Tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc
Sáng 18.4, tại Thư viện Hà Nội đã khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV, phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2025.
Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh, phát triển văn hóa đọc của mỗi cá nhân trong cộng đồng chính là nền tảng xây dựng một xã hội học tập, góp phần tạo nên sức mạnh trí tuệ của toàn dân tộc trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Siêng xem sách và xem nhiều sách là một điều đáng quý”. Sách chứa đựng tri thức, giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại, mỗi cuốn sách có chủ đề, lĩnh vực khác nhau nhưng đều với mục đích mang đến cho bạn đọc tri thức mới, giá trị mới.

Cắt băng khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV TP. Hà Nội
Đánh giá cao tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, khẳng định vị trí, vai trò của sách trong đời sống, xã hội, Quốc hội Khóa XIV thông qua Luật Thư viện năm 2019, trong đó có quy định lấy ngày 21.4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 1.11.2021 về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cộng đồng xã hội. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
"Đây cũng là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời cũng là dịp để tôn vinh những người sáng tạo sách, công tác phát hành sách, người làm công tác thư viện và bạn đọc yêu thích sách", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đại biểu tham quan trưng bày sách, tư liệu về văn hóa đọc, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam đổi mới
Lan tỏa đam mê đọc sách
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra Lễ phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2025. Cuộc thi được tổ chức hàng năm là hoạt động thiết thực góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đọc Thủ đô.
Cuộc thi nhằm khơi dậy đam mê đọc sách đối với học sinh mọi lứa tuổi, qua đó khẳng định vai trò, những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc trong nâng cao năng lực của người Việt Nam, đặc biệt trong tiếp cận thông tin và tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Bạn đọc tại Trung tâm Văn hóa và Thư viện Hà Nội
Năm 2024, cuộc thi đã thu hút trên 300.000 bài dự thi (bài viết, video clip, tác phẩm hội họa của 1.335 trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố tham gia (tăng gần 300% so với năm trước).
Theo Ban tổ chức, cuộc thi đã lựa chọn được những bài viết hay, chất lượng, đầu tư công phu cả về hình thức và nội dung, tạo được dấu ấn và lan tỏa văn hóa đọc ngay từ chính gia đình, nhà trường và cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng văn hóa đọc, cuộc thi còn tìm ra những gương mặt tiêu biểu để thổi bùng lên ngọn lửa đam mê, người truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu với sách.
Phát biểu tại Lễ phát động, Bùi Khánh Phương, học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc không chỉ là một sân chơi bổ ích và lý thú dành cho thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn góp phần tôn vinh, lan tỏa giá trị của sách cũng như đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ.

Nói chuyện chuyên đề "Sách và văn hóa đọc trong thời đại kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"
"Thông qua cuộc thi đầy ý nghĩa này, mỗi học sinh chúng em có thêm cơ hội trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách và phát triển văn hóa đọc, tạo động lực thúc đẩy phong trào đọc trong nhà trường. Năm 2024, Cuộc thi với chủ đề “Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” còn giúp chúng em thêm tự hào về thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến", Khánh Phương chia sẻ.
Trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề "Sách và văn hóa đọc trong thời đại kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", với diễn giả là nhà văn Nguyễn Đình Tú, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Đình Tú đã trình bày những nội dung về Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam; về tác động của văn học và tiểu thuyết đối với đam mê đọc và học trong trường phổ thông, đại học hiện nay...