Tốc độ tăng lãi các ngân hàng dự báo chậm lại và áp lực vẫn còn

Theo các chuyên gia từ MBS Research, ngành ngân hàng được dự báo có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quý II chậm lại ở mức 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, ngân hàng còn tiếp tục chịu áp lực giảm lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động tăng.

Tăng trưởng lợi nhuận quý II có thể giảm nhẹ

Theo các chuyên gia MBS Research, tốc độ ngành ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận quý II/2024 có thể giảm nhẹ. Cụ thể, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm, trong khi lãi suất huy động lại tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng.

"Lãi sau thuế các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao. Một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt sẽ ghi nhận mức tăng nổi bật, trong khi những ngân hàng có lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái ở mức cao sẽ gặp khó khăn và ghi nhận tăng trưởng âm trong lợi nhuận sau thuế" - MBS Research.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng trong quý II được dự báo sẽ khả quan hơn so với quý I, với ước tính đạt 4,17% vào ngày 20/6/2024 so với mức 0,26% vào cuối quý I/2024, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, thu nhập lãi thuần vẫn chưa thể tăng mạnh.

Không những thế, theo các chuyên gia của MBS Research, thu nhập ngoài lãi cũng chưa có dấu hiệu phục hồi khi vẫn chủ yếu dựa vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán cũng không dự báo sẽ có mức tăng trưởng cao. Chi phí trích lập dự phòng sẽ tiếp tục tăng, khi nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại trong quý II này. Xu hướng tăng nợ xấu (NPL) và giảm tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) đang trở thành xu hướng chung của toàn ngành ngân hàng.

Dự báo của MBS về lợi nhuận một số ngân hàng. Nguồn: MBS Research.

Dự báo của MBS về lợi nhuận một số ngân hàng. Nguồn: MBS Research.

Bức tranh tổng thể còn đầy thách thức

Nhìn chung, lợi nhuận sau thuế (LNST) của các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng không cao. Một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt sẽ ghi nhận mức tăng nổi bật, trong khi những ngân hàng có lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái ở mức cao sẽ gặp khó khăn và ghi nhận tăng trưởng âm trong lợi nhuận sau thuế. Điều này phản ánh một bức tranh tổng thể đầy thách thức cho ngành ngân hàng trong thời gian tới" - Chuyên gia MBS cho hay.

Trước đó, trong một báo cáo về ngành ngân hàng của VIS Rating cho biết, tỷ lệ NPL trung bình toàn ngành này đã tăng lên 2,2% trong 3 tháng 2024, từ mức 1,9% vào năm 2023 do cho vay bán lẻ. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của các ngân hàng cải thiện nhẹ lên 1,6% từ 1,5% trong cùng khoảng thời gian do chi phí tín dụng thấp hơn và NIM cải thiện. Lợi nhuận của ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2024 nhờ điều kiện hoạt động trong nước tốt hơn và lãi suất thấp hỗ trợ khả năng trả nợ của người đi vay và NIM cải thiện hơn. Nguồn vốn và thanh khoản sẽ duy trì ổn định nhờ tăng trưởng tiền gửi theo kịp tăng trưởng cho vay và các ngân hàng tăng nguồn vốn dài hạn.

Tuy vậy, theo VIS Rating, khả năng sinh lời được cải thiện khiêm tốn nhờ NIM tăng và chi phí tín dụng thấp hơn. Trong các quý tới, nhu cầu tín dụng sẽ dần tăng và NIM sẽ cải thiện so với mức năm 2023, từ đó thúc đẩy ROAA của các ngân hàng tăng dần.

 Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại (so với tháng trước). Nguồn: FiinRatings.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại (so với tháng trước). Nguồn: FiinRatings.

Trong cùng diễn biến, tại báo cáo mới nhất của FiinRatings, các chuyên gia nhận định rằng, mặc dù lãi suất huy động tại các ngân hàng tư nhân đã chạm đáy từ tháng 4, nhưng mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng quốc doanh (nhóm Big4 ngân hàng) vẫn duy trì ổn định.

Dữ liệu từ báo cáo cho thấy, trong tháng 5 và tháng 6, lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình của các ngân hàng tư nhân đã tăng lần lượt 19 và 17 điểm cơ bản so với tháng trước đó. Với sự giảm bớt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, các chuyên gia dự báo sẽ dẫn tới việc các ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất huy động trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, việc lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn được yêu cầu giảm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế sẽ là áp lực cho các ngân hàng thương mại duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao như thời gian qua. Mặt khác, nợ xấu tăng và chất lượng tài sản suy giảm cũng là yếu tố quan trọng có thể hãm tốc động tăng trưởng lợi nhuận cho ngành ngân hàng thời gian tới./.

Theo dự báo từ nhóm chuyên gia của WiResearch (Công ty Wigroup) về xu hướng lãi suất sắp tới, lãi suất huy động tại các nhóm ngân hàng thương mại lớn và một số ngân hàng thương mại khác ở các kỳ hạn ngắn tăng nhẹ 0,2 - 0,5 điểm % trong tháng 5 so với tháng trước. Ở nhóm ngân hàng quốc doanh không có biến động lãi suất. Vì vậy, việc lãi suất nhích lên cho thấy nhu cầu về vốn là có nhưng chỉ ngắn hạn, xảy ra cục bộ ở một số ngân hàng. Mặt bằng chung lãi suất tiền gửi ở tất cả nhóm ngân hàng thương mại đang tiếp tục duy trì ở mức thấp, cho thấy thanh khoản của hệ thống vẫn ổn định. Lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức hiện tại trước khi nhu cầu tín dụng tăng cao hơn trong nửa cuối năm./.

Diệu Khiết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/toc-do-tang-lai-cac-ngan-hang-du-bao-cham-lai-va-ap-luc-van-con-153709.html
Zalo