử dụng tiền hợp lý”.

Tới cấp trung học cơ sở, có bài “Tiết kiệm” (lớp 6), “Quản lý tiền” (lớp 7), “Lập kế hoạch chi tiêu” (lớp 8), “Tiêu dùng thông minh” (lớp 9). Bước sang cấp trung học phổ thông, học sinh sẽ được học “Lập kế hoạch tài chính cá nhân” (lớp 10)...

Từ ma trận các chủ đề/bài học qua các lớp, các cấp học, các tác giả đã thiết kế các câu chuyện, trường hợp, tình huống tiêu biểu gắn với đời sống thực của học sinh để các bài học trong sách giáo khoa sinh động, hấp dẫn, phù hợp với sự phát triển tâm lý, nhận thức của học sinh và đảm bảo tính giáo dục cao".

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Toan trong một giờ dạy môn Đạo đức cho học sinh tiểu học. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Toan trong một giờ dạy môn Đạo đức cho học sinh tiểu học. Ảnh: NVCC.

Giáo dục công dân là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp trong sự biến đổi nhanh chóng và phức tạp của xã hội hiện đại, trước những yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội đối với giáo dục. Điều này đặt ra thử thách lớn đối với người viết sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa giáo dục công dân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Toan bộc bạch: "Tôi và nhóm tác giả xác định, viết sách để giáo dục công dân Việt Nam, vậy vẫn phải từ giá trị truyền thống Việt Nam, từ những tấm gương yêu nước, hiếu học, trung thực… của người Việt từ truyền thống tới hiện đại để đưa vào trong sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, công dân Việt Nam đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, vì thế phải hướng tới giáo dục công dân toàn cầu bằng việc chọn lọc những tri thức hiện đại, những câu chuyện, tấm gương, thông tin… tiêu biểu, những phương pháp giáo dục tiên tiến của thế giới để đưa vào trong sách.

Trăn trở, mong mỏi lớn nhất của những người viết sách chúng tôi, đó là làm sao những điều từ trong trang sách đi đến với cuộc đời của mỗi học sinh. Đó cũng là thông điệp “Kết nối tri thức với cuộc sống” mà nhóm tác giả coi là kim chỉ nam khi viết sách.

Chúng tôi muốn nhắn nhủ tới học sinh rằng: Các em hãy học để trở thành những công dân Việt Nam chân chính, công dân toàn cầu hiện đại".

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tong-chu-bien-sgk-giao-duc-cong-dan-chi-ra-12-tieu-chi-can-dam-bao-khi-viet-sach-post252386.gd
Zalo