Tổng Bí thư Tô Lâm: Phát triển bền vững, toàn diện, đi đôi với bảo vệ môi trường

Chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Phát biểu tại Tổ 12 (gồm các Đoàn ĐBQH: Hưng Yên, Ninh Bình, Bắc Kạn, Quảng Bình), Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện, hài hòa, cân bằng, đi đôi với bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại Tổ 12, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao các ý kiến phát biểu trách nhiệm, tâm huyết, gợi mở nhiều giải pháp thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Tổ 12

Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Tổ 12

Tổng Bí thư khẳng định, nhìn lại năm 2024, chúng ta đã nỗ lực rất lớn, là năm có kết quả cao nhất trong cả nhiệm kỳ, năm nước rút thực hiện nhiệm kỳ Đại hội XIII. Sau 40 năm đổi mới, có thể khẳng định đây là thắng lợi, là kỳ tích vĩ đại, nhất là trong nhiệm kỳ khóa XIII, vị thế đất nước ngày càng được nâng cao, kinh tế - xã hội phát triển nhiều mặt, quốc phòng, an ninh được giữ vững, Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, thống nhất xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của thế giới, như bác Hồ từng mong muốn.

Mặc dù thành tựu chung đạt được là rất lớn, với những con số rất đáng mừng. “Nhưng nhìn vào thực chất cũng rất lo lắng”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Do đó, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội phải bền vững, phát triển toàn diện, hài hòa, cân bằng, đi đôi với bảo vệ môi trường; thành quả phải đến tận tay người dân, nâng cao được mức sống của người dân và đó mới là mục tiêu cao cả, bộ mặt xã hội phải được thay đổi. Kết quả tăng trưởng, dự trữ ngoại tệ và các số liệu vừa qua là tốt, nhưng nếu mọi nguồn lực được sử dụng tốt hơn thì kết quả còn cao hơn. Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng là điều cần được quan tâm và cần tiếp tục có những giải pháp để nâng cao năng suất lao động. Các ngành nghề cơ bản, cốt lõi của nền kinh tế phải được phát triển; còn việc dựa vào nguồn thu từ đất đai, thu từ FDI cũng chỉ trong một giai đoạn nhất định.

Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm

Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm

Tổng Bí thư cũng cho biết, mặc dù các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục đạt được kết quả đáng mừng, nhưng vẫn chưa thực sự thực chất. “Mỗi năm người dân ít nhất được đến bệnh viện khám sức khỏe một lần, có làm được không? Có những cụ già 60-70 tuổi nhưng chưa từng được đo huyết áp, khám tai, khám mắt. Như vậy, y tế chưa được đến với người dân”.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, thực hiện sổ sức khỏe điện tử sẽ thống kê được những con số vô cùng quý, khi nắm rõ được một khu vực có bao nhiêu người có bệnh, từ đó mới tính toán cần bao nhiêu bác sĩ, bệnh viện, nguồn lực đầu tư, dự trù thuốc và điều chỉnh các chính sách khác.

Tương tự, đối với lĩnh vực giáo dục, xác định phổ cập cấp hai, cấp ba thì các cháu đến tuổi phải được đến trường, phải đủ trường lớp, thầy cô. Việc thống kê dữ liệu dân cư giúp chủ động tính toán được việc này, mới thực hiện được chủ trương ở đâu có học sinh, ở đó có thầy cô giáo và trường lớp học. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, nhiệm vụ này là của các cấp ủy, chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ riêng ngành giáo dục hay y tế.

Đại biểu tham dự thảo luận Tổ 12

Đại biểu tham dự thảo luận Tổ 12

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, qua thảo luận cho thấy, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến chống lãng phí - đây cũng là vấn đề khiến người dân rất bức xúc: “Dân hỏi nhưng không trả lời được. Ai cũng nói mảnh đất đó là vàng, là quý, trị giá bao nhiêu tiền nhưng cả chục năm vẫn để cỏ mọc, vậy ai chiu trách nhiệm?”.

Tổng Bí thư cũng dẫn chứng dự án chống ngập ở TP.Hồ Chí Minh qua 2 nhiệm kỳ, nhưng nhân dân thành phố vẫn phải chịu ngập lụt, trong khi tiền Nhà nước đã đầu tư. Hay trường hợp hai bệnh viện công được Nhà nước đầu tư, nhưng chục năm vẫn chưa đưa vào sử dụng, trong khi đó, nếu là dự án của tư nhân đã thu hồi vốn xong.

Câu chuyện có tiền những không tiêu được cũng được Tổng Bí thư nêu ra, trong đó phải kể đến kết quả giải ngân vốn 9 tháng chưa đạt 50%, từ nay đến cuối năm liệu có tiêu được hết?; Chương trình mục tiêu quốc gia đã quyết rồi nhưng vẫn chậm vì vướng các quy định.

Quy định thế nào mà đến Nhà nước còn không làm được thì doanh nghiệp làm sao làm được? Hàng trăm, hàng nghìn dự án ở địa phương được cấp cho doanh nghiệp nhưng triển khai lại vướng, lại đứng chờ nhau. "Tất cả do mình cả. Phải phối hợp, không đổ cho nhau hay chờ đợi nhau được, phải tìm cách trả lời cho dân", Tổng Bí thư yêu cầu.

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng nêu thực tế nguồn lực đất nước là không nhỏ nhưng sản xuất trong nước chưa tương xứng: “Tiềm năng phải tạo ra được của cải vật chất. Tôi rất sốt ruột, không thể chờ đợi, lỡ mất cơ hội. Ai cũng nhìn thấy, mục tiêu, chỉ tiêu thống thất, bàn nhau đồng thuận rồi thì phải cụ thể mỗi mốc đạt được cái gì, tạo tiền đề, nền tảng phát triển tốt hơn".

Tổng Bí thư cũng phân tích, dù đất nước đạt được nhiều thành tựu rất lớn, song nhìn ra thế giới mới thấy chúng ta không thể chậm trễ hơn được, vì thế giới phát triển rất nhanh; chúng ta cần nhìn vào những tấm gương đó để phấn đấu, mà vươn mình lên.

Lan Hương - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=90438
Zalo