Tôm hùm và cá nuôi gặp sự cố thiệt hại nặng nề, Phú Yên đề nghị hỗ trợ xác định nguyên nhân
Trước những thiệt hại nặng nề về tôm hùm và cá nuôi, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã có văn bản đề nghị hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp để hạn chế thiệt hại...
Từ ngày 17/5, tôm hùm và các loại cá nuôi ở khu vực đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Theo thống kê của UBND thị xã Sông Cầu, trên khu vực đầm Cù Mông có 160 hộ bị thiệt hại với khoảng 61,39 tấn tôm hùm và 29,5 tấn cá biển các loại.
Địa phương bị thiệt hại nhiều nhất là thôn Vịnh Hòa với 1.334 lồng tôm, cá bị chết sạch. Trong đó, có hơn 53 tấn tôm hùm loại 0,1 - 0,4 kg/con, 28,6 tấn cá bị chết. Số còn lại là ở thôn Phú Dương với 27 hộ, ước tính thiệt hại 8,05 tấn tôm hùm và 9 tạ cá các loại.
Do bị thiệt hại đột ngột, người dân phải bán các loại cá vừa chết với giá từ 20.000 - 40.000 đồng/kg. Với tôm hùm lớn, loại 2 - 3 con/kg vừa chết bán với giá 300.000 - 400.000 đồng/kg (giá bán này chỉ bằng 1/3 giá tôm sống). Riêng các loại tôm hùm kích cỡ nhỏ, giá bán chỉ từ 20.000 đến 50.000 đồng/kg...
Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã có báo cáo kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III hỗ trợ xác định nguyên nhân tôm hùm, cá biển nuôi gặp sự cố thiệt hại với số lượng lớn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên nhận định, nguyên nhân ban đầu gây ra thiệt hại về tôm hùm, cá nuôi (kể cả thủy sản ngoài tự nhiên) là do mật độ lồng nuôi quá dày, môi trường nuôi xấu kết hợp với diễn biến thời tiết nắng nóng oi bức, xuất hiện mưa giông.
Vùng nuôi nước bị phân tầng, tăng áp suất tầng đáy, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, làm tiêu hao hàm lượng oxy hòa tan trong nước dẫn đến thủy sản nuôi bị ảnh hưởng tiêu cực.
Đồng thời, có khả năng hàm lượng một số loại khí độc từ đáy đầm tăng đột ngột vượt ngưỡng (nước tại vùng nuôi có mùi thối nặng) cũng gây ra hiện tượng trên.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu các địa phương nuôi trồng thủy sản như thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và huyện Tuy An thực hiện các giải pháp cấp bách hạn chế thiệt hại.
Người nuôi cần xuất bán ngay khi thủy sản nuôi đủ kích cỡ thương phẩm, không giữ chờ giá, tiềm ẩn nhiều rủi ro, san thưa thủy sản nuôi, giãn khoảng cách lồng để tăng lưu thông nước, tránh hiện tượng bị thiếu oxy cục bộ tại lồng nuôi.
Các hộ nuôi tôm hùm, cá biển phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe thủy sản nuôi, thu gom thức ăn thừa, vỏ lột, xác thủy sản chết đưa vào bờ để xử lý.
Đặc biệt, vào những ngày nắng nóng gay gắt, cần giảm 50 - 70% lượng thức ăn hàng ngày hoặc ngừng cho thủy sản ăn, tăng cường oxy cho thủy sản nuôi bằng phương pháp phù hợp.
Về cách chọn thức ăn, cần chọn loại có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm để tăng sức đề kháng của thủy sản nuôi trong giai đoạn thời tiết nắng nóng gay gắt, diễn biến thất thường.