Tội vận chuyển trái phép chất ma túy: Không nên bỏ hình phạt tử hình

Nhiều ý kiến cho rằng với tình hình tội phạm liên quan đến ma túy hiện nay, việc bỏ hình phạt tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy là chưa phù hợp.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đã bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở BLHS 2015.

Cụ thể gồm các tội: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 114); sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); gián điệp (Điều 110); vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); tham ô tài sản (Điều 353); nhận hối lộ (Điều 354).

Pháp Luật TP.HCM giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia xoay quanh đề xuất trên của dự thảo:

ThS NGUYỄN THỊ THÙY DUNG, giảng viên khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM:

Chỉ nên bỏ án tử hình với 7/18 tội danh

Có lẽ sẽ có không ít người lo ngại rằng việc xóa bỏ hình phạt tử hình sẽ làm gia tăng tội phạm với tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, chủ trương thu hẹp phạm vi áp dụng án tử hình không chỉ phản ánh sự phù hợp với bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trong nước mà còn phù hợp với xu thế phát triển lịch sử của nhân loại.

Do đó, tôi đồng ý với đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 7/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở BLHS hiện hành. Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), tôi cho rằng cơ quan soạn thảo cần cân nhắc không nên bỏ ngay hình phạt tử hình. Bởi vì tình hình tội phạm ma túy ở nước ta hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp, mang tính xuyên quốc gia và ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn mới.

Đáng chú ý, phần lớn dư luận xã hội hiện nay vẫn ủng hộ việc duy trì hình phạt tử hình như một biện pháp răn đe cần thiết. Thay vào đó phạm vi áp dụng hình phạt tử hình nên được giới hạn chỉ đối với các hành vi nghiêm trọng đặc biệt, như vận chuyển khối lượng lớn, tái phạm nguy hiểm hoặc phạm tội có tổ chức, chuyên nghiệp… Bên cạnh đó, việc làm rõ và phân chia trách nhiệm giữa người đứng đầu và những người bị lợi dụng cũng cần được lưu tâm.

Trong trường hợp thật sự cần thiết bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) mà vẫn muốn đảm bảo tính răn đe đối với tội này (và 7 tội còn lại), tôi cho rằng ngoài dự kiến bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, có thể cân nhắc về quy định “án tử hình treo” là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tử hình có điều kiện.

Có thể quy định điều này theo hướng trong trường hợp người phạm tội thể hiện sự ăn năn hối cải, lập công chuộc tội và tích cực sửa chữa sai lầm, khắc phục hậu quả trong thời gian tạm hoãn chấp hành án tử hình thì có thể được giảm xuống hình phạt tù chung thân. Ngược lại, nếu không có sự chuyển biến tích cực, hình phạt tử hình sẽ được thi hành. Quy định này còn đóng vai trò như một cơ chế tạo điều kiện để cơ quan tư pháp có thêm thời gian xem xét, đánh giá lại tính chính xác và khách quan trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc thi hành án tử hình hay chuyển sang tù chung thân.

Luật sư TRẦN VÂN LINH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Người vận chuyển là cầu nối, đưa ma túy ra thị trường

Tệ nạn ma túy ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, nhiều người nghiện ma túy, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có liên quan đến các tôi phạm khác như cướp của, giết người, hiếp dâm...

Người vận chuyển là cầu nối giữa người sản xuất, người bán ma túy với người sử dụng ma túy, giống như mọi hàng hóa nếu không có sự vận chuyển thì ma túy không lưu thông. Vận chuyển là cầu nối giữa bên cung và bên cầu, ma túy không tự nhiên đến người bán nhỏ lẻ, người sử dụng mà thường phải có người vận chuyển. Nhất là đối với những vụ án ma túy xuyên quốc gia thì số lượng ma túy vận chuyển được tính bằng tấn, người vận chuyển biết rõ tác hại của ma túy, biết rõ số lượng ma túy vận chuyển nhưng chỉ vì thu lợi từ việc vận chuyển mà bất chấp mọi hậu quả phát sinh từ ma túy, sẵn sàng phạm tội đặc biệt nguy hiểm khác để chống lại cơ quan chức năng.

