Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Thành phố Hà Nội sau Kỳ họp thứ 8
Sáng 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 1) đã tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa (Đơn vị bầu cử số 1) báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tham dự cuộc tiếp xúc cử tri có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư T.Ư Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Nguyễn Duy Ngọc; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Phạm Gia Túc; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.
Cùng tham dự cuộc tiếp xúc cử tri có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, các đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu TP Hà Nội: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP; lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP; lãnh đạo và cử tri 3 quận thuộc Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Đơn vị bầu cử số 1).
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Duyệt đã báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV; đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường báo cáo trả lời kiến nghị cử tri tại kỳ tiếp xúc trước.
Trên cơ sở kết quả Kỳ họp thứ 8, các cử tri 3 quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa đánh giá, với tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, đổi mới, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định, hoàn thành các nội dung của Kỳ họp thuộc các lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Cử tri Đơn vị bầu cử số 1 khẳng định, những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, về phòng, chống lãng phí, về tinh gọn bộ máy đã và đang truyền niềm tin và cảm hứng mới, là nguồn cổ vũ to lớn đối với hàng triệu trái tim Việt Nam.
Các ý kiến cũng khẳng định, điều cử tri và Nhân dân vui mừng nhất là sau những thông điệp rất hợp lòng dân của Tổng Bí thư thì cả hệ thống chính trị đều chuyển động, bắt tay vào triển khai thực hiện với tinh thần “nói là làm”, không phải nói xong để đấy, không “đắp chiếu”; trong đó TP Hà Nội đã vào cuộc rất nhanh, cho thấy tinh thần gương mẫu, đi đầu.
Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh bức xúc
Trao đổi với các đại biểu Quốc hội, các cử tri đã nêu các kiến nghị, đề xuất liên quan đến những vấn đề đang được quan tâm, như việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; phát huy tốt tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước; đẩy mạnh cải cách hành chính; chuyển đổi số; quy hoạch treo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Cụ thể, nêu nội dung các nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh, TP, cử tri Phan Thế Bình (phường Phương Mai, quận Đống Đa) nêu, đa số cử tri đều nhận thấy đây là vấn đề cần thiết, cấp bách, phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, để nghị quyết khi có hiệu lực thi hành, không ảnh hưởng đến người dân khi thực hiện các giao dịch dân sự, cử tri đề nghị Chính phủ sớm có các văn bản, Nghị định, Thông tư liên tịch trước ngày 1/1/2025 để chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan giải quyết công việc cho công dân khi chưa hoàn thành xong các thay đổi trong Căn cước, lý lịch tư pháp… để tránh phát sinh những vướng mắc, phiền hà cho công dân.
Đồng thời, các cử tri cũng kiến nghị cần có các biện pháp cụ thể, chặt chẽ để quản lý, chuyển giao sử dụng đúng mục đích tài chính, tài sản công, trụ sở làm việc dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, không để xảy ra thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Nêu vấn đề về phát huy tốt tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước và tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, cử tri Nguyễn Đình Ninh (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng môi trường hành chính minh bạch, thông suốt, thuận lợi để giữ chân nhà đầu tư và tạo thuận lợi cho DN Việt Nam phát triển không chỉ trong nước và vươn ra khu vực và thế giới.
Cử tri 3 quận cũng đề xuất T.Ư sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đối với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện. Cùng với đó, chú trọng chuyển đổi số, sớm hoàn thành xây dựng dữ liệu số quốc gia để phục vụ nhiệm vụ quản lý, xây dựng chính quyền số, chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà Đảng ta đã đề ra.
