Tỏi Kinh Môn được bào chế thuốc chữa bệnh gan
Trung tâm Nghiên cứu và Kinh doanh dược của Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương đã nghiên cứu bào chế viên nang cứng từ dược liệu tỏi Kinh Môn có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào gan.
Sáng 17/12, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương đánh giá kết quả thực hiện Đề tài “Nghiên cứu bào chế viên nang cứng từ dược liệu tỏi có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào gan”.
Đề tài do Trung tâm Nghiên cứu và Kinh doanh dược (Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương) thực hiện từ năm 2022.
Xuất phát từ thực tiễn Hải Dương có vùng trồng tỏi chuyên canh, tập trung ở thị xã Kinh Môn. Sản lượng tỏi hằng năm lớn nhưng chủ yếu được sử dụng làm gia vị, giá bán không ổn định. Trên thế giới, nhiều nghiên cứu chỉ ra hợp chất polyphenol trong tỏi có tác dụng chống oxy hóa. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào chỉ ra tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào gan của tỏi.
Ban Chủ nhiệm đề tài đã tiến hành đánh giá chất lượng các mẫu tỏi làm dược liệu trên địa bàn tỉnh Hải Dương, từ đó xây dựng tiêu chuẩn chất lượng của tỏi. Xây dựng quy trình sấy khô và tiêu chuẩn cơ sở của tỏi sau sấy. Nghiên cứu quy trình chiết xuất, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của cao đặc tỏi; tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào gan, đánh giá tính an toàn cao đặc tỏi. Nghiên cứu quy trình sản xuất, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của viên nang cứng từ cao đặc tỏi. Đánh giá độ ổn định của viên nang cứng này; đăng ký sản phẩm bảo vệ sức khỏe tại Cục An toàn thực phẩm.
Trung tâm Nghiên cứu và Kinh doanh dược thực hiện chiết xuất cao đặc tỏi bằng phương pháp ngâm lạnh có khuấy trộn, từ 350 kg tỏi khô thu được 40 kg cao đặc tỏi đạt tiêu chuẩn. Từ đó sản xuất 100.000 viên nang cứng từ cao đặc tỏi với tuổi thọ của sản phẩm được tính theo độ bền vững của hàm lượng polyphenol là 24 tháng. Sản phẩm được đăng ký thực phẩm bảo vệ sức khỏe dùng cho tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ gan.
Qua quá trình nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Kinh doanh dược đánh giá tỏi tía trồng tại Hải Dương có hàm lượng polyphenol cao. Vì vậy, cần phát triển vùng sản xuất tỏi tía để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định. Ngoài ra, để tăng tính ứng dụng của tỏi trong nhiều sản phẩm bảo vệ tế bào gan có thể nghiên cứu phối hợp với các thành phần dược liệu khác như rau má, giảo cổ lam, diệp hạ châu…
Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương đánh giá đề tài bảo đảm mục tiêu nghiên cứu, có tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, do nguyên liệu sản xuất mang tính thời vụ nên Ban Chủ nhiệm đề tài cần xây dựng phương án, kế hoạch về nguồn nguyên liệu. Đồng thời đánh giá cụ thể hiệu quả kinh tế khi ứng dụng vào thực tế.