Tôn vinh giá trị cây cà phê Tây Nguyên

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố 'Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk' được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này không chỉ tôn vinh giá trị của cây cà phê - biểu tượng đặc trưng của Tây Nguyên, mà còn ghi nhận những đóng góp to lớn của người trồng, chế biến cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng trong suốt hơn một thế kỷ qua. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, mở ra cơ hội mới trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của địa phương.

Đắk Lắk có truyền thống trồng cà phê lâu đời từ 100 năm trước. Ảnh: Phúc An

Đắk Lắk có truyền thống trồng cà phê lâu đời từ 100 năm trước. Ảnh: Phúc An

Kế thừa, phát huy tri thức trồng và chế biến cà phê

Cây cà phê bén rễ trên vùng đất đỏ bazan Đắk Lắk từ thời kỳ thực dân Pháp khai thác thuộc địa. Ban đầu, chỉ có những đồn điền quy mô nhỏ do người Pháp sở hữu. Theo thời gian, cùng với quá trình di dân lập nghiệp, người dân địa phương và những cộng đồng nhập cư đã từng bước tiếp nhận kỹ thuật canh tác, nhân rộng diện tích, biến cây cà phê trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Đến nay, cây cà phê không chỉ chiếm tỉ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Đắk Lắk, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, văn hóa của đại đa số người dân trên địa bàn. Thói quen canh tác, kỹ thuật chăm sóc, quy trình thu hoạch và chế biến cà phê đã tạo nên một kho tàng tri thức đặc sắc, được lưu truyền, bồi đắp qua nhiều thế hệ.

Theo kết quả khảo sát, tri thức trồng và chế biến cà phê được nhận diện ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong đó, nổi bật tại thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện Cư M’gar, Krông Pắk, Ea H’leo, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ. Chủ thể văn hóa của di sản này rất đa dạng, gồm cộng đồng các dân tộc bản địa như Ê Đê, M’Nông, cũng như người Kinh, người Thái, người Tày... từ nhiều vùng miền khác di cư đến.

Đáng chú ý, tri thức trồng và chế biến cà phê tại Đắk Lắk không ngừng được kế thừa, sáng tạo và phát triển theo thời gian. Bên cạnh việc bảo lưu những kỹ thuật canh tác truyền thống như trồng xen canh, chăm sóc theo mùa vụ, người nông dân còn tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến như tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, sử dụng phân bón hữu cơ, áp dụng công nghệ chế biến ướt để nâng cao chất lượng hạt cà phê.

Ông Nguyễn An Sơn (sinh năm 1964), trú tại thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar chia sẻ: "Gia đình tôi gắn bó với cây cà phê từ năm 1960, khi bố tôi làm việc trong một đồn điền cà phê của Pháp. Những kiến thức, kinh nghiệm trồng cà phê mà ông tích lũy được đã được truyền lại cho con cháu. Bản thân tôi không chỉ tiếp quản vườn cà phê truyền thống, mà còn áp dụng nhiều kỹ thuật mới, như điều chỉnh lượng phân bón, chọn giống kháng bệnh, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm".

Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông Trại EDE (tỉnh Đắk Lắk) khẳng định: "Sự công nhận của Nhà nước là nguồn động viên tinh thần lớn lao, tiếp thêm sức mạnh cho những người trồng, chế biến cà phê như chúng tôi để tiếp tục kiên trì theo đuổi sản xuất bền vững, tạo ra những sản phẩm cà phê chất lượng cao, nâng tầm thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế".

Tôn vinh giá trị của cà phê

Đắk Lắk hiện là địa phương có diện tích và sản lượng cà phê đứng đầu cả nước, với hơn 212.106ha và sản lượng hằng năm đạt trên 535.672 tấn. Không chỉ có ý nghĩa to lớn về kinh tế - xã hội, cây cà phê còn trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa của người dân địa phương. Từ những câu chuyện kể quanh bếp lửa, lễ hội cầu mưa đến những phiên chợ tấp nập mùa thu hoạch, cà phê đã thấm sâu vào từng nếp nghĩ, cách sống của cộng đồng nơi đây.

Ngoài ra, sự phát triển của ngành cà phê còn gắn liền với việc hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, kết hợp giữa tham quan nông trại, trải nghiệm thu hoạch, chế biến cà phê và khám phá văn hóa bản địa. Các lễ hội như Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh Đắk Lắk - miền đất của những hạt cà phê đậm đà hương vị và giàu bản sắc.

Theo ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, việc "Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk" được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự ghi nhận về mặt giá trị văn hóa, mà còn là cơ hội vàng để địa phương đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê. Qua đó, người trồng cà phê có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ông Đại cho biết thêm, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổng thể về bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất công nhận các nghệ nhân trồng và chế biến cà phê tiêu biểu; tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy kỹ thuật canh tác truyền thống kết hợp hiện đại; xây dựng bộ tiêu chí về bảo tồn tri thức cà phê phù hợp với thực tiễn.

Song song với đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm gắn với văn hóa cà phê, đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng truyền thông hiện đại nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần khẳng định vị thế "thủ phủ cà phê Việt Nam", đồng thời lan tỏa giá trị di sản "Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk" đến cộng đồng trong nước và quốc tế.

Phúc An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ton-vinh-gia-tri-cay-ca-phe-tay-nguyen-post489696.html
Zalo