Toilet miễn phí trong lòng Hà Nội: Dấu ấn nhỏ, điểm cộng lớn cho du lịch Thủ đô

'Góc tế nhị' của Hà Nội đang dần đẹp lên với những tấm biển 'Free Restroom' xuất hiện ngày càng nhiều trong khu vực phố cổ khiến du khách không khỏi thích thú và… thở phào.

Du khách quốc tế cho biết rất vui khi Hà Nội có mô hình nhà vệ sinh miễn phí. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Du khách quốc tế cho biết rất vui khi Hà Nội có mô hình nhà vệ sinh miễn phí. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Những năm trước, nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội từng là nỗi ám ảnh với du khách quốc tế khi khám phá Thủ đô của Việt Nam. Bẩn, ẩm ướt, bốc mùi xú uế, hỏng cửa, thiếu nước… thậm chí tìm mỏi mắt mới thấy là những gì họ buộc lòng phải trải nghiệm cho một dịch vụ thiết yếu có trả tiền. Nhưng giờ đây, “ngày ấy xa rồi...”

Bởi “góc tế nhị” của Hà Nội đang dần đẹp lên với những tấm biển “Free Restroom” (nhà vệ sinh miễn phí) xuất hiện ngày càng nhiều trong khu vực phố cổ khiến du khách không khỏi thích thú và… thở phào. Sáng kiến này không chỉ nâng cao trải nghiệm du lịch mà còn giải quyết tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng ở “trái tim” của cả nước.

Trải nghiệm “Sảng khoái hơn ở nhà”

Từ đầu tháng 3, Ủy ban nhân dân phường Trúc Bạch (Ba Đình) đã triển khai mô hình thí điểm “Free Restroom” – nhà vệ sinh miễn phí. Sau thời gian vận động, thuyết phục, hiện có 24 hộ gia đình, nhà hàng, cơ sở lưu trú và trụ sở cơ quan trên địa bàn phường đã tình nguyện mở cửa nhà vệ sinh phục vụ người qua đường và du khách mà không thu phí.

Tại các tuyến phố Hàng Than, Trúc Bạch, Ngũ Xã, không khó để bắt gặp các logo tròn mặt cười cùng dòng chữ “Free Restroom” (sảng khoái hơn ở nhà) được dán trước các cửa hàng kinh doanh.

Vợ chồng ông Josh (du khách Mỹ) đánh giá cao mô hình nhà vệ sinh miễn phí này. “Ở nhiều nơi, chúng tôi phải mua gì đó mới được sử dụng nhà vệ sinh, nhưng ở đây thì không. Nhờ những tấm biển 'Free Restroom,’ tôi cảm thấy an tâm hơn khi đi bộ khám phá phố phường Hà Nội,” ông Josh cho hay.

 Các gia đình, cửa hàng tham gia mô hình thí điểm “Free Restroom” – nhà vệ sinh miễn phí với logo "Sảng khoái hơn ở nhà." (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Các gia đình, cửa hàng tham gia mô hình thí điểm “Free Restroom” – nhà vệ sinh miễn phí với logo "Sảng khoái hơn ở nhà." (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Không chỉ du khách nước ngoài thích thú với trải nghiệm mới ở Thủ đô, Khánh Linh (22 tuổi, Bình Phước) đến Hà Nội du lịch cũng cho rằng mô hình này rất thiết thực: “Trước đây, nếu đang ở ngoài đường muốn tìm được nhà vệ sinh miễn phí, tôi chỉ có thể đến đến siêu thị hoặc nhịn đến khi về chỗ nghỉ. Bây giờ, chỉ cần để ý những tấm biển ‘Free Restroom’ trên đường, tôi có thể dễ dàng tìm được một chỗ sạch sẽ, tiện lợi. Nhờ vậy, tôi cảm thấy chuyến đi của mình thoải mái hơn rất nhiều,” Khánh Linh nói.

