Tổng Bí thư: Luật Điện lực (sửa đổi) cần chú trọng ưu tiên phát triển điện sạch

Đây là nội dung được Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh trong buổi thảo luận tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV…

Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực

Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực

Tại buổi thảo luận Tổ 12, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực và nhấn mạnh đến sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực trước yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng, năng lượng – một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, đột phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm Tổng Bí thư nhận định, chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn là thiếu điện; một số nhà đầu tư đã tính toán với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nên đã cân nhắc có đầu tư vào Việt Nam hay không. Vì vậy, bên cạnh môi trường đầu tư tốt kinh doanh thuận lợi, cũng cần tính toán đến sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bài toán đặt ra hiện nay làm sao có đủ năng lượng phục vụ phát triển, do vậy sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới; cùng với đó, chú trọng ưu tiên phát triển điện sạch, phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tính toán quy hoạch điện, vận tải điện hài hòa giữa các vùng, miền trong cả nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, có những tỉnh không sản xuất điện nhưng tiêu thụ điện lớn, nhưng có những địa phương sản xuất được điện nhưng người dân chưa được dùng điện. Do đó, Chính phủ, Nhà nước cần làm tốt nhiệm vụ điều hòa điện. Vừa qua, đường dây 500 kV mạch 3 chiều dài 514km, được nối từ Quảng Trạch ra Phố Nối (Hưng Yên) được hoàn thành cũng nhằm giúp cân đối, điều hòa nguồn điện giữa các vùng.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, nhiều địa phương có tiềm năng lớn về phát triển điện sạch như điện điện gió, điện ngoài khơi, do vậy cần đặt ra mục tiêu cụ thể, nhận diện rõ khó khăn, thuận lợi của từng loại hình để có kế hoạch dài hạn trong việc cung ứng đủ nguồn điện…

Để sớm hoàn thiện dự án luật, Tổng Bí thư đề nghị làm rõ khó khăn, bất cập hiện nay, từ đó có định hướng và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất, cho tiêu dùng, cho nhu cầu điện của quốc gia. Trong đó, lưu ý có các quy định về phát triển điện, điều hòa điện, quy hoạch điện, đặc biệt có đủ nguồn điện để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư. Tổng Bí thư nhấn mạnh, thời gian không chờ đợi ai, chúng ta cần chủ động triển khai nhanh chóng, đồng bộ, song song với việc triển khai sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện.

Liên quan đến dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh tính cấp thiết về việc sớm hoàn thiện và ban hành luật tại buổi thảo luận Tổ 4. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, Quy hoạch Điện 8 xác định đến năm 2030, chúng ta phải đạt gấp 2 lần công suất hiện nay. Còn 5 năm nữa mà Luật Điện lực (sửa đổi) không được thông qua trong năm nay thì không có cách nào để thực hiện được.

 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng lấy dẫn chứng về một dự án điện than (theo quy hoạch cũ mới được tiếp tục triển khai) cũng phải mất 5 - 6 năm. Dự án điện khí mất từ 7- 8 năm, nếu mà dự án điện hạt nhân khởi động bây giờ thì cũng phải mất khoảng 10 năm. Trong khi các nguồn hiện tại không còn dư địa kể cả thủy điện, điện than chỉ còn 5-6 dự án theo quy hoạch cũ.

“Do đó, nếu chậm một ngày ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) thì sẽ phải chậm hằng năm cho việc triển khai. Điều này dẫn đến rủi ro mất an toàn điện năng và an ninh năng lượng điện của đất nước. Mặt khác, chúng ta phải chuyển đổi rất mạnh cơ cấu về nguồn để đạt net zero. Nếu không sửa Luật Điện lực thì năng lượng tái tạo không thể phát triển, nhà đầu tư không dễ vào”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Liên quan đến giá điện, Bộ trưởng cho hay, thực tế giá điện của chúng ta hiện nay chưa phản ánh đúng, phản ánh đủ giá thành điện năng, chúng ta mới cơ bản tính được giá sản xuất ở thị trường giao ngay với so sánh với giá bán ra theo quy định của Nhà nước, một loại giá nhưng chia 6 bậc.

“Trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này, cơ quan soạn thảo phải từng bước bóc tách, ngay cả cơ chế giá thì phải là giá điện 2 thành phần (giá điện năng và giá công suất). Như vậy, khách hàng không sử dụng điện nhưng đã tham gia vào lưới điện là phải trả một loại phí để duy trì an toàn, còn khách hàng dùng hết bao nhiêu thì trả bấy nhiêu

Phải từng bước bóc tách giá và phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng, chừng nào bóc tách ra được và cân đối tương đối phù hợp thì mới có nhà đầu tư trong lĩnh vực truyền tải”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Bảo An

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/tong-bi-thu-luat-dien-luc-sua-doi-can-chu-trong-uu-tien-phat-trien-dien-sach-post555593.html
Zalo