Tới thời của làm đẹp âm thầm, không dao kéo

Ngành thẩm mỹ nội khoa ở Việt Nam đang và sẽ phát triển rất mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, hệ quả của sự phát triển ồ ạt các dịch vụ này là vấn đề khó kiểm soát chất lượng.

 Các phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn, sử dụng công nghệ cao ngày càng được ưa chuộng. Ảnh: Pexels.

Các phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn, sử dụng công nghệ cao ngày càng được ưa chuộng. Ảnh: Pexels.

Những năm gần đây, nhu cầu làm đẹp của người dân ngày một tăng, kéo theo đó là sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ làm đẹp và cơ sở thẩm mỹ. Bên cạnh phẫu thuật, các phương pháp thẩm mỹ nội khoa gần đây có xu hướng được ưa chuộng và phổ biến hơn.

Theo Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ Mỹ (ASPS), năm 2022 có hơn 8,7 triệu ca phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn tối thiểu đã được thực hiện, tăng hơn 5 triệu ca so với năm 2019.

Xu hướng chung của ngành thẩm mỹ

Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS.BS Lê Tôn Dũng, Chủ tịch Chi hội thẩm mỹ nội khoa Việt Nam, cho biết thẩm mỹ nội khoa là sử dụng các phương pháp làm đẹp không cần phẫu thuật, chỉ sử dụng thủ thuật ít xâm lấn (laser, sóng âm, ánh sáng...) để cải thiện vẻ đẹp con người. Do ít xâm lấn, phương pháp này cũng ít gây ra những tác dụng phụ nặng nề như trong một số trường hợp phẫu thuật với gây mê.

"Thẩm mỹ nội khoa đang là xu hướng chung của thế giới. Ở Việt Nam, ngành này cũng đang phát triển rất mạnh về đội ngũ cán bộ y tế. Lý do là các phương pháp đa số mang lại hiệu quả điều trị nhanh và ít thời gian nghỉ dưỡng. Với những người có công việc bận rộn, họ sẽ ưu tiên phương pháp làm đẹp này", bác sĩ Dũng nói.

Ông lấy ví dụ với bệnh nhân cần can thiệp căng da mặt, bác sĩ chỉ tạo một đường mổ nhỏ khoảng 2-2,5 cm nhưng bệnh nhân vẫn e ngại và cần thời gian nghỉ dưỡng 5-7 ngày mới có thể trở lại công việc bình thường.

Chính vì vậy, người dân có xu hướng thích thẩm mỹ nội khoa hơn phẫu thuật thẩm mỹ dù khi kết hợp cả 2 phương pháp sẽ giải quyết triệt để vấn đề.

 Khu điều trị, chăm sóc da tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Khu điều trị, chăm sóc da tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Người sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ nội khoa nhiều nhất được chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên là khách hàng có độ tuổi còn rất trẻ, mới tốt nghiệp THPT, muốn tự tin hơn khi bắt đầu có những trải nghiệm mới của tuổi trưởng thành.

Nhóm khách hàng còn lại có độ tuổi trên 40. Họ thường dùng các dịch vụ tái tạo da và công nghệ không xâm lấn, tiêm chất làm đầy để trẻ hóa, tìm lại tuổi xuân.

Vị chuyên gia cho hay trong thẩm mỹ nội khoa, phương pháp giảm mỡ không phẫu thuật đang được dự đoán sẽ ghi nhận tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trẻ hóa da bằng laser cũng ngày càng trở nên phổ biến. Nguyên nhân là nó tiết kiệm chi phí, thời gian và đem lại hiệu quả cao. Phân khúc quy trình trẻ hóa da dự kiến sẽ ghi nhận tăng trưởng nhanh thứ 2.

Đồng quan điểm, GS.TS Lê Hành, Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS), dự báo ngành thẩm mỹ nội khoa ở Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh trong tương lai. Trong vòng 3 năm qua, số người hành nghề thẩm mỹ nội khoa tăng lên 10 lần, trong khi phẫu thuật thẩm mỹ chỉ tăng 2 lần.

Mặt tối của sự bùng nổ

Theo Chủ tịch Chi hội thẩm mỹ nội khoa Việt Nam, làm đẹp không dao kéo đang rất phát triển nhưng không thoát khỏi được sự suy thoái của kinh tế toàn cầu. Khi kinh tế đi xuống, người dân phải suy nghĩ đến “cơm áo gạo tiền” nhiều hơn là việc làm đẹp.

 Bệnh nhân bị mưng mủ, rỉ dịch do biến chứng của chất làm đầy. Ảnh: Lan Anh.

Bệnh nhân bị mưng mủ, rỉ dịch do biến chứng của chất làm đầy. Ảnh: Lan Anh.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn vẫn được người dân quan tâm trước khi quyết định làm đẹp. Thời gian qua, các ban ngành cũng đã nổ lực làm "trong sạch" lại ngành thẩm mỹ bằng việc xử phát rất nhiều cá nhân, tổ chức hành nghề "chui".

"Hệ quả của sự phát triển ồ ạt, mọc lên như nấm sau mưa của các đơn vị thẩm mỹ là vấn đề khó kiểm soát về chất lượng. Không ít cơ sở quảng cáo một đằng nhưng trang thiết bị, người thực hiện lại một nẻo.

Trong khi đó, nhiều khách hàng lại thiếu kiến thức về làm đẹp, cả tin, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra trong quá trình thẩm mỹ thời gian qua. Muốn phát triển, chúng ta phải chuẩn hóa con người, đội ngũ", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Bác sĩ Ngô Anh Tuấn, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khẳng định mọi người không nên kỳ vọng quá nhiều, bởi mặc dù làm đẹp Hi-Tech thường nhẹ nhàng, ít đau, thực tế là các phương pháp này không mang lại hiệu quả "thần kỳ" như nhiều lời quảng cáo.

"Làm đẹp là quá trình kết hợp phức tạp giữa tay nghề của người thực hiện, kỹ thuật và sản phẩm sử dụng. Do đó, làm đẹp nhanh thì không thể có giá tiền rẻ, và ngược lại. Trước những quảng cáo ngon, bổ, rẻ trên mạng xã hội người dân cần lựa chọn thông minh", bác sĩ Tuấn cảnh báo.

TS Lê Tôn Dũng cũng nhấn mạnh thẩm mỹ chính là con đường nhanh nhất giúp mọi người có thể đạt được ngoại hình như ý. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta cần tỉnh táo để lựa chọn cho mình một địa chỉ uy tín và an toàn.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/toi-thoi-cua-lam-dep-am-tham-khong-dao-keo-post1492298.html
Zalo