Tổng Bí thư: Hà Nội là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, không chỉ gương mẫu đi đầu trong việc đưa Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống, Hà Nội còn đóng vai trò là cực tăng trưởng kinh tế của cả nước, là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.
Hà Nội luôn gương mẫu trong triển khai các chủ trương lớn của Trung ương
Sáng 27/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo kết quả về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của thành phố năm 2024 và kế hoạch năm 2025, giai đoạn 2025-2030.
Cùng tham gia đoàn làm việc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; các ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy và các lãnh đạo TP Hà Nội.
Phát biểu gợi mở, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, với vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn tiên phong, gương mẫu trong triển khai các nghị quyết của Trung ương để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, lan tỏa đến từng người dân.
Không chỉ gương mẫu đi đầu trong việc đưa Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống, Hà Nội còn đóng vai trò là cực tăng trưởng kinh tế của cả nước, là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Từ thực tiễn triển khai với tinh thần đổi mới, sáng tạo của Thủ đô Hà Nội, các địa phương sẽ thực hiện và nhân rộng trên cả nước.
Nhấn mạnh vai trò, vị thế của Thủ đô, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định, Hà Nội cần có được sự quan tâm tương xứng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Ban, bộ, ngành Trung ương.
Tổng Bí thư cũng mong muốn, cùng với việc triển khai Chỉ thị số 35-CT/TƯ về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Hà Nội sẽ tiếp tục tiên phong, gương mẫu trong việc triển khai các chủ trương lớn của Trung ương với những thay đổi mạnh mẽ để đưa đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, với những bước phát triển vượt bậc.
Tổng Bí thư mong muốn, tại buổi làm việc, Hà Nội sẽ chia sẻ những vấn đề lúng túng, còn tồn đọng khi triển khai các chủ trương lớn của Trung ương, để từ đó, Trung ương lắng nghe và cùng Hà Nội tháo gỡ, xử lý.
Gợi mở một số vấn đề quan trọng của Hà Nội như: Bảo vệ môi trường, phát triển giao thông, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, vấn đề chống lãng phí tận dụng tối đa nguồn lực để phát triển… Tổng Bí thư mong muốn, thời gian tới, Hà Nội sẽ có những hướng đi sáng tạo trong triển khai các chủ trương lớn của Trung ương để từ đó đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Tập trung đầu tư xây dựng các cầu vượt sông Hồng
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã trình bày cáo cáo tóm tắt về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội thời gian qua, những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Theo Phó bí thư Thường trực Thành ủy, năm 2024, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo.
Song bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cấp ủy và các cơ quan trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở quyết liệt thực hiện đồng bộ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đột xuất, đạt kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật trên nhiều lĩnh vực.
Trong năm 2024, TP Hà Nội đã hoàn thành xây dựng thể chế, chính sách tạo lập không gian phát triển mới với tầm nhìn dài hạn cho phát triển Thủ đô; quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, các nhiệm vụ đề ra cơ bản đã hoàn thành, dự kiến hoàn thành 20/24 chỉ tiêu, trong đó 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Đáng chú ý, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, thành phố đã tập trung rà soát, lập danh mục 829 dự án chậm triển khai; ra quyết định thu hồi 8 dự án lớn không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí với diện tích 258,9ha.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã kiểm tra, xử lý và chỉ đạo các tổ chức liên quan khẩn trương hoàn thành một số công trình đang bị chậm, lãng phí để đưa ngay vào phục vụ nhân dân.
Về tình hình dư luận cử tri và nhân dân Thủ đô, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, qua nắm bắt cho thấy, cử tri và nhân dân Thủ đô phấn khởi trước những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước; chính sách đối ngoại khéo léo của Đảng, Nhà nước; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định.
Trong thời gian tới, Hà Nội tập trung quyết liệt xử lý các vấn đề về môi trường, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và xây dựng các công trình khu vực hồ Tây; quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng; đầu tư xây dựng các cầu vượt sông Hồng; dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Láng - Hòa Lạc); nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư; đầu tư công và giải phóng mặt bằng; phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô.