Tôn giáo ở Việt Nam đồng hành cùng dân tộc trong kỷ nguyên mới
Các tôn giáo ở Việt Nam, từ lâu là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, luôn đồng hành cùng lịch sử Việt Nam trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với những sự tương đồng về mục đích cao cả, tốt đẹp vì con người, các tôn giáo sẽ là một trong những nguồn lực quan trọng hoàn thành những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của một giai đoạn chuyển mình vĩ đại của đất nước.

Ngày 13/6/2024, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu lãnh đạo, chức sắc các tổ chức tôn giáo nhằm biểu dương, tôn vinh, khích lệ lãnh đạo chức sắc, phát huy truyền thống “phụng đạo, yêu nước”, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. (Nguồn: TTXVN)
Đường hướng tốt đẹp của các tôn giáo tương đồng với mục tiêu phát triển đất nước
Thứ nhất, về mục tiêu phát triển con người. Với các tôn giáo - một thực thể trong lòng dân tộc Việt Nam, mặc dù mỗi tôn giáo có cái nhìn riêng, cách diễn đạt riêng về sự phát triển con người, nhưng tựu chung lại, con người theo góc nhìn các tôn giáo chính là hướng con người tới cái chân - thiện - mỹ cả về tâm hồn và thể xác. Điển hình như phát triển con người toàn diện theo quan điểm của tôn giáo Baha’i đó là phải phát triển cả 3 mặt vật chất - nhân bản - tâm linh; đạo Cao Đài là phát triển cả hai mặt thế đạo và thiên đạo (thế đạo tức là phần thân, thể xác, trí não, còn thiên đạo là phần tâm linh), ở mặt thế đạo, đạo hữu được bồi dưỡng để trở thành con người đúng nghĩa trong trần thế này, vừa mưu sinh cho gia đình nhưng cũng vừa phải mang toàn năng toàn lực phụng sự cho sự tiến bộ của tha nhân đồng loại, còn mặt thiên đạo thì con người cần được phát triển, nuôi dưỡng bên trong, tức phần tâm - linh hồn…
Tóm lại, bất cứ theo cách diễn đạt nào, điểm đồng quy với mục tiêu phát triển con người trong kỷ nguyên phát triển của dân tộc chính là việc phát triển toàn diện con người, xây dựng một thế hệ nguồn nhân lực mới có đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh để gánh vác những trọng trách mới của quốc gia, dân tộc và thời đại.
Thứ hai, về mục tiêu phát triển xã hội. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu[1]. Những mục tiêu phát triển của xã hội Việt Nam trong thời gian tới bao trùm trên nhiều lĩnh vực, nhưng tựu chung lại chính là việc kiến tạo một xã hội hiện đại, nơi đó con người được sống, được hưởng thụ những giá trị tốt đẹp nhất của cuộc sống. Không nằm ngoài những mục tiêu tốt đẹp đó, giáo lý mỗi tôn giáo cũng định hướng con người rèn luyện từ trong nhận thức và hiện thực hóa bằng đời sống đạo đức, tâm linh để xây dựng một xã hội hòa bình, hòa hợp, thấu hiểu và hòa giải.
Điển hình có thể kể đến quan niệm của Phật giáo, mặc dù thời Phật Thích Ca còn tại thế, Ngài chưa bao giờ có chủ trương xây dựng một xã hội của riêng mình, nhưng Ngài đề ra mục tiêu xây dựng một xã hội đại đồng với những nguyên lý cốt lõi: Từ, Bi, Hỉ, Xả. Từ có nghĩa là tình yêu, tình hữu nghị, lòng thông cảm, tình bạn, sự quan tâm tích cực đến người khác. Bi có nghĩa là tình thương, lòng trắc ẩn. Bi là một trong bốn phẩm chất của tính cách, nó đánh dấu cho một trái tim giải thoát của con người. Hỉ có nghĩa là tình yêu vô tư, không vụ lợi. Chính những quan niệm này là những chuẩn mực để xây dựng một xã hội công bằng, tự do không có bạo lực và đổ máu.
Đây thực chất là một trong những như những mục tiêu cao cả, tốt đẹp về một xã hội tự do, bình đẳng, dân chủ, an toàn cho mỗi công dân mà công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói chung và định hướng bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam nói riêng đề ra trong thời gian tới.
Thứ ba, về mục tiêu bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên. Với mục tiêu phát triển mạnh mẽ về tiềm lực kinh tế trong kỷ nguyên mới, nhưng định hướng trong kỷ nguyên vươn mình cũng chỉ rõ không phải bằng mọi giá để phát triển kinh tế, mà phải chú ý đến sự cân bằng, bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên của con người.
Bởi nếu kinh tế có phát triển nhưng môi trường bị ô nhiễm, con người bị ảnh hưởng của bệnh tật, dịch bệnh thì con người cũng không có điều kiện để hưởng thụ những thành quả kinh tế, cũng như không thể tái tạo lực lượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Với đặc trưng trong đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất nhằm tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua cắt giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường, cải thiện các mục tiêu môi trường như chất lượng không khí và nước, hệ sinh thái và đa dạng sinh học cũng như hiệu quả sử dụng tài nguyên, là những mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Môi trường sống là mảnh đất hiện thực của tôn giáo nơi trần thế, nơi giáo hội mỗi tôn giáo phát triển, tín đồ mỗi tôn giáo sinh sống.
Ngày 24/5/2015, Đức Giáo hoàng Francis đã ban hành thông điệp Ngợi khen Chúa (Laudato si’), kêu gọi mọi người trên thế giới hãy chăm sóc trái đất, bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sống của mình. Theo Đức Giáo hoàng, đây là ngôi nhà chung mà Thiên chúa là Cha và là Đấng tạo hóa đã ban cho nhân loại. Ngài cũng quyết định thiết lập ngày 1/9 hằng năm làm Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc công trình tạo dựng[2].
Chính những giao điểm hội tụ nhất định về những mục tiêu xây dựng một xã hội tốt đẹp giữa công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, dân chủ, công bằng, văn minh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với giáo lý các tôn giáo ở Việt Nam, đã khiến cho các tôn giáo dễ dàng hưởng ứng và có những hành động thiết thực để đóng góp những nguồn lực của mình vào trong tiến trình phát triển chung của đất nước Việt Nam.

Chủ tịch nước Lương Cường và Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025. (Nguồn: TTXVN)
Đồng lòng, nhất trí, thống nhất trong nhận thức và hành động
Một là, giáo hội các tôn giáo cần đóng vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức của tín đồ về tính tất yếu của sự chuyển mình của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Giáo lý của các tôn giáo trong xây dựng con người, kiến tạo một xã hội, một môi trường sống của con người có những nét tương đồng và điểm chung nhất định với mục tiêu xây dựng đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Việc hướng dẫn tín đồ nhận thức và thực hiện đúng những tôn chỉ “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” của Công giáo; “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật” của Phật giáo; “Nước vinh, Đạo sáng” của đạo Cao Đài... chính là những hành động thiết thực nhất góp phần vào thực hiện thành công những mục tiêu mà cả dân tộc thực hiện trong thời gian tới.
Cần nhận thức được rằng, không vươn mình thời điểm này chính là sẽ mãi mãi tụt hậu so với thế giới, thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của dân tộc Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và năm 2045.
Các tôn giáo ở Việt Nam, dù nội sinh hay ngoại nhập, tín đồ các tôn giáo cũng đều là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, việc đồng lòng, nhất trí, thống nhất trong cả nhận thức và hành động của các tầng lớp xã hội sẽ tạo nên một sức mạnh đoàn kết to lớn để thực hiện một bước chuyển mình ngoạn mục của đất nước Việt Nam.
Hai là, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo cần tiên phong, gương mẫu đi đầu trong vận động tín đồ ra sức lao động sản xuất, học tập nâng cao trình độ, đặc biệt là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học hiện đại, ứng dụng và thực hiện chuyển đổi số trong học tập và lao động. Cần xác định rằng, trong kỷ nguyên mới, chuyển đổi số ngoài là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, còn là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo, ứng dụng triệt để khoa học kỹ thuật hiện đại trong toàn bộ đời sống xã hội.
Vì vậy, thực hiện cách mạng chuyển đổi số với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh các quan hệ xã hội sẽ tạo động lực mới cho phát triển, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, đưa đất nước ta đi tắt đón đầu phát triển vượt bậc.
Với tư cách là những người có sứ mệnh dẫn dắt, nuôi dưỡng đức tin của tín đồ trong hiện thực, mỗi chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo cần thấy rõ được tính tất yếu của sự phát triển; trực tiếp thực hiện và áp dụng những tiến bộ của chuyển đổi số trong các nhiệm vụ của giáo hội, sử dụng chuyển đổi số như một cách thức để nâng cao hiệu quả của các nhiệm vụ trong giáo hội. Từ đó, tuyên truyền để tín đồ thấy được mặt tích cực, khuyến khích ứng dụng, sử dụng chuyển đổi số như một phương tiện tất yếu trong thời đại hiện nay.
Ba là, tín đồ tôn giáo - bên cạnh là một phần không thể thiếu trong giáo hội các tôn giáo, là công dân, họ chính là chủ thể của quá trình xây dựng Việt Nam hùng cường trong kỷ nguyên mới. Vì vậy, mỗi tín đồ cùng chung tay, dốc sức phát triển, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, mỗi tín đồ cần nắm bắt thông tin chính thống về quá trình tổ chức, xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới; nhận diện và phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, tuyên truyền xuyên tạc về quá trình thực hiện.
Thực tế hiện nay, việc vạch ra mục tiêu, phương hướng, biện pháp, kế hoạch xây dựng đất nước trong thời gian tới đã khó, việc thực hiện lại càng bộn bề, khó khăn. Đất nước đang đứng trước ba điểm nghẽn lớn nhất là thể chế, hạ tầng và nhân lực.
Trong thời gian tới Đảng, Nhà nước sẽ có những quan điểm, chỉ đạo tích cực, khẩn trương để tháo gỡ các điểm nghẽn. Những biện pháp tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực sẽ động chạm đến lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức, đặc biệt trên lĩnh vực tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống lãng phí và công tác cán bộ sẽ gây ra những ý kiến trái chiều.
Chắc chắn các thế lực thù địch sẽ lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong phát triển đất nước, nhằm mục tiêu gây mất đoàn kết nội bộ, suy giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, tín đồ các tôn giáo cần tiếp cận những thông tin chính thống, tin tưởng vào mục tiêu tốt đẹp mà kỷ nguyên mới của đất nước đưa tới; đoàn kết, thống nhất một lòng vì mục tiêu chung của dân tộc.
Chắc chắn rằng, với sự đồng lòng của đồng bào các tôn giáo trong một cuộc chuyển mình mạnh mẽ, Việt Nam sẽ hoàn thành được những nhiệm vụ quan trọng đề ra, sánh vai cùng các cường quốc năm châu theo ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
[1] Tô Lâm (2024), Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 1/11/2024.
[2] Hội đồng Giám mục Việt Nam (2015), Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đoàn Dân Chúa 2015.