Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo Hội nghị triển khai Nghị quyết 66, 68
Sáng 18/5 sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68, trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ có phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị.

Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ có phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị sáng 18/5. Ảnh: Quochoi.vn.
Theo kế hoạch, sáng nay (18/5), Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới các điểm cầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị…
Theo chương trình, tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66".
Đáng chú ý, tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ có phát biểu quan trọng chỉ đạo.
Cuối cùng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Nguyễn Trọng Nghĩa sẽ phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư và hướng dẫn việc quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện 2 Nghị quyết.
Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán.
Hệ thống pháp luật cũng cần tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Theo Nghị quyết này, năm 2025, Việt Nam cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật. Năm 2027, mục tiêu đề ra là hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy Nhà nước. Năm 2028, nhiệm vụ là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước.
Trong khi đó, Nghị quyết số 68 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ.
Nghị quyết cũng xác định mục tiêu cả nước có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, 20 doanh nghiệp hoạt động/1.000 dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.
Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 68 xác định, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.