Tôi đến Cao Hùng 'ăn sập' 2 chợ đêm chỉ với 240.000 đồng
Trong chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm, tôi đi khắp đông, tây, nam, bắc Cao Hùng (Đài Loan), ăn đủ thứ tại chợ đêm Lục Hợp và Thụy Phong nhưng chỉ tốn chưa đến 300 Đài tệ.
Không phải Đài Bắc với tòa tháp biểu tượng Taipei 101, cũng không phải Xích Khám Lâu có từ năm 1653 ở Đài Nam, lần đầu tiên đặt chân đến Đài Loan (Trung Quốc), tôi chọn khám phá Cao Hùng, nơi vốn chưa nổi tiếng về hoạt động du lịch. Chuyến đi kéo dài 5 ngày 4 đêm (6-10/12) mở ra cho tôi cái nhìn mới về thành phố cảng lớn thứ hai hòn đảo.
4 ngày đi khắp Cao Hùng
Ngày đầu tiên, khi đặt chân đến Cao Hùng, tôi khá bất ngờ vì sân bay bố trí một nhân viên bản địa biết nói tiếng Việt, túc trực để hỗ trợ du khách Việt Nam trong việc khai báo thủ tục thị thực.
Tuy nhiên, đến Đài Loan lần này, tôi lựa chọn công ty lữ hành Vietravel nên mọi hồ sơ đều được chuẩn bị chỉn chu từ trước. Do đó, khâu kiểm tra khá nhanh chóng. 23h, tôi về khách sạn nhận phòng và tự thưởng một giấc ngủ sau khoảng 3 tiếng ngồi trên máy bay.
Ngày thứ hai, tôi chọn ghé thăm rừng trà nguyên sinh Lục Quy (Liu Qui), một trong những khu vực trồng trà lớn nhất tại Đài Loan.
Nằm giữa núi rừng hoang sơ của Cao Hùng, nơi này có những cây trà mọc tự nhiên trong suốt hàng trăm năm mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ phân bón hay thuốc trừ sâu. Đây là nơi lý tưởng để tìm hiểu về quy trình sản xuất trà.
Tại đây, tôi được thưởng thức 7 loại trà khác nhau và tự tay làm thạch từ hạt Ái Ngọc (một loại dây leo quý sống ở độ cao 1.000 m so với mực nước biển ở xứ Đài). Món tráng miệng này có thể dùng kèm với trà sữa hoặc mật ong.
Bên cạnh đó, đến Đài Loan, đặc biệt là khu vực Đào Viên, tôi không thể nào bỏ qua những khu tắm suối nước nóng. Baolai Spa Village là một trong số đó.
Trước khi ngâm mình trong làn nước ấm, tôi phải đi bộ khoảng 500 m để đến được khu vực suối nóng tập trung. Đường không quá khó đi nhưng khá dốc và khúc khuỷu. Du khách có thể di chuyển chậm rãi, thưởng ngoạn cảnh vật xung quanh rừng.
Khu nghỉ dưỡng có đa dạng hồ tùy thuộc với từng nhu cầu từ ngâm chân đến toàn thân. Bên cạnh nhiệt độ trung bình khoảng 41 độ C, điểm ăn tiền của hồ nước là khoáng chất lưu huỳnh giúp cải thiện lưu thông máu, giảm nhức mỏi khi leo dốc dài.
Điểm dừng chân tiếp theo của tôi là Phật Quang Sơn Tự, nơi được xem là "thủ đô Phật giáo Đài Loan".
Ngay từ khi bước chân vào cổng, tôi choáng ngợp với pho tượng Đức Phật bằng đồng với chiều cao lên đến 108 m. Hai bên là hai hàng bảo tháp thẳng tắp làm nổi bật nét uy nghi của công trình. Đặc biệt bên trong chùa còn có bảo tàng trưng bày xá lợi răng của Đức Phật hay bức tượng Phật cùng 500 A La Hán.
Ngày thứ ba, chúng tôi ghé thăm đảo Cijin, nổi bật với kiến trúc cổ xưa và không gian đậm chất lịch sử, trong đó có phố cổ Cảnh Sơn, nhà thờ cầu vồng, hải đăng. Pháo đài Cijin là di tích lịch sử tôi ấn tượng nhất bởi không gian rộng, tầm nhìn bao quát cả thành phố Cao Hùng. Một bên là biển với bãi cát đen đặc trưng, bên kia là cảng biển - huyết mạch tượng trưng cho nền kinh tế địa phương.
Ngày thứ tư, tôi tham quan khuôn viên Văn hóa Sáng tạo Mayushan. Tuy nhiên, điểm đến này khá kén khách, chỉ dành cho những ai yêu thích hoạt động khám phá văn hóa, triển lãm nghệ thuật, hoặc các buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc…
Cầm 300 Đài tệ ăn sập chợ đêm
Một điểm yêu thích tại thành phố này là tôi có thể thỏa mái khám phá mà không quá phụ thuộc vào ứng dụng dịch thuật khi nhiều hàng quán có cả tiếng Việt.
Vào hai buổi tối ngày thứ hai và thứ ba, tôi dành phần lớn thời gian để đi dạo 2 khu chợ đêm nổi tiếng tại Cao Hùng là Lục Hợp (Liuhe) và Thụy Phong (Ruifeng). Tuy nhiên, chợ Thụy Phong nhộn nhịp hơn.
Mỗi chợ chỉ dài tầm 400-500 m nhưng bày bán đủ loại mặt hàng từ đồ chơi đến quần áo, chủ yếu là đồ ăn, thức uống.
Sau khi xuống ga Formosa Boulevard, với 300 Đài tệ trong tay (khoảng 240.000 đồng), tôi mạnh dạn tiến thẳng đến quầy gà rán (món ăn yêu thích của tôi) và gọi một phần gà cay với giá 90 Đài tệ, tương đương 70.000 đồng.
Sau đó tôi chi 50 Đài tệ (khoảng 40.000 đồng) cho một que hồ lô và một cốc trà sữa hiệu Hechalou giá 55 Đài tệ (khoảng 42.000 đồng). Mức giá khá phải chăng cho một cốc size M và xấp xỉ ở Việt Nam. Tổng cộng là 195 Đài tệ cho với bữa ăn no bụng. Tôi còn thừa 105 Đài tệ để tiếp tục vi vu vào đêm hôm sau.
Một điểm hạn chế là ẩm thực Đài Loan cũng như cách chế biến còn chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, do đồ đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ. Du khách chưa quen có thể nhanh cảm thấy ngấy.
Ngoài ra, điểm chung dễ thấy ở các chợ đêm tại Cao Hùng là gian hàng trò chơi với tủ gắp thú bông, máy điện tử đến bàn mạt chược. Anh Vầy Văn Minh, hướng dẫn viên tại đây, nói ở Cao Hùng, người dân vẫn giữ truyền thống giải trí từ xưa, không riêng trẻ em, các cửa hàng thú bông vẫn thu hút sự quan tâm đông đảo từ khách hàng lớn tuổi.