Là một trong số ít hộ kinh doanh “đi trước thời đại,” nhiều năm qua, chị Phạm Thị Hợi (chủ cửa hàng số 50 Hàng Than) đã cho khách du lịch sử dụng nhà vệ sinh miễn phí tại quán của mình. Chính vì thế, khi Ủy ban nhân dân phường triển khai mô hình “Free Restroom,” chị hưởng ứng ngay.

Chị Hợi chia sẻ: “Nhà mình đã làm việc này từ vài năm nay rồi. Kể cả không phải khách du lịch, mà người đi đường, người dân có nhu cầu thì nhà mình rất sẵn sàng giúp đỡ. Nhiều khách nước ngoài đến còn ngỏ ý muốn trả tiền nhưng mình không bao giờ nhận. Chỉ cần nghe lời cảm ơn là vui lắm rồi.”

Đúng với tinh thần của mô hình “Free Restroom,” chị Hợi khẳng định bất cứ ai nhìn thấy tấm biển xanh với biểu tượng mặt cười đều có thể vào sử dụng nhà vệ sinh miễn phí mà không cần mua hàng hay thanh toán bất kỳ khoản phí nào.

 Bên trong một nhà vệ sinh công cộng ở nhà người dân. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Bên trong một nhà vệ sinh công cộng ở nhà người dân. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Một số hộ kinh doanh khác trên tuyến phố Trúc Bạch cũng khẳng định họ sẵn sàng tham gia mô hình “Free Restroom” vì lợi ích chung và mong muốn góp phần xây dựng hình ảnh Hà Nội thân thiện, hiếu khách. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng để mô hình này hoạt động bền vững, ý thức của người sử dụng đóng vai trò quan trọng.

“Để duy trì lâu dài, mỗi du khách khi sử dụng cũng cần có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung, để cả du khách lẫn chủ cửa hàng đều cảm thấy thoải mái,” một chủ nhà hàng lẩu trên phố Trúc Bạch bày tỏ.

“Giải cứu điểm đen” nhà vệ sinh công cộng

Mô hình “Free Restroom” được triển khai thí điểm tại phường Trúc Bạch trong bối cảnh thiếu hụt nhà vệ sinh công cộng đang trở thành mối quan ngại với cả người dân và du khách khi đến Thủ đô.

Hà Nội hiện có khoảng hơn 350 nhà vệ sinh công cộng, nhưng con số này quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế, đặc biệt ở những khu vực đông đúc như phố cổ - nơi tập trung nhiều khách du lịch và người dân. Không chỉ thiếu về số lượng, nhiều nhà vệ sinh công cộng hiện có còn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng: rỉ sét, các thiết bị mất hoặc hỏng, không đảm bảo vệ sinh…

Không đủ nhà vệ sinh công cộng, vậy mới có cảnh vì nhu cầu quá cấp bách nhiều người phải nhanh chóng “giải quyết” ngoài đường. Thực tế này không chỉ làm xấu đi cảnh quan đô thị mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của du khách và chất lượng môi trường sống của người dân.

 Hộ kinh doanh trên phố Hàng Than cho người dân, du khách vào vệ sinh miễn phí. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Hộ kinh doanh trên phố Hàng Than cho người dân, du khách vào vệ sinh miễn phí. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

“Hà Nội đón lượng khách du lịch rất lớn, nhưng tìm một nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, dễ tiếp cận lại là chuyện không hề đơn giản. Nhiều khi cần gấp mà không biết tìm ở đâu, tôi buộc phải vào các quán càphê hoặc nhà hàng và phải gọi đồ để sử dụng nhờ,” Nguyễn Minh Hương, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Đáp ứng nhu cầu bức thiết đó, từ nay đến hết tháng Tư, sáng kiến “Free Restroom” dự kiến sẽ được triển khai trên 80% trong tổng số 24 tuyến phố của phường Trúc Bạch. Để đảm bảo mô hình hoạt động hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi, Ủy ban nhân dân phường cho biết sẽ phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi sự đồng thuận từ người dân và các hộ kinh doanh trên địa bàn./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/toilet-mien-phi-trong-long-ha-noi-dau-an-nho-diem-cong-lon-cho-du-lich-thu-do-post1022804.vnp
Zalo