Tôn trọng đối thủ là cách để trân trọng chính mình
Hiểu đúng về đối thủ vốn không dễ dàng, bởi khi có những mưu toan về lợi ích, người ta dễ đánh giá sai về đối phương. Ta cần có cái nhìn đa chiều để thấu tỏ về một người.

Tôn trọng đối thủ giúp con người ta bình tĩnh để suy xét mọi việc, dễ dàng giành phần thắng về mình. Ảnh: Một cảnh trong phim Diệp vấn 4.
Trước tiên, chúng ta hãy cùng điểm lại một số câu chuyện của những cặp kỳ phùng địch thủ thời xưa. Thời Bắc Tống từng có hai thừa tướng là Tư Mã Quang và Vương An Thạch. Quan điểm của hai người hoàn toàn đối lập nhau, một người bảo thủ còn người kia chủ trương cải cách.
Vương An Thạch nắm được thực quyền, Tư Mã Quang bị tước ngôi thừa tướng. Lúc này, Hoàng thượng hỏi Vương An Thạch nghĩ gì về Tư Mã Quang. Vương An Thạch hết lời ca ngợi, gọi Tư Mã Quang là “trụ cột của đất nước”. Nhờ thế, dù đã đánh mất lòng tin của hoàng thượng nhưng tình cảnh của Tư Mã Quang không đến nỗi quá bi đát.
Sau đó, vì quyết liệt tiến hành cải cách nên Vương An Thạch đã đắc tội với rất nhiều người. Hoàng thượng phải cách chức ông và lại phong Tư Mã Quang lên làm thừa tướng.
Lúc này, nhiều quan võ đến tâu với Hoàng thượng về tội của Vương An Thạch. Nghe xong, Hoàng thượng muốn trị tội Vương An Thạch, liền hỏi ý kiến của Tư Mã Quang.
Thay vì thừa nước đục thả câu, Tư Mã Quang chân thành nói với Hoàng thượng: “Vương An Thạch ghét điều ác như kẻ thù, thẳng thắn vô tư, trung thành hào kiệt, Hoàng thượng không nên nghe những lời vu khống đó.”
Hoàng thượng thốt lên: “Hai người đều là những bậc chính nhân quân tử.”
Hay như Lỗ Tấn và Lâm Ngữ Đường [1], hai người thường xuyên chỉ trích nhau và tranh luận trên báo chí.Nhưng kiểu chỉ trích và tranh luận này nhắm vào “việc” chứ không nhắm vào “người”. Lâm Ngữ Đường từng phát biểu trong Thương tiếc Lỗ Tấn: “Tôi luôn tôn trọng Lỗ Tấn, Lỗ Tấn cũng coi trọng tôi. Tôi trân quý sự thấu hiểu lẫn nhau đó.”
Sau khi đọc hai câu chuyện trên, chúng ta hãy suy nghĩ về câu hỏi: Sự khác biệt lớn nhất giữa một người quân tử và một kẻ tiểu nhân là gì? Phong thái của người quân tử là: chỉ tập trung làm việc và giải quyết vấn đề, không màng chuyện thị phi, nhắm vào việc chứ không nhắm vào người, đánh giá đúng bản chất của vấn đề. Đặc điểm của kẻ tiểu nhân là: không nhắc đến vấn đề của bản thân mà chỉ công kích, soi mói chuyện của người khác.
Những người quân tử có thể bất đồng quan điểm, nhưng họ lại đối xử với nhau một cách nhân nghĩa, “Dù không đồng tình với suy nghĩ của bạn nhưng tôi rất tôn trọng bạn, ngoài vấn đề đó ra, chúng ta vẫn là bằng hữu.”
Còn những kẻ tiểu nhân, dù tư tưởng có thể giống nhau nhưng lại không thể hòa hợp. Bề ngoài thì khách sáo, lịch sự, nhưng trong lòng ngấm ngầm nuôi thù với đối phương. Khi thời cơ đến, họ sẽ ngấm ngầm giở trò hãm hại. Đây là loại người đê hèn, bỉ ổi chúng ta phải tránh xa.
Thủ đoạn tàn nhẫn nhất của kẻ tiểu nhân là gì? Trước khi tấn công ai đó, họ sẽ khiến đối phương phải chịu tiếng xấu, nhằm phủ nhận tư cách và đạo đức của anh ta, khiến anh ta dù có giải thích thế nào cũng vô hiệu.
Vì thế, thà đắc tội với người quân tử còn hơn kết giao với kẻ tiểu nhân.
Có ba câu nói tôi muốn gửi gắm đến mọi người: tránh xa kẻ tiểu nhân, tránh xa thị phi và không bình phẩm người khác. Hãy tôn trọng tất cả những người chính trực, kể cả khi đó là kẻ thù của bạn.
[1] Một nhà văn Trung Quốc. Ông được xem là người có công lớn trong việc giới thiệu văn hóa Trung Quốc ra thế giới qua những tác phẩm viết bằng tiếng Anh, bàn về nghệ thuật, văn hóa và nhân sinh quan của người Trung Quốc.