Toàn văn Luật Thủ đô gồm 7 chương 54 điều, có hiệu lực từ 1/1/2025

Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024.

Luật gồm 7 chương và 54 điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ: Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.

Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

 Hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Nguyễn Khánh

Hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Nguyễn Khánh

Về tổ chức chính quyền đô thị, Luật quy định: Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn thực hiện theo quy định của luật này, quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chính quyền địa phương ở phường tại thành phố là Ủy ban nhân dân phường - là cơ quan hành chính nhà nước, được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật này.

Đáng chú ý, Luật quy định, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được bầu 125 đại biểu Hội đồng nhân dân. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách, gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, không quá 3 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân và các ủy viên. Số lượng thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định, bảo đảm không quá 11 người.

Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách không quá 09 người do Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố quyết định.

Luật cũng quy định các chính sách về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển đô thị, giao thông; phát triển nông nghiệp, nông thôn; tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, thu hút đầu tư; liên kết, phát triển vùng…

Trong đó, Luật quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá, tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước, trong đó thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội...

Xem toàn văn Luật Thủ đô tại đây.

Minh Chi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/toan-van-luat-thu-do-gom-7-chuong-54-dieu-co-hieu-luc-tu-112025-post244357.gd
Zalo