Tôi may mắn được ghi lại những thông điệp hòa bình bằng ảnh
Năm 1968, năm mở đầu Hội nghị Paris đàm phán về việc kết thúc chiến tranh Việt Nam. Cục diên chiến tranh mở ra ba mặt trận: Mặt trân quân sự, mặt trận ngoại giao và mặt trân thông tin báo chí.

Jane Fonda ghi âm cuộc nói chuyện với tù binh phi công Mỹ tại Hà Nội, tháng 7/1972.
Những năm ấy, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là mũi nhọn đi đầu trên mặt trân truyền thông. Tôi được trực tiếp theo dõi và chụp ảnh các diễn biến chính trị ngoại giao, quân sự phức tạp của giai đoạn “đánh và đàm” từ năm 1968 đến đầu xuân năm 1973 ở miền Bắc. Chiến thắng tại mặt trận lúc này là sức mạnh, là lợi thế cho các bên ép nhau trong Hội nghị Paris.
Mỹ thay đổi chiến lược, ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra, tập trung dội bom bắn phá từ Khu Bốn cũ trở vào, với âm mưu cắt đứt đường chi viện vào Nam của ta. Khu Bốn, đường Trường Sơn trở thành “túi bom”. Tháng 4/1968, anh Lương Nghĩa Dũng và tôi được Phân xã Nhiếp ảnh Việt Nam Thông xã cử vào Khu Bốn. Chúng tôi đi xe đạp, và lăn lộn trong “túi bom” đó 3 tháng.
Năm 1969, tôi trở lai Khu Bốn 2 tháng nữa cùng Đoàn Tý, Xuân Lâm, cũng bằng xe đạp. Bộ đội cao xạ pháo Đoàn Sông Gianh, công binh mở đường phà Long Đại, bộ đội vận tải Đường Trường Sơn, Đại đội Nữ pháo binh Ngư Thủy, Thanh niên xung phong Nghệ An, Hà Tĩnh, dân quân tự vệ Quảng Bình, Vĩnh Linh... đều được ống kính của chúng tôi ghi lại trung thực, với khí thế “Đứng trên đầu thù”, đẹp và lạc quan.
Ngày 28/5/1968, tôi bắt được “con cá sộp”. Quân dân Quảng Bình bắn rơi một máy bay F.105 của Mỹ. Chạy bộ 5 km đến chỗ xác máy bay đang bốc cháy, ống kính của tôi đã tóm gọn cả hai nhân vật: Đạị úy phi công Ingvalson Rogerdean đang hoảng hốt, và ngọn lửa hừng hực từ chiếc máy bay của anh ta. Rất hiếm thấy điểm rơi của Máy bay và phi công gần nhau như vậy.
Đây là chiếc máy bay bị tan xác sau “chiếc 2.000” trên miền Bắc. Những bức ảnh đó nhập vào dòng ảnh chiến đấu, chiến thắng trong toàn quốc của đồng nghiệp được đăng báo, hoặc phát lên sóng (Telephoto) gửi ra nước ngoài, làm tôi phấn chấn. Khi ấy, mọi người đều nghĩ: Mỗi máy bay Mỹ bị bắn rơi, hoặc phi công Mỹ bị bắt là một nhát cắt từng phần bộ não hiếu chiến của Washington.
Ảnh về sự thất bại của không lực Hoa Kỳ là tín hiệu rút ngắn ngày đổ máu, là một thông điệp hòa bình đi nhanh đến toàn thắng. Do đó chúng tôi rất hăng hái, không mệt mỏi phấn đấu để có những tấm ảnh tốt tham gia vào mặt trận truyền thông.

Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội bị máy bay B.52 dội bom hủy diệt tháng 12/1972.
Do yêu cầu của mặt trân Ngoại giao, tôi được chụp ảnh hoạt động của các tổ chức quốc tế yêu hòa bình đến Việt Nam, ủng hộ Việt Nam, trong đó có Jane Fonda và các sinh viên Mỹ phản chiến. Tôi không bao giờ quên hình ảnh anh David Gipson, Chủ tịch Hội Sinh viên Mỹ chống chiến tranh, đã đốt thẻ quân dịch trước những tất cả sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp I, lúc ấy đang sơ tán ở huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc (cũ).
Tôi nhớ mãi cuộc họp báo và phóng thích ba tù binh phi công Mỹ vào tháng 9/1972, thể hiện thiện chí hòa bình của ta, với mong muốn sớm kết thúc chiến tranh. Cuộc họp báo diễn ra ở trại giam bí mật sâu trong phố Lý Nam Đế, có sự tham gia của nhiều phóng viên của các nước Xã hội chủ nghĩa và các nước tư bản chủ nghĩa thường trú tai Hà Nội. Hôm đó có cả Peter Arsnett, nhà báo Mỹ nổi tiếng từ chiến trường Quảng Trị vừa tới, kịp thời chụp ảnh, đưa tin về sự kiện này.
Tôi ghi được cảnh phi công Mỹ Markham Ligon Gartlley gặp mẹ, người mẹ tươi cười hạnh phúc bên con trai, họ mặc trang phục sang trọng, hạnh phúc trước ống kính quay phim, chụp ảnh của các nhà báo quốc tế (Markham mặc bộ veston màu sáng do thợ may Hà Nội cắt may). Liền sau đó, tôi nhanh chóng định hình được cảnh Noris Alphonzo Charles gặp vợ tại lễ phóng thích. Người vợ trẻ xúc động ôm chồng, ngỡ mình trong mơ, chị những tưởng chồng đã qua đời. Nhưng người đàn ông của chị đang đứng ở đây - Hà Nội, một xứ sở xa lạ.
Trước lễ phóng thích khoảng 7 tháng, vào tháng 2/1972, tôi đã chụp ảnh người lính Mỹ này, tại cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội. Noris Alphonzo Charles là người lai da màu rắn rỏi, đẹp trai, có mái tóc xoăn ngắn của người châu Phi.
Trong ba người được thả, một phi công không có người nhà đến đón. Cuộc phóng thích này là một thông điệp, một bức thư ngỏ cho nhân dân Mỹ và chính quyền Mỹ.
Nhân dân Mỹ rất biết thiện chí của Việt Nam, xuống đường đòi hòa bình cho Việt Nam. Nhưng những bộ não hiếu chiến Wasington Mỹ phớt lờ, họ không quan tâm tới số phận những phi công bị chết, bị giam trong tù, cũng như lòng mong mỏi của những người mẹ, người vợ, người con của những người lính này. Ngược lại, Washington đáp trả bằng các trận tập kích leo thang cao hơn. Mỹ đã dùng cả máy bay B52 dội bom Hải Phòng, Hà Nội, nhằm đưa Hà Nội, Hải phòng về “Thời kỳ đồ đá”.
12 ngày đêm đối mặt với B52 khói lửa dữ dội ở Hà Nội là 12 ngày đêm trực chiến, người gầy đen, không kém gì khi tôi đạp xe đi chụp ảnh khắp Khu bốn. Tôi chụp được nhiều bộ mặt thảm bại của phi công Mỹ, cả xác phi công và xác máy bay B52 của Mỹ. Đặc biệt, tôi cảm thương Nutter Jerome Winbrow III, số lính F.3122560, lái máy bay B52, bị bắn rơi đêm 26/12/1972, trên thi thể còn mang theo tấm ảnh vợ con. Bức ảnh tôi chụp thi thể Nutter Jerome Winbrow III trên cánh đồng của Thanh Trì (Hà Nội) được TTXVN phát. Sau Hiệp định Paris, hài cốt Nutter được đưa về Mỹ.
Hà Nội đổ nát đau thương, bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên bị đánh sập. Đấy là “Những thông điệp hòa bình kiểu Mỹ”!
Những ảnh này cũng được TTXVN đưa lên sóng, phát đi khắp năm châu, đương nhiên nó cũng đến với Hội nghị Paris. Hà Nội không trở về thời kỳ đồ đá như Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố. Cái mà đầy ắp trong ống kính của tôi lại là hàng loạt phi công Mỹ vào nhà tủ Hỏa Lò, rồi ra trình diện trước các nhà báo quốc tế! Nào là Willam Colle, Paul Luoise, nào là John Harry Yuell, FranK Douglas, và hàng chục cái tên xa lạ nữa đều lộ diện trong ống kính của tôi.
