Tối đa 5 triệu đồng 'mua' tin vi phạm giao thông: Tiếp nhận, xử lý cần minh bạch

Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe.

Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất các cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính có thể khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nếu mua tin thì mức chi mỗi vụ việc bằng 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân; nhưng không quá 5 triệu đồng.

Trường hợp tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì mức chi không quá 5 triệu đồng mỗi vụ việc. Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Phan Lê Bình.

Bộ Công an đề xuất các cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính có thể khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (Ảnh minh họa: Dân Trí)

Bộ Công an đề xuất các cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính có thể khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (Ảnh minh họa: Dân Trí)

PV: Ông nhận định thế nào về đề xuất mua tin tố giác vi phạm giao thông, hay có thể gọi là thưởng cho người gửi tin báo về hành vi vi phạm giao thông?

TS Phan Lê Bình: Tôi cho rằng đây là đề xuất hay. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Cá nhân tôi cũng có những lần trích xuất camera trên thiết bị giám sát hành trình để lấy thông tin về vi phạm gửi cho cơ quan chức năng. Nhưng thực sự sau đó, tôi không biết nó có được xử lý để ra quyết định xử phạt hay không.

Khi Bộ Công an đưa ra đề xuất có tiền thưởng cho các thông tin đóng góp của người dân như vậy, một mặt điều này khuyến khích người dân tố giác các hành vi vi phạm giao thông, mặt khác tôi cho rằng có ý nghĩa tích cực hơn nữa. Đó là cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm xử lý đầy đủ, đến nơi đến chốn các thông tin tố giác ấy, nâng cao hiệu quả hoạt động xử phạt.

Ở đây, có mức thưởng cao nhất là 5 triệu đồng thì không nhất thiết các tin tố giác đều được trả mức như vậy. Tôi nghĩ 100.000 - 200.000 đồng tùy nội dung đã đủ để khuyến khích rồi. Nếu nội dung này được đưa vào áp dụng, tôi cho rằng, với hàng triệu xe được lắp camera giám sát như hiện nay, sẽ tạo ra quá trình giám sát giao thông do toàn dân thực hiện, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là người đi ô tô.

PV: Nhiều thính giả chia sẻ băn khoăn về việc triển khai quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin theo hướng ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa. Còn quan điểm của ông?

TS Phan Lê Bình: Về nội dung này, không cần góc độ từ chuyên gia giao thông mà từ người dân thôi. Việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi cho người đã góp ý cần được rõ ràng, minh bạch cho họ biết. Tất nhiên, vẫn phải đảm bảo quyền riêng tư bảo mật cho người tố giác.

Còn cụ thể làm thế nào, thông qua công cụ gì, VneID hay gì khác thì cơ quan chức năng cần xem xét kỹ lưỡng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chu Đức/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/toi-da-5-trieu-dong-mua-tin-vi-pham-giao-thong-tiep-nhan-xu-ly-can-minh-bach-post1113691.vov
Zalo