Tôn vinh những giá trị bền vững của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Hơn 20 năm kể từ ngày Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra Nghị quyết lấy ngày 18/11 hằng năm làm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, đây đã trở thành dịp để các tầng lớp nhân dân thấy rõ giá trị, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết góp phần to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng.
Lịch sử ra đời Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ban hành chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế Đồng minh, đây là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Từ Hội Phản đế Đồng minh đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ngày nay luôn phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi bè lũ thực dân, đế quốc, giành lại độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Trong quá trình củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam, yêu cầu đặt ra là phải có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán của từng vùng, từng địa phương. Để thực hiện được điều đó phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, từng khu dân cư, từng gia đình; tạo cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết từ cá nhân, gia đình, khu dân cư đến cấp xã, phường, huyện, tỉnh. Đó chính là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam.
Năm 1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 - ngày Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất làm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận. Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào ngày 18/11 hằng năm nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tôn vinh những giá trị to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Hơn 20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức rộng khắp, nền nếp ở các khu dân cư đã trở thành nét đẹp truyền thống, tôn vinh những giá trị to lớn, bền vững của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được nhân dân các địa phương tổ chức trong không khí phấn khởi chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Thực hiện quan điểm "dân là gốc", tạo lập sự đồng thuận xã hội theo phương châm "Đảng nói - dân tin; Mặt trận các đoàn thể vận động - dân theo; chính quyền làm - dân ủng hộ", vào dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam luôn dành thời gian đến từng khu dân cư ở các tỉnh, thành để chung vui, cổ vũ, động viên, cùng nhân dân ôn lại truyền thống, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, cụ thể hóa phương châm “hướng về cơ sở” đưa đường lối, quan điểm của Đảng, công tác Mặt trận đến cộng đồng dân cư, đến với từng gia đình và mỗi người dân.
Tại Ngày hội, chính quyền và nhân dân cùng nhau đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của khu dân cư; xác lập và biểu thị quyết tâm thực hiện các phong trào thi đua mới gắn với tham gia sinh hoạt văn nghệ, thể thao làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần. Ở các địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), không khí lễ hội rộn vang khắp bản làng. Dịp này cũng trùng với thời điểm ngô, thóc đã vào bồ trong vụ thu hoạch cuối năm nên đồng bào càng thêm phấn khởi.
Hân hoan chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của quê hương, đất nước, nên dù tuổi đã cao nhưng bác Lò Khắc Đoạn, ở xóm 1, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La vẫn hăng hái tham gia đội văn nghệ của xóm để cùng bà con cất cao lời ca, tiếng hát ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu và mừng đất nước, bản làng ngày càng đổi mới. Niềm vui của bác Đoạn có lẽ là tâm trạng chung của hơn 14 triệu đồng bào DTTS nước ta. Đa số đồng bào DTTS sinh sống ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên của đồng bào, tình hình kinh tế - xã hội đã có bước phát triển rõ rệt. Thu nhập của đồng bào được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc được củng cố và tăng cường.
Vùng đồng bào DTTS và miền núi nước ta có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước ta luôn xác định tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, điều đó không chỉ hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mà còn phát huy các giá trị truyền thống quý báu của từng dân tộc, của mỗi thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.