Tôi thực sự tự hào về những bức ảnh của mình và của các đồng nghiệp, đã trở thành những thông điệp hòa bình chân thực, bác bỏ hoàn toàn lời tuyên bố huyênh hoang vô nhân đạo của ngài Tổng thống Hoa Kỳ. Thế là tôi lại có thêm một loạt ảnh “Đứng trên đầu thù”!
Sau khi ngừng ném bom 20 ngày, tôi và vợ tổ chức đám cưới mừng chiến thắng tại nhà riêng của bố mẹ vợ ở 26 Hàng Bột, gần ga Hà Nội và phố Khâm Thiên (nay là phố Tôn Đức Thắng, liền kề bên phải Quốc Tử Giám). Sau đám cưới 20 ngày, tôi và anh Trần Mai Hưởng, phóng viên Tin, lên xe UAZ 69 của Liên Xô, vào Quảng Trị chụp ảnh, viết tin về cuộc trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn và việc thi hành Hiệp định Paris tại khu vực này.

Tác phẩm "Hai người lính".
Chuyến đi ấy đã đem lai cho tôi hai giải thưởng lớn: Giải thưởng Nhà nước năm 2012 với tác phẩm "Từ ngục tối thắng lợi trở về" và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022 với tác phẩm "Hai người lính".
Ảnh thông tấn là ảnh đưa tin về sự kiện, sự việc và con người, trước hết nó cần chân thật, chính xác, nhanh nhạy, kịp thời. Phóng viên nào cũng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản ấy. Nhưng với tôi, dường như còn thêm cảm xúc và và chất văn chương mà cội nguồn của nó là tinh thần nhân văn.
"Từ ngục tối thắng lợi trở về" gồm 4 bức ảnh rút ra trong sự kiện trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, đó là: "Thoát khỏi ngục tù"- toàn cảnh những chiến sĩ của ta từ xuồng máy nhảy ào xuông giữa sông, khi thấy đồng đội ra đón; "Nghẹn ngào đón mừng các chiến sĩ thắng lợi trở về"- một trung cảnh với nước mắt của các y tá, bác sĩ dìu các chiến sĩ vào bờ Bắc; "Hạnh phúc của những người chiến thắng" ghi lại cảnh vợ chồng anh Sang, chị Hà gặp nhau sau 13 năm xa cách cùng bị tù đày; "Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng" với hình ảnh những cánh tay dìu nhau lên “đất của ta”, những tấm lưng trần đã trút bỏ quần áo tù ở bờ Nam, bước tới ngọn cờ Giải phóng đang tung bay vẫy gọi...
Tác phẩm "Hai người lính" là giây phút bùng nổ khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc của những người cầm súng từ hai phía. Chiến tranh đi qua, cơn ác mộng tan biến, họ là “con một cha, nhà một nóc” xuất hiện bất ngờ, tự nhiên như một hào quang của tư tưởng Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Có bạn nói, tôi được may mắn thoát chết trong chiến tranh, được hưởng hạnh phúc ngay trong buổi đầu hòa bình, nên đã nhạy cảm với số phận con người của cuộc chiến! Vâng, đúng vậy. Nhưng sâu xa hơn, lớn lao hơn đối với tôi, quan trọng nhất đó là lòng yêu nước, tinh thần quật cường dân tộc của những người lính, của những người dân đã bồi đắp cho chúng tôi - các phóng viên TTXVN, bản lĩnh vững vàng không hề run sợ trước hiểm nguy, trước cái chết.
Và chính họ đã truyền cho chúng tôi cái nhìn nhân hậu, lạc quan, biết phân biệt đâu là bạn, đâu là thù. Tôi thực sự vinh hạnh được hãng Thông tấn Quốc gia tin cậy trao cho chiếc máy ảnh diệu kỳ và nhiệm vụ quan trọng, được đến nhưng nơi là tâm điểm của cuộc chiến, để ghi lại những sự kiện, sự việc, con người trục tiếp tham chiến ở hai phía.
Hình ảnh của họ là những mảng cắt nóng hổi, chỉ xuất hiên một lần của cuộc sống thực, nó trở thành những thông điệp hòa bình sáng láng, mãi mãi là sự thật giản dị và vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.