Tổng Bí thư Tô Lâm dự Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Ngày 15/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đến dự Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần VI do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Tới dự Diễn đàn còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Trong những năm qua, triển khai định hướng của Đảng và Nhà nước về chủ trương thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp của Việt Nam thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì tổ chức thường niên Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Diễn đàn là một trong những sự kiện lớn nhất của ngành Thông tin và Truyền thông.

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có quan điểm làm chủ công nghệ và các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Sự ra đời của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị là kim chỉ nam, khai sáng với mọi ngành nghề, không chỉ có tính thúc đẩy và thay đổi về bản chất cách thức hoạt động mà còn tác động sâu sắc đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm đến dự Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI (TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm đến dự Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI (TTXVN)

Mục tiêu của Diễn đàn năm nay là đưa ra các thông điệp của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, và đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Theo đó, với chủ đề “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, diễn đàn năm nay tập trung vào 4 vấn đề.

Thứ nhất là đánh giá quá trình thực hiện chủ trương Make in Viet Nam, phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gắn với việc làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số trong giai đoạn vừa qua; những kết quả và thành tựu ấn tượng của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Thứ hai, định hướng làm chủ công nghệ số, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sáng tạo sản phẩm số làm chủ quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn Việt Nam giai đoạn tới.

Thứ ba, thông điệp về những chính sách mới về công nghiệp công nghệ số (Luật Công nghiệp công nghệ số) và định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam mở ra không gian phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số; kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chung tay tham gia cuộc cách mạng chuyển đổi số quốc gia.

Thứ tư, lan tỏa kết quả ấn tượng về chủ trương, định hướng Make in Viet Nam trong những năm qua: Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã khẳng định năng lực làm chủ công nghệ số có tác động ảnh hưởng đến cuộc sống, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển đổi số dựa vào các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam và đã đem lại đột phá hiệu quả, tác động rộng khắp. Doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam giải các bài toán chuyển đổi số trong các ngành kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh và tăng cường hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, đã khẳng định tên tuổi, trí tuệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới đem giá trị từ nước ngoài đóng góp cho sự thịnh vượng của Việt Nam.

Cũng tại Diễn đàn này, nhiều nội dung sẽ được đưa ra thảo luận, đặc biệt định hướng, chính sách và giải pháp phát triển trong giai đoạn tới về công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo để kiến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng thể chế, chính sách đột phá nhằm ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi tập hợp sức mạnh từ Chính phủ đến xã hội trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Diễn đàn cũng sẽ đề ra việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ số giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số Việt Nam và đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế. Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 157,984 tỷ USD tăng 10,20% (so với 2023), tăng trưởng bình quân giai đoạn: 9,95%; giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019; tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; toàn ngành có 73.788 doanh nghiệp đang hoạt động tăng 10,12% (so với 2023).

Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.

Thế giới đang bước vào một cuộc cạnh tranh, chạy đua để làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số nhằm xây dựng một nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây là mục tiêu mong muốn của các nước phát triển và cũng là cơ hội cho các nước như Việt Nam cùng bước vào một vạch xuất phát để cạnh tranh ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Việc làm chủ các công nghệ số được xem là nền tảng quan trọng cho Việt Nam “cất cánh” vươn lên, phát triển mạnh mẽ. Mục tiêu làm chủ các công nghệ số đã và đang được các tập đoàn công nghệ Việt Nam tập trung đầu tư nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ số cụ thể. Chỉ có làm chủ công nghệ số thì Việt Nam mới kiến tạo được nền kinh tế số phát triển vượt bậc, góp phần xây dựng xã hội cho tương lai.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tong-bi-thu-to-lam-du-dien-dan-quoc-gia-ve-phat-trien-doanh-nghiep-cong-nghe-so-10298323.html
Zalo