Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 15-11, Học viện Chính trị Khu vực IV tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề: 'Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn hiện nay'.
Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động xã hội và các cơ quan quản lý chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận làm rõ hơn những nội dung: Nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hiện nay; đánh giá thực trạng, nguyên nhân và những vấn đề trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người; đề xuất quan điểm, định hướng giải pháp và các kiến nghị nhằm thúc đẩy việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới.
Các nhà khoa học cho rằng, dân số vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 17,422 triệu người (chiếm 19% dân số cả nước), với sự đan xen của các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer và một số dân tộc khác.
Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế phát triển khá năng động, bên cạnh việc phát triển tiềm năng kinh tế vùng, Đảng và Nhà nước cần quan tâm đến việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người nơi đây để đảm bảo phát triển kinh tế gắn với tiến bộ công bằng xã hội.
Những khó khăn, thách thức trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở vùng có nhiều nguyên nhân: Điểm xuất phát trong phát triển của vùng còn thấp, dẫn đến những khó khăn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền con người; thực thi các chính sách BHXH, BHYT, chăm sóc sức khỏe nhân dân còn một số hạn chế; hiệu quả hoạt động của các thiết chế trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; trình độ dân trí, việc đầu tư nguồn lực, bảo đảm cho phát triển giáo dục con người vẫn còn chênh lệnh; tác động tiêu cực, đa chiều, phức tạp, như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước…
Từ các khó khăn trên, để bảo đảm quyền con người ở Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà nghiên cứu đề xuất một số giải pháp: Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên về việc chăm lo những vấn đề an sinh xã hội và bảo đảm quyền con người; gắn chặt phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quyền con người, đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn trình độ văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho lực lượng lao động theo hướng gắn với nhu cầu thị trường lao động; phát triển hệ thống an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của vùng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, kịp thời điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những vấn đề bất hợp lý về chính sách, đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp hiệu quả.
Tin, ảnh: THANH HÀ