Cử tri Nguyễn Kim Sơn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) đề nghị Đảng, Chính phủ và Quốc hội cần mạnh tay xử lý các dự án và quy hoạch treo nhiều năm và điều hành thị trường bất động sản đang có những vấn đề gây ra hệ lụy ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, làm thất thoát tài sản nhà nước, tài nguyên quốc gia, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Còn cử tri Phạm Hồng Hạnh (phường Văn Chương, quận Đống Đa) bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ xem xét và có phương án đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thang bảng lương mới và xác định được các vị trí việc làm, khẩn trương triển khai điều chỉnh mức lương tương xứng với vị trí việc làm. Trong đó có tính đến sự đóng góp, cống hiến để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ sở, đặc biệt đối với khu vực như Thủ đô Hà Nội.
Trong khi đó, cử tri Đỗ Xuân Phúc (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) nêu, ở Hà Nội hiện nay có sự phát triển, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh và mang lại cho Thủ đô diện mạo ngày càng khang trang, hiện đại, nhưng cũng phải đối mặt với tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Mặc dù TP đã thực hiện rất nhiều biện pháp quyết liệt để xử lý nước thải, rác thải, giảm thiểu ô nhiễm không khí, vấn đề cải thiện môi trường và xử lý rác thải vẫn là một nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm. Từ đó, cử tri đề nghị có thể cân nhắc thêm giải pháp bổ sung như thực hiện toàn diện phân loại rác tại nguồn, tăng cường tái chế rác vô cơ, sử dụng rác hữu cơ cho các mục đích nông nghiệp để giảm lượng rác thải hàng ngày phải xử lý. Cùng với đó, Nhà nước nghiên cứu đầu tư phát triển các nhà máy điện rác; biến rác thành tài sản năng lượng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.
Đất nước có những chuyển động mạnh mẽ, tích cực
Phát biểu trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết đây là lần đầu tiên đồng chí tham gia tiếp xúc cử tri Hà Nội với tư cách là đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
“Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của người đại biểu Nhân dân Thủ Đô, để xứng đáng với kỳ vọng mà bà con cử tri tin tưởng dành cho tôi”- Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, năm 2024 là năm ghi nhiều dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây là năm đất nước có những chuyển động mạnh mẽ, tích cực, tạo ra luồng gió mới trong hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội. Theo đó, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kinh tế -xã hội của năm 2024, tạo tiền đề rất quan trọng để cả nước bứt phá, tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021- 2026, tạo tiền đề để đất nước vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng (dự kiến được tổ chức vào quí I/2026).
“Có được những kết quả đó là nhờ sự đoàn kết, thống nhất, sự quyết tâm, quyết liệt của Ban Chấp hành T.Ư, của toàn thể cán bộ đảng viên; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự hưởng ứng của mọi tầng lớp Nhân dân” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, gần 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã ghi tên nước Việt Nam lên bản đồ thế giới. Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm.
Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực. Đời sống của 105 triệu dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhắc lại câu hỏi, không được “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn. Đồng thời chỉ rõ, các cấp, ngành phải nỗ lực, phải cố gắng nhiều hơn nữa để đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, để đời sống mọi người dân ấm no hơn, yên vui hơn, hạnh phúc hơn.
Để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên thịnh vượng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Ban Chấp hành T.Ư đã vạch ra một số nhiệm vụ cấp bách như: tăng cường vai trò lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế phát triển, đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhằm nâng cao đời sống của nhân dân; tăng cường chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
“Những việc này đang được tiến hành khẩn trương, mạnh mẽ, triệt để, khoa học, nhân văn, làm để sớm xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc. Và tôi biết rằng Nhân dân đang rất ủng hộ, rất trông đợi, rất hy vọng và đã sẵn sàng hưởng ứng. Ban Chấp hành T.Ư nhất định sẽ không phụ lòng mong mỏi, tin tưởng của Nhân dân” - Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư đã quyết định tiến hành Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII “Về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và thống nhất rất cao kế hoạch tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tiến hành sắp xếp, cơ cấu lại một số Ban của Đảng; một số bộ; một số Ủy ban của Quốc Hội, một số tổ chức thuộc Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam... Mục tiêu phấn đấu là các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ hoàn thành trong quý I/2025. Lần này sẽ làm từ trên xuống với phương châm “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng” và làm với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”...
Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết vẫn tiếp tục tiến hành quyết liệt, triệt để. Đặc biệt sau khi Bộ chính trị, Ban Bí thư quyết định đưa thêm nội dung chống lãng phí vào nhiệm vụ của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác này làm không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ để tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là bộ máy của dân, do dân, vì dân; công chức, viên chức phải thực sự là công bộc của dân.
Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư đã thi hành kỷ luật 6 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nâng tổng số cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật từ đầu năm đến nay 52 cán bộ. Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.681 bị can, truy tố 1.479 bị can, xét xử sơ thẩm 2.703 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 3 bị can là cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý...
Đối với các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa trên 6.150 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Trong giai đoạn thi hành án dân sự đã thu hồi được hơn 11.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ đầu năm đến nay lên gần 19.000 tỷ đồng và từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay 96.586 tỷ đồng. Riêng tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực TP mới rà soát ban đầu đã phát hiện hơn 800 dự án (cấp TP) có biểu hiện gây thất thoát, lãng phí và mới xử lý 3 dự án đã thu hồi hơn 42.000 tỷ đồng.
Tạo điều kiện để thực hiện khát vọng xây dựng Thủ đô
Đối với Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, qua theo dõi và qua các báo cáo cho thấy Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô với tinh thần “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển” đã thực hiện có hiệu quả 10 chương trình công tác, 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 20 chỉ tiêu và 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của TP nhiệm kỳ 2020-2025; cụ thể hóa và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP từng bước đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với những cơ chế vượt trội để phát triển Thủ đô. HĐND, UBND TP đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch và phối hợp với các bộ, ngành T.Ư xây dựng các nghị định để triển khai thi hành Luật Thủ đô. Tổng Bí thư Tô Lâm kỳ vọng rằng với những điều kiện mới, cơ chế mới, quyết tâm mới, lãnh đạo TP cùng Nhân dân Thủ đô sẽ thực hiện khát vọng xây dựng Thủ đô Hà Nội thanh lịch, văn minh, hòa bình, hiện đại, phát triển và là trái tim của Nhân dân cả nước.
Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng ghi nhận những thành tích, thành quả mà đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội đã đạt được trong năm vừa qua.
Đặt vấn đề làm sao để Hà Nội giữ nét thanh lịch, văn minh, văn hiến từ ngàn xưa để lại trong bối cảnh xã hội phát triển như hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng đây không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội mà đó còn là câu trả lời của mọi tầng lớp người dân Hà Nội, thậm chí là mỗi người dân Việt Nam.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, sau cơn bão số 3 vừa qua cho thấy những khiếm khuyết, điểm yếu, điểm cần khắc phục của TP bao gồm cả trách nhiệm của chính quyền lẫn trách nhiệm của từng công dân. Từ đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng cần phải trăn trở, tìm giải pháp và phải có sự chung tay của từng cá nhân, toàn xã hội.
“Tôi rất mong bà con góp sức cùng chính quyền thực hiện. Tôi rất mong bà con khu vực bầu cử số 1 cũng như mọi công dân Hà Nội hãy chung sức, đồng lòng, cùng kề vai sát cánh với đảng bộ và chính quyền Nhân dân TP xây dựng một Hà Nội tươi đẹp, thân thương để mọi công dân Hà Nội, mọi người từng một lần đến Hà Nội đều thường trực câu hát “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội” trong tâm hồn mình” - Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng giải đáp, ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến cử tri nêu để báo cáo với Quốc hội, nêu ý kiến tại nghị trường cũng như đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời để báo cáo lại với cử tri. Đồng thời, chúc cử tri và Nhân dân Thủ đô tiếp tục đoàn kết, tích cực đóng góp xây dựng Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam anh hùng và truyền thống nghìn năm lịch sử.