Tội ác 'trời không dung, đất không tha': Mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm

Mẹ giết con - tội ác hiếm gặp với cả các 'loài'! Mẹ giết con để trục lợi bảo hiểm lấy tiền ăn chơi, cờ bạc thì đúng là tội ác 'trời không dung, đất không tha'.

Có lẽ trong ký ức của hàng triệu người dân Việt Nam, câu thành ngữ "hổ dữ không ăn thịt con" từ lâu đã trở thành biểu tượng cho tình mẫu tử thiêng liêng, bền vững và cao quý. Thế nhưng, vụ án gây rúng động ở tỉnh Quảng Nam – nơi một người mẹ bị cáo buộc ra tay sát hại chính hai đứa con ruột của mình để trục lợi bảo hiểm – đã “phá vỡ” mọi chuẩn mực đạo đức, làm lạnh sống lưng bất kỳ ai!

Không chỉ là tội ác pháp lý

“Mẹ giết con” – một cụm từ, một tội ác kinh hoàng. Tội ác, tội lỗi này cũng đã từng nghe, nhắc đến ở một số vụ án. Tuy nhiên, phần lớn ở những vụ án, vụ việc trước đây hành vi giết con của người mẹ thường xuất phát từ tình trạng tâm lý không ổn định, bệnh lý. Có trường hợp mẹ sát hại con vì bị trầm cảm sau sinh hay cũng có trường hợp do ghen tuông thái quá với chồng dẫn đến hành vi tội ác…

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam tống đạt các quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Tô Thị Ty Na. Ảnh: Nhandan

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam tống đạt các quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Tô Thị Ty Na. Ảnh: Nhandan

Nhưng, ở vụ người mẹ ra tay sát hại hai con ở Quảng Nam để trục lợi bảo hiểm lấy tiền ăn chơi, cờ bạc thì không chỉ là tội ác pháp lý, mà còn là bản án đạo đức.

Theo thông tin từ các cơ quan điều tra và báo chí, bà Tô Thị Ty Na (sinh năm 1981, trú tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi “giết người”. Điều đặc biệt kinh hoàng là nạn nhân không ai khác chính là hai người con ruột của bà – hai người con trai !.

Sự ra đi của cháu bé đầu tiên vào năm 2021 từng được xác định là tai nạn do đuối nước trong nhà tắm. Tuy nhiên, đến năm 2023, tiếp tục sau sự ra đi của cháu trai thứ hai, thì người thân, các cơ quan chức năng đã bắt đầu nghi ngờ và tiến hành điều tra lại toàn bộ sự việc. Đáng sợ hơn nữa, từ cả hai vụ việc, bà Na đã nhận về hơn 4 tỷ đồng tiền bảo hiểm nhân thọ.

Từ thông tin ban đầu, các cháu bé được mẹ mua bảo hiểm ngay trước thời điểm tử vong không lâu. Mức phí bảo hiểm đóng mỗi tháng cao hơn nhiều so với thu nhập trung bình của một gia đình nông thôn. Điều này càng làm tăng thêm nghi ngờ rằng kế hoạch giết con để trục lợi đã được tính toán từ trước một cách lạnh lùng và vô nhân tính.

Hành vi sát hại chính con ruột để đổi lấy tiền bảo hiểm không chỉ là vi phạm hình sự với mức án có thể cao nhất lên đến tử hình, mà còn là hành vi "tội ác trời không dung, đất không tha".

Một người mẹ vốn là người được kỳ vọng yêu thương, che chở và bảo vệ con cái bằng cả mạng sống của mình lại nhẫn tâm ra tay với chính giọt máu mình mang nặng đẻ đau. Điều gì đã khiến “con người” này đánh đổi sự sống của con mình lấy những đồng tiền dơ bẩn?

Thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra và từ người thân, dư luận cho rằng người mẹ có liên quan đến các hoạt động cờ bạc và nợ nần. Tuy nhiên, dù lý do là gì thì việc sát hại con trai ruột để trục lợi bảo hiểm vẫn là hành vi đi ngược lại cả đạo lý lẫn luật pháp.

Có thể “qua mặt” bảo hiểm, nhưng sẽ “lộ sáng” trước pháp luật

Sau vụ án chấn động này, một câu hỏi lớn được đặt ra: Làm sao một người có thể nhận hàng tỷ đồng từ bảo hiểm nhân thọ sau cái chết của hai đứa con mà không bị bất kỳ sự kiểm tra nào?

Theo các chuyên gia pháp luật, hệ thống kiểm soát và giám sát của các công ty bảo hiểm rõ ràng còn có những lỗ hổng. Cũng khó để chỉ rõ, thậm chí nếu không chuyên nghiệp sẽ trở thành cản trở, thành gây khó dễ với những người, những khách hàng đang ở tình trạng đau đớn, khó khăn… Tuy nhiên, với những trường hợp nhận bảo hiểm sau cái chết đột ngột của người thân cần được thẩm định kỹ lưỡng hơn, đặc biệt khi cùng một người thụ hưởng nhận tiền từ nhiều hợp đồng chỉ trong thời gian ngắn.

Trên thực tế, không chỉ vụ việc tại Quảng Nam, thời gian qua đã xuất hiện nhiều vụ án liên quan đến giết người thân để trục lợi bảo hiểm. Như vụ án Đỗ Văn Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà (Lâm Hà, Lâm Đồng), là một ví dụ điển hình. Vì thua lỗ trên sàn giao dịch cà phê và nợ nần chồng chất, Minh đã mua gói bảo hiểm nhân thọ trị giá hàng chục tỷ đồng rồi lên kế hoạch giết người thế mạng. Đối tượng Minh sát hại cháu vợ đưa thi thể vào ô tô và đốt cháy nhằm ngụy tạo hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ý đồ của Minh là để được chi trả bảo hiểm khoảng 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự thật nhanh chóng bị phanh phui… Trên thế giới cũng đã từng xảy ra những vụ giết người thân, tạo hiện trường giả để trục lợi bảo hiểm.

Tuy nhiên, những tội ác trên nếu so với hành vi, tội ác của Tô Thị Ty Na, tội ác sát hại con ruột, không chỉ một mà hai cháu ở hai thời điểm khác nhau để trục lợi tiền bảo hiểm thì quả đúng phải gọi đối tượng Na là “ác quỷ”. Và những mưu toan, hành vi tội ác có thể “qua mặt” bảo hiểm, nhưng trước pháp luật, trước công lý những tội ác này đã phải trả giá!

Dù cơ quan điều tra đã có những kết luận ban đầu, nhưng khi nói đến vụ án mẹ giết con để trục lợi bảo hiểm ở Quảng Nam, nhiều người, nhiều dòng trạng thái trên mạng xã hội thể hiện sự bàng hoàng, kinh hoàng và mong rằng đó chỉ là tin đồn. Xã hội không thể xảy ra một vụ án, một tội ác như thế. Một tội ác tày trời!

Không ít ý kiến thể hiện trên mạng xã hội nhìn nhận vụ án mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm ở Quảng Nam “kêu than” rằng đó là sự xuống cấp của đạo đức, giá trị xã hội… Phải khẳng định đó là ý kiến phiến diện, sai lầm. Con người đang ngày càng tiến đến văn minh, hướng đến những giá trị tốt đẹp. Nhưng xã hội nào cũng có những “hạt sạn”. Dù dưới hình thức nào thì những đối tượng như Tô Thị Ty Na cũng cần loại bỏ, loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội.

Nguyễn Quang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/toi-ac-troi-khong-dung-dat-khong-tha-me-sat-hai-con-de-truc-loi-bao-hiem-381859.html
Zalo