Tới năm 2030, toàn quốc có khoảng 50 trường đại học đào tạo giáo viên

Đến 2030, không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với một số hạng mục như sau:

Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên

Sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng tinh gọn, phân định vai trò, sứ mạng, căn cứ năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của các địa phương, từng vùng và cả nước. Tới năm 2030, toàn quốc có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo giáo viên các trình độ, gồm:

11 cơ sở giáo dục đại học (bảng sau) giữ vai trò hạt nhân và nòng cốt của mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trong từng vùng và khu vực; tập trung nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc;

 11 cơ sở giáo dục đại học giữ vai trò hạt nhân và nòng cốt của mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trong từng vùng và khu vực

11 cơ sở giáo dục đại học giữ vai trò hạt nhân và nòng cốt của mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trong từng vùng và khu vực

Khoảng 22 trường đại học (hầu hết trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đào tạo đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên các cấp học của địa phương và các tỉnh lân cận với khoảng 44% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc;

Khoảng 17 cơ sở giáo dục đại học khác tham gia đào tạo một số ngành đào tạo giáo viên đặc thù, chiếm khoảng 6% quy mô đào tạo.

Sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm theo các phương án: Sáp nhập vào một trường đại học sư phạm hoặc một cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên trong vùng; Sáp nhập vào một cơ sở giáo dục đại học tại địa phương. Đến 2030, không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành.

Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học quốc tế

Phát triển Trường Đại học Việt - Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Trường Đại học Việt - Nhật thành các trường đại học quốc tế xuất sắc, tiên phong thí điểm mô hình hoạt động mới, quốc tế hóa trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ tiềm năng, thu hút một tỉ lệ lớn giảng viên, sinh viên và học viên quốc tế tới làm việc, học tập và nghiên cứu tại Việt Nam.

Không gian phát triển các trường đại học quốc tế xuất sắc tập trung tại địa phương nơi đặt trụ sở chính theo hiệp định liên chính phủ. Phát triển một số trường quốc tế từ những đơn vị đào tạo thuộc các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia để thu hút tài năng, đào tạo chương trình chất lượng cao bằng ngoại ngữ, định hướng thị trường quốc tế.

Mở rộng không gian phát triển cho cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đang được phép hoạt động; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tư thục trong nước liên doanh đầu tư thành lập mới các trường đại học chất lượng cao, phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín với định hướng thị trường quốc tế.

Định hướng phát triển giáo dục đại học trên không gian số

Phát triển giáo dục đại học trên không gian số trên cơ sở chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hoạt động quản trị và đào tạo của từng cơ sở và cả hệ thống giáo dục đại học. Phát triển hệ thống giáo dục đại học số quốc gia nhằm liên kết các cơ sở giáo dục đại học cùng chia sẻ, sử dụng hiệu quả tài nguyên và dịch vụ giáo dục đại học trên không gian số, tạo đột phá thực hiện mục tiêu tăng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Trong giai đoạn tới năm 2030, phát triển một số trường đại học số và trường đào tạo số thuộc cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở chuyển đổi mô hình hoạt động của các trường đại học hoặc đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học; đồng thời hình thành một số mạng lưới giáo dục đại học theo ngành, lĩnh vực trọng điểm trên hệ thống giáo dục đại học số quốc gia. Tới năm 2030, giáo dục đại học số trở thành một trụ cột quan trọng của hệ thống giáo dục đại học, chiếm tỉ trọng 30% quy mô đào tạo.

Phấn đấu đăm 2030 toàn hệ thống có 110.000 giảng viên cơ hữu

Phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ, bao gồm cả năng lực ngoại ngữ, năng lực số và ứng dụng công nghệ giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống giáo dục đại học. Tăng bình quân mỗi năm khoảng 5% số giảng viên cơ hữu và 8% giảng viên có trình độ tiến sĩ để tới năm 2030 toàn hệ thống có 110.000 giảng viên cơ hữu trong đó 40% có trình độ tiến sĩ.

Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý đại học theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chú trọng tư duy đổi mới và khả năng thích ứng nhanh với những yêu cầu thay đổi trong quá trình tự chủ đại học, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; bảo đảm tỉ lệ cán bộ quản lý, phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo và nghiên cứu trên số giảng viên cơ hữu của mỗi cơ sở giáo dục đại học công lập không quá 1/3.

Hà An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/toi-nam-2030-toan-quoc-co-khoang-50-truong-dai-hoc-dao-tao-giao-vien-post239281.gd
Zalo