Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Malaysia
Chiều ngày 21/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Thủ tướng Chính phủ Malaysia Dato' Sri Ismail Sabri bin Yaakob, đến chào trong thời gian thăm chính thức tại Việt Nam.
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cảm ơn Tổng Bí thư đã dành thời gian tiếp, chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, nhất là việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế.
Thông báo với Tổng Bí thư về kết quả hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob nhấn mạnh, Malaysia coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, mong muốn hai bên đẩy mạnh hợp tác song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân, tỏ sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác du lịch và hợp tác biển với Việt Nam nhằm khai thác tiềm năng của hai nước.
Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob nhất trí tăng cường quan hệ đảng, thông qua trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao và giao lưu giữa các tổ chức của đảng nhằm học hỏi, tham khảo kinh nghiệm.
Hoan nghênh Thủ tướng Malaysia sang thăm chính thức Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng chuyến thăm là dấu mốc góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, sự tin cậy lẫn nhau và đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi với Thủ tướng Malaysia về thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam sau 35 năm đổi mới, về đường lối, chính sách và các mục tiêu do Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.
Tổng Bí thư khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Malaysia, đề nghị hai bên phát huy các kết quả đạt được, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, trong đó có tăng cường quan hệ giữa các chính đảng, đẩy mạnh hợp tác song phương cũng như trong khuôn khổ ASEAN và các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Về Biển Đông, Tổng Bí thư đề nghị hai nước cùng nhau tích cực củng cố hòa bình, hợp tác ở Biển Đông nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đảng của các bên theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trên tinh thần đó, đề nghị hai nước tăng cường trao đổi, hợp tác trên biển trong các lĩnh vực khác nhau cùng giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.