Tốc độ già hóa đứng đầu cả nước, TPHCM cần làm gì?
Tính đến cuối năm 2024, TPHCM là địa phương có tốc độ già hóa nhanh nhất cả nước. Tình trạng này kéo theo hàng loạt gánh nặng về y tế cũng như xã hội.
Tính đến cuối năm 2024, TPHCM có 1.110.046 người cao tuổi, đứng thứ 2 cả nước. Đây hiện là địa phương có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Việt Nam.
Theo ThS. Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế TPHCM, già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ rất nhanh do tác động của tỷ lệ sinh nở thấp và tuổi thọ trung bình rất cao.
“Sự gia tăng nhanh chóng đặt ra yêu cầu cấp thiết về chính sách và hạ tầng y tế, xã hội nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi đang ngày càng đông”, ông Trung nhận định.
Chi phí chăm sóc người già cao gấp 7 lần trẻ nhỏ
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tân - Trưởng bộ môn Lão khoa, khoa Y, Trường Đại học Y Dược TPHCM, Việt Nam thuộc nhóm “chưa giàu đã già”. Tỷ lệ dân số cao tuổi tăng nhanh trong khi thu nhập bình quân đầu người thấp dẫn đến gánh nặng chăm sóc sức khỏe và phát triển xã hội.
Hiện nay, người cao tuổi Việt Nam dành 14 năm tuổi thọ để sống chung với bệnh tật. Mô hình bệnh tật đã chuyển dịch từ các bệnh nhiễm trùng sang bệnh không lây nhiễm mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và các rối loạn tâm thần.
Tại TPHCM, tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh tim mạch chạm mức 56,71%, trong khi tỷ lệ mắc đái tháo đường và nghi ngờ đái tháo đường là 22,67%.
Những bệnh lý này không chỉ gây suy giảm chức năng mà còn làm tăng nguy cơ tàn tật, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người cao tuổi.
Đồng thời, chi phí chăm sóc sức khỏe cho nhóm dân số này cao gấp 7-8 lần so với trẻ em, chiếm 86,3% tổng chi tiêu y tế của các hộ gia đình.
Gánh nặng này ngày càng lớn hơn ở các hộ gia đình ít thành viên, những khu vực nông thôn và miền núi, nơi điều kiện kinh tế và tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế. Đặc biệt, các bệnh không lây nhiễm gia tăng, yêu cầu điều trị kéo dài và chi phí lớn, làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn về tài chính.
Bảo hiểm y tế được triển khai rộng rãi nhưng chưa thực sự giúp giảm thiểu đáng kể gánh nặng tài chính trong chăm sóc sức khỏe. Điều này có thể xuất phát từ mức độ chi trả bảo hiểm còn hạn chế hoặc thiếu dịch vụ y tế phù hợp tại địa phương.
Triển khai bảo hiểm tuổi già, phát triển viện dưỡng lão
Ông Trung đề xuất 6 giải pháp cải thiện công tác chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn TPHCM. Thứ nhất, xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và cập nhật về dân số người cao tuổi. Đây là bước đầu tiên quan trọng để cải thiện công tác chăm sóc.
“Hiện nay, số liệu từ các cơ quan như công an và các đơn vị thống kê vẫn chưa thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý và xây dựng chính sách. Chỉ khi có một bộ cơ sở dữ liệu rõ ràng, chúng ta mới có thể triển khai các chính sách hiệu quả cho người cao tuổi”, ông Trung nói.
Thứ 2, thành phố cần triển khai mô hình bảo hiểm tuổi già, học hỏi từ kinh nghiệm của Nhật Bản, nơi bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dài hạn bắt đầu từ độ tuổi trung niên (40 tuổi). Trong khi đó, tại Việt Nam, số người tham gia bảo hiểm xã hội vẫn còn thấp, việc rút bảo hiểm xã hội một lần lại tăng lên. Điều này sẽ tạo ra áp lực lớn cho hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.
Thứ 3, cần phát triển mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội và nhà dưỡng lão dành cho người cao tuổi. Hiện nay, TPHCM chỉ có khoảng 25-30 cơ sở, trong khi nhu cầu rất lớn. Cần có cơ chế huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển dịch vụ nhà dưỡng lão, phù hợp với các phân khúc kinh tế và sức khỏe của người cao tuổi.
Thứ 4, đồng thời tập trung phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Theo khảo sát của TPHCM, 74% người cao tuổi mong muốn sống gần con cháu thay vì vào nhà dưỡng lão. Vì vậy, mô hình chăm sóc tại cộng đồng như các trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng sẽ là giải pháp tối ưu. Các trung tâm này có thể cung cấp dịch vụ như tập luyện phục hồi sức khỏe và hỗ trợ tinh thần cho người cao tuổi.
Thứ 5, việc phát triển các câu lạc bộ và mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng là cần thiết. Mô hình này cần tiếp tục phát triển, đặc biệt là thông qua các hoạt động truyền thông và giáo dục sức khỏe.
Thứ 6, đội ngũ nhân viên chăm sóc người cao tuổi cũng cần được chú trọng đào tạo. Việc này sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ trực tiếp cho người cao tuổi trong cộng đồng.