 Một phiên xử tội vận chuyển trái phép chất ma túy tại TAND tỉnh Long An. Ảnh: HD

Một phiên xử tội vận chuyển trái phép chất ma túy tại TAND tỉnh Long An. Ảnh: HD

Do đó việc giữ nguyên hình phạt tử hình đối với hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là cần thiết, không nên bỏ như đề xuất tại dự thảo.

Đối với 7 tội danh còn lại, như tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân hiện nay hầu như không có người tổ chức hoạt động chống phá đang ở Việt Nam mà chủ yếu ở nước ngoài, các đối tượng trong nước có hành vi chống phá hầu hết bị dụ dỗ, kích động.

Ở nhóm tội khác, có đối tượng phạm tội chỉ vì mục đích vụ lợi cá nhân như tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, chưa thấy trường hợp nào gây thiệt hại trực tiếp đến tính mạng do sử dụng thuốc giả mà nếu có dùng thì chỉ không có tác dụng chữa bệnh, đồng thời người bị buộc tội cũng tự nguyện giao nộp hoặc bị các cơ quan tiến hành tố tụng thu hồi số tiền thu lợi bất chính. Với tội tham ô, nhận hối lộ thì mục đích chính là vụ lợi và khi bị xử lý trách nhiệm hình sự thì tiền/tài sản tham ô, nhận hối lộ cũng được người bị buộc tội tự nguyện giao nộp hoặc được thu hồi nên hậu quả về vật chất được khắc phục…

Vì vậy, việc bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh còn lại như đề xuất cũng là phù hợp với quy định của BLHS 2015 về mục đích của hình phạt là không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người phạm tội tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

ThS NGUYỄN SƠN PHƯỚC, Trường CĐ Cảnh sát nhân dân II:

Tù chung thân không xét giảm án vẫn đảm bảo tính răn đe và trừng phạt nghiêm khắc

Việc bỏ án tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm với một số tội danh phản ánh xu hướng nhân đạo hóa trong chính sách hình sự, phù hợp với các nguyên tắc quốc tế và bối cảnh xã hội hiện nay. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang loại bỏ án tử hình hoặc hạn chế áp dụng đối với các tội danh không phải là tội phạm bạo lực nghiêm trọng.

Việc Việt Nam điều chỉnh khung hình phạt cho các tội như tham ô tài sản, nhận hối lộ, hay sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh… phù hợp với xu hướng này, đặc biệt khi các tội danh này không trực tiếp gây ra hậu quả chết người hoặc đe dọa an ninh quốc gia ở mức độ nghiêm trọng như các tội bạo lực. Tù chung thân không xét giảm án vẫn đảm bảo tính răn đe và trừng phạt nghiêm khắc nhưng tránh được nguy cơ thực hiện một hình phạt không thể sửa chữa nếu xảy ra sai lầm tư pháp (ví dụ như kết án oan).

Tuy nhiên, đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, chúng ta đều biết tính chất đặc biệt nghiêm trọng của các loại tội phạm ma túy. Việt Nam là quốc gia nằm gần khu vực “tam giác vàng” - một trong những trung tâm sản xuất và buôn bán ma túy lớn nhất thế giới. Áp lực từ các đường dây ma túy quốc tế khiến việc vận chuyển ma túy qua biên giới Việt Nam trở thành vấn đề nhức nhối.

Án tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đặc biệt với số lượng lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc răn đe các đối tượng tham gia vào các đường dây tội phạm này. Đây cũng là một biện pháp mạnh để khẳng định lập trường cứng rắn của Việt Nam trong việc đấu tranh với loại tội phạm này. Thế nên tôi cho rằng đây chưa phải là thời điểm để bỏ án tử hình với loại tội phạm này.

Theo tờ trình của Chính phủ, quy định tại BLHS 2015 còn 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình.

Đồng thời, thực tiễn thời gian qua tòa án cũng không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này, ví dụ: Tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, tội “phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam”, tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”… hoặc ít áp dụng như tội “tham ô tài sản”, tội “nhận hối lộ”… Đối với những tội này để thu hẹp hình phạt tử hình thì cần bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án vẫn bảo đảm cách ly vĩnh viễn người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội, vẫn đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

CHÂU YẾN - NGUYỄN CHÍNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/toi-van-chuyen-trai-phep-chat-ma-tuy-khong-nen-bo-hinh-phat-tu-hinh-post851001.html
Zalo