Tổng Bí thư: Sáp nhập tỉnh thành phải là 'hai cộng hai lớn hơn bốn'

Theo Tổng Bí thư, 22 tỉnh, thành phố phía Nam sáp nhập còn 9 tỉnh, thành phố tạo nên không gian phát triển đa dạng, phát huy tối đa hình thái không gian biển.

Tiếp lửa cho công cuộc kiến thiết tương lai

Sáng 21/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Nam, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Buổi gặp mặt có sự hiện diện trang trọng của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Trung ương Đảng; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương phía Nam cùng đông đảo đại biểu người có công, cán bộ lão thành cách mạng.

Trong không khí cả nước hân hoan hướng về dấu mốc lịch sử trọng đại của dân tộc, buổi gặp mặt không chỉ là dịp tri ân thế hệ đi trước mà còn là dịp để tiếp thu những ý kiến trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của các nhân chứng lịch sử đối với sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN

Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp to lớn, những hy sinh không tiếc thân mình của lớp lớp người đi trước – những người lính cụ Hồ kiên cường đã viết nên những trang sử vàng chói lọi trong cuộc kháng chiến giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc.

Những chiến công ấy không chỉ là chiến thắng quân sự mà còn là chiến thắng của tinh thần Việt Nam, của lòng yêu nước, ý chí quật cường, và niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh: từ khắp các chiến trường ác liệt, từ Bắc chí Nam, từ núi cao đến biển rộng, từng bước chân của những người lính đã in dấu lên từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người đã anh dũng hy sinh, nhiều người trở về với thương tích trên cơ thể, với ký ức khắc sâu vào tâm trí. Và chính họ, sau chiến tranh, lại tiếp tục cống hiến thầm lặng trong công cuộc xây dựng đất nước: phát triển kinh tế, gìn giữ văn hóa, giáo dục thế hệ trẻ.

Để ghi nhớ và lưu giữ những giá trị lịch sử thiêng liêng đó, Tổng Bí thư cho biết Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng Bảo tàng Quân sự Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến khánh thành nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030. Đây sẽ là những công trình không chỉ phục vụ giáo dục truyền thống mà còn góp phần truyền lửa cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Kiến tạo vùng động lực mới phía Nam

Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ những định hướng lớn mang tầm chiến lược cho phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Trọng tâm là chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính địa phương và phát triển liên kết vùng, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Bộ Chính trị đã thống nhất cao với chủ trương sáp nhập, tái cấu trúc hành chính tại khu vực Nam Bộ – từ 22 tỉnh, thành phố sẽ còn lại 9 đơn vị hành chính mới. Đây không chỉ là sự thay đổi về mặt địa lý – hành chính, mà còn là “cuộc cách mạng phát triển” tạo ra không gian liên kết mới, khai thác hiệu quả hình thái địa lý đa dạng từ rừng núi, đồng bằng đến biển đảo. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Không chỉ là ‘hai cộng hai bằng bốn’, mà phải là ‘hai cộng hai lớn hơn bốn’.”

Những tỉnh mới hình thành như Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng hay Bến Tre – Trà Vinh – Vĩnh Long sẽ trở thành những thực thể phát triển có tính bổ sung và cộng hưởng cao, hình thành thế “kiềng ba chân” vững chãi, đủ năng lực bứt phá trong kỷ nguyên mới. Nhân dân của những tỉnh sáp nhập sẽ được mở rộng cơ hội phát triển, từ tiếp cận biển, phát triển du lịch, kinh tế biển đến mở rộng giao thương nội vùng và quốc tế.

Tổng Bí thư chỉ rõ: để chủ trương này thành công, phải đồng bộ hóa quy hoạch không gian, xây dựng hạ tầng liên thông hiện đại, đảm bảo phân bổ nguồn lực hợp lý và hiệu quả, tránh thất thoát, lợi ích nhóm. Việc bố trí cán bộ cần chọn người có năng lực, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đồng thời khai thác tối đa thế mạnh của đội ngũ tại các địa phương sáp nhập.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu. Ảnh: TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh trong chiến lược phát triển mới, sẽ đóng vai trò hạt nhân – một siêu đô thị quốc tế, đầu tàu tăng trưởng của vùng và cả nước. Không chỉ mở rộng về địa lý, thành phố còn cần sự thống nhất cao hơn về chính trị, năng động hơn trong tư duy quản trị và sáng tạo hơn trong khai thác tiềm năng. Thành phố Hồ Chí Minh tương lai sẽ không đơn độc, mà là trung tâm liên kết với toàn bộ khu vực: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Cần Thơ… hình thành “vùng động lực liên kết mới” có tầm cỡ quốc tế.

Tổng Bí thư khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành công khi cả vùng cùng phát triển, và ngược lại – vùng sẽ thăng hoa khi có một trung tâm đủ mạnh để dẫn dắt. Đó là chiến lược “cùng kiến tạo, cùng đồng hành”, nơi các địa phương không chỉ tham gia mà còn đóng vai trò đối tác chiến lược trong mọi lĩnh vực – từ hạ tầng, công nghiệp, văn hóa đến an sinh xã hội.

Tổng Bí thư cũng đặc biệt nhấn mạnh, trong tiến trình sáp nhập và tái cấu trúc vùng, cần ưu tiên thu hẹp khoảng cách phát triển, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh phát triển kinh tế, phải chăm lo toàn diện đến an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tổng Bí thư yêu cầu sau sáp nhập, hình thành một không gian phát triển liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa các khu vực mới và cũ, về quy hoạch không gian, tài chính, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quản lý đô thị; đồng thời thiết lập các cơ chế phối hợp vùng để đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định và lâu dài cho toàn khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Minh Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tong-bi-thu-sap-nhap-tinh-thanh-phai-la-hai-cong-hai-lon-hon-bon-384127.html
Zalo