TOÀN VĂN: Dự thảo Nghị quyết quy định xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy

Bộ Tư pháp đang đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xin giới thiệu toàn văn và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

NGHỊ QUYẾT

Quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị quyết này quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

2.Nghị quyết này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, các cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi chung là cơ quan) và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc

1. Bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

2. Bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan và xã hội.

3. Tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các thủ tục hành chính sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

Điều 3. Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan

1. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành được tiếp tục thực hiện bởi các cơ quan nhận chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó (bao gồm cả trường hợp thành lập cơ quan mới; trường hợp thay đổi mô hình tổ chức; trường hợp cơ cấu, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ hoặc cơ quan khác về các bộ; trường hợp chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các bộ, cơ quan ngang bộ với nhau).

2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy do cơ quan có thẩm quyền quy định phù hợp với mô hình tổ chức theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp theo quy định pháp luật hiện hành, hoạt động của cơ quan có thẩm quyền chịu sự kiểm sát, kiểm tra, giám sát của cơ quan khác thì việc xác định cơ quan thực hiện kiểm sát, kiểm tra, giám sát sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy căn cứ vào nơi đặt trụ sở của cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó. Cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trụ sở tại địa bàn nào thì chịu sự kiểm sát, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền tại địa bàn đó.

4. Trường hợp tại văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan thuộc trường hợp hợp nhất, sáp nhập hoặc phối hợp với cơ quan thuộc trường hợp chấm dứt hoạt động thì cơ quan được hình thành sau khi hợp nhất, sáp nhập hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện nội dung công việc đó.

5. Trường hợp sau khi cơ quan sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi quy trình, trình tự, thủ tục giải quyết công việc nhưng chưa sửa đổi ngay được văn bản quy phạm pháp luật quy định về quy trình, trình tự, thủ tục đó thì cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết công việc quyết định điều chỉnh tạm thời quy trình, trình tự, thủ tục giải quyết công việc theo đúng nguyên tắc chuyển giao và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan được quy định tại Điều này.

Điều 4. Về tên gọi của các cơ quan

Tên của các cơ quan đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật bị thay đổi do sắp xếp tổ chức bộ máy được tự động chuyển đổi theo tên của cơ quan tiