Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những chỉ đạo sâu sát đối với Kiên Giang
Nhà báo Đoàn Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Kiên Giang - chia sẻ vinh dự khi được tham gia đưa tin nhiều chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo tỉnh.
VietnamPlus trân trọng giới thiệu bài viết "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Kiên Giang" của nhà báo Đoàn Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Kiên Giang.
Cách đây gần 11 năm, trong một buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Kiên Giang là tỉnh lớn nằm ở vùng trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều thế mạnh, tiềm năng, phát triển nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là đảo Phú Quốc có tiềm năng rất lớn, phải tập trung phát triển."
Khi còn là một phóng viên trẻ mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm gì, tôi được lãnh đạo Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang đưa đi đào tạo cử nhân báo chí do Trường Đại học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh mở tại tỉnh Vĩnh Long cùng với 7 phóng viên của Đài và 5 phóng viên của báo Kiên Giang.
Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi mạng Internet chưa phát triển, báo điện tử chưa có, ngoài sạp báo không có các loại báo, tạp chí về chính trị, về Đảng nên tôi thường đọc báo, tạp chí ngay phòng đọc của thư viện, như Tạp chí Cộng sản, tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Quốc phòng toàn dân để làm bài trong các học phần.
Nhờ đó mà tôi biết đến tác giả Nguyễn Phú Trọng qua các tác phẩm báo chí với nhiều thể loại đăng trên Tạp chí Cộng sản lưu tại Thư viện Trường Đảng tỉnh Vĩnh Long (nay là Trường Chính trị Phạm Hùng).
Lúc đó, chỉ tập trung tìm kiếm tài liệu để làm bài học nên tôi cũng không để ý thêm thông tin về tác giả, sau này (năm 2001), khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng trở thành Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, tôi tìm hiểu mới biết đồng chí từng làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và có nhiều năm làm báo chuyên nghiệp ở tạp chí này.
Trong thời gian làm phóng viên, biên tập viên và quản lý chuyên môn tại Phòng Thời sự, Phòng Phát thanh thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang suốt hơn 20 năm, tôi được lãnh đạo Đài tin tưởng, giao nhiệm vụ đưa tin những chuyến làm việc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.
"Khâu then chốt vẫn phải là xây dựng Đảng"
Đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi vinh dự được tham gia đưa tin nhiều chuyến thăm và làm việc của đồng chí với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tại địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng (Thủ đô Hà Nội).
Cách đây 11 năm, vào ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị tổ chức buổi làm việc với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang khóa IX tại Phòng họp Bộ Chính trị trong Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng (Hà Nội), do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Đây là lần đầu tiên, tập thể Bộ Chính trị làm việc với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, kể từ ngày thành lập Tỉnh ủy Rạch Giá (năm 1941) tính đến thời điểm năm 2013, quan trọng hơn là buổi làm việc này tổ chức giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Để có thông tin và hình ảnh kịp thời tuyên truyền trên báo, đài địa phương, trước khi đi, Tỉnh ủy giao Ban Biên tập báo Kiên Giang và Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang phân công phóng viên đi đưa tin về chuyến làm việc này.
Giám đốc Đài lúc đó là đồng chí Nguyễn Thiện Cẩn cử tôi và nhà báo Huỳnh Long Tuấn tham gia cùng đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Báo Kiên Giang có nhà báo Lâm Việt Khởi (hiện là Phó Tổng Biên tập Báo Kiên Giang) cùng đi.
Để chủ động tác nghiệp, chúng tôi được anh Lê Thanh Hùng, khi đó là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, hiện nay là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang tạo điều kiện cho chúng tôi đến trước giờ làm việc để quan sát phòng họp, chọn vị trí đặt máy quay phim, chụp ảnh, ghi âm với yêu cầu làm sao phải đảm bảo gửi tin, bài và hình ảnh về Đài tỉnh phát sóng ngay trong đêm 12/12/2013.
Ban Biên tập báo Kiên Giang cũng chỉ đạo đăng tải trên ấn phẩm báo Kiên Giang vào sáng 13/12/2013. Chúng tôi được sự giúp đỡ tận tình của các anh cảnh vệ và cán bộ phục vụ Văn phòng Trung ương Đảng.
Dẫn đầu Đoàn Công tác của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang là đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, sau này là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trước giờ làm việc khoảng 15 phút, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang có mặt đây đủ tại Phòng họp Bộ Chính trị, trước 5 phút thì các đồng chí Trương Tấn Sang, Lê Hồng Anh, Nguyễn Tấn Dũng, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang và các ủy viên Bộ Chính trị đến.
Đúng 14 giờ, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bước vào phòng họp, cả phòng họp đứng dậy chào, Tổng Bí thư đáp lại bằng nụ cười tươi và bắt tay từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và không quên quay sang khu vực phóng viên báo chí ngồi ở bàn phía sau, bắt tay chào các nhà báo.
Nhiều anh chị nhà báo kể lại mặc dù ở cương vị Tổng Bí thư với trăm công ngàn việc nhưng lúc nào đồng chí cũng xem phóng viên báo chí là đồng nghiệp như ngày nào và dành tình cảm thân thiết đối với các nhà báo.
Nội dung chủ yếu tại buổi làm việc này, Bộ Chính trị nghe Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ IX và việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Ngoài ra, Tỉnh ủy còn báo cáo với Bộ Chính trị rất nhiều nội dung quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm báo Quốc phòng an ninh ở địa phương có đường biên giới rất dài cả trên bộ, trên biển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng, đánh giá cao và khen ngợi Kiên Giang đạt nhiều thành tựu quan trọng sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao với 11,8%, thu nhập bình quân đầu người từ 25,8 triệu đồng ở thời điểm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX tăng lên 42,5 triệu đồng vào tháng 12/2013.
Là một tỉnh ở xa Trung ương và có vị trí đặc biệt quan trọng về Quốc phòng an ninh, Tổng Bí thư cho rằng: "Kiên Giang có địa chính trị, địa kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đều mang tầm chiến lược."
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Kiên Giang là tỉnh lớn nằm ở vùng trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều thế mạnh, tiềm năng, phát triển nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là đảo Phú Quốc có tiềm năng rất lớn, phải tập trung phát triển."
Kết luận buổi làm việc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “thành tích của Kiên Giang với những nét chấm phá ấn tượng. Có thể nói, triển khai thực hiện Nghị quyết chỉ hơn 2 năm rưỡi nhưng Kiên Giang đã thu được kết quả đáng mừng."
Tổng Bí thư đánh giá cao: "Kinh tế Kiên Giang phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng khá cao, trong điều kiện khó khăn nhưng GDP tăng gần 12%, cả nước bây giờ chỉ có 5,4% thôi. Sản lượng lương thực của Kiên Giang gần như dẫn đầu cả nước, thủy sản cũng đứng đầu cả nước, xuất khẩu cũng đạt khá, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, tăng đến 64%."
Tổng Bí thư chỉ ra những hạn chế mà Kiên Giang chưa làm được, đó là: kinh tế phát triển chưa vững chắc, rõ nhất là chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Công nghiệp định hướng phát triển chưa rõ, quy mô vẫn còn nhỏ, trình độ công nghệ chưa tiên tiến, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi đúng là còn hạn chế.
Tổng Bí thư cũng lưu ý Kiên Giang cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, địa thế của mình, tiềm năng lớn, thế mạnh đã rõ, điều kiện và dư địa phát triển còn nhiều. Vì vậy, sắp tới, Kiên Giang phải có tinh thần quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, động viên toàn lực lượng của tỉnh, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, các ngành, các cấp để phát triển, bức phá mạnh hơn nữa.
Tổng Bí thư gợi ý: "Muốn thế, phải tập trung rà soát toàn bộ phương hướng, quy hoạch tổng thể có liên quan đến định hướng sắp tới, cần bổ sung những gì để trình Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh. Cố gắng tìm ra khâu đột phá, ví dụ chọn Phú Quốc là khâu đột phá, rồi phát triển giao thông... để đi sâu hơn."
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Về kinh tế, Kiên Giang chủ lực, trọng điểm vẫn là nông nghiệp, trong nông nghiệp vẫn là lương thực và hải sản, nuôi trồng, đánh bắt, xuất khẩu, lương thực thì tập trung lúa gạo… Phải tính xem, cũng là lúa, bây giờ ta đạt 4 triệu 300.000 tấn, sắp tới là hơn, năm 2013 là 4 triệu 470.000 rồi, nhưng giá lúa xuất khẩu cũng chỉ có thế thôi, không thể có giá trị cao được, cho nên vẫn là cánh đồng ấy nhưng đưa cái gì vào hay là lúa gạo, chế biến ra sản phẩm gì cho có giá trị cao hơn."
Một hướng nữa là Kiên Giang đang khó về giao thông, đây cũng là hướng đột phá của Trung ương, đối với Kiên Giang thì rất là quan trọng. Vì vậy, Kiên Giang cần tập trung vào mảng này, nhất là các tuyến đường huyết mạch, xung yếu rồi vấn đề môi trường, gắn với lũ lụt ra sao, Kiên Giang phải quan tâm phát triển về giao thông, thủy lợi.
Tổng Bí thư chỉ đạo tập trung làm sao đưa Phú Quốc phát triển nhanh, tuy nhiên cũng không thể nóng vội được, “chủ trương phát triển Phú Quốc thực hiện đến nay đã qua 8-9 năm rồi, bây giờ có điều kiện rồi… Phú Quốc khác với Vân Phong và Vân Đồn, Phú Quốc có cơ sở vật chất sẵn rồi, có đường bay, bến cảng, có du lịch, sinh thái như thế rồi, còn Vân Phong và Vân Đồn chưa có gì, còn rất hoang vu cho nên tập trung cho Phú Quốc."
Về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “nếu tất cả chủ trương, giải pháp đề ra mà không có người thực hiện, hoặc tổ chức của chúng ta xộc xệch, đề ra mà không làm được thì cũng nằm đấy thôi, cho nên khâu then chốt vẫn phải là xây dựng Đảng."
Kết thúc buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tại Hà Nội ngày 12/12/2013, một thời gian không lâu sau đó, Văn phòng Trung ương Đảng ban hành thông báo kết luận ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc này.
Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nhanh chóng triển khai thực hiện với sự quyết tâm cao nhất trong toàn hệ thống chính trị.
Phát triển Phú Quốc "không được nóng vội"
Sau buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang ngày 12/12/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có 2 lần về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc vào năm 2014 và năm 2019.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Kiên Giang và Huyện ủy Phú Quốc ngày 16/8/2014 tại đảo Phú Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng khi chứng kiến tận mắt sự phát triển vượt bật của Phú Quốc.
Tổng Bí thư được lãnh đạo huyện Phú Quốc và Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đưa đi thăm các dự án đầu từ và các khu du lịch trên đảo Phú Quốc, Tổng Bí thư tỏ ý hài lòng, khen ngợi Kiên Giang thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là có nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó có phát triển du lịch Phú Quốc.
Tổng Bí thư nói: “Đúng là đến đây du lịch tuyệt vời thật; môi trường thế này, nước biển trong xanh đẹp thế này, có nhiều thứ tham quan, kể cả di tích lịch sử-văn hóa của chúng ta giáo dục truyền thống tốt lắm."
Tổng Bí thư lưu ý Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Huyện ủy Phú Quốc một số nội dung quan trọng trong quá trình phát triển Phú Quốc, và căn dặn “không được nóng vội."
Những nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển kinh tế-xã hội qua những lần ông về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang được lãnh đạo tỉnh nhanh chóng nghiên cứu kỹ lưỡng, triển khai thực hiện một cách đồng bộ với sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất trong toàn hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Những nội dung chỉ đạo của Trung ương, trong đó có ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần quan trọng trong sự phát triển của tỉnh, giúp tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Năm 2023, Kiên Giang đạt 4,4 triệu tấn lương thực, toàn tỉnh có 7/15 huyện, thành phố được công nhận huyện nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 110/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông của tỉnh Kiên Giang phát triển tương đối đồng bộ cả về cảng hàng không, cảng biển và đường bộ… Đáng chú ý là Quốc lộ 80, đường cao tốc Rạch Sỏi-Vàm Cống, Quốc lộ 61 đã trở thành những con đường đẹp, huyết mạch, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại không chỉ cho nhân dân trong tỉnh mà còn tạo điều kiện tốt nhất để các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đi lại thuận lợi, dễ dàng.
Trong 10 năm trở lại đây, Phú Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế với kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng, mang tính cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế.
Giai đoạn 2004-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố Phú Quốc quân đạt 19,6%/năm; tăng trưởng du lịch giai đoạn 2011-2023 đạt trên 38%/năm, gấp 6 lần mức bình quân chung cả nước; thu ngân sách trên 7.800 tỷ đồng tăng 113% so với năm 2004.
Chỉ riêng năm 2023, Phú Quốc đón 5,4 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, 5 năm gần đây, Phú Quốc không những tự chủ nguồn ngân sách tại địa phương mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh.
Tất cả những thành tựu ấn tượng của tỉnh Kiên Giang thời gian qua chính là sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Trung ương và sự phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo các bộ, ngành với địa phương. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân ở tỉnh Kiên Giang có sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư cũng là người có nhiều ý kiến chỉ đạo, gợi mở quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống nhân dân Kiên Giang, đặc biệt là phát triển đảo Phú Quốc như ngày hôm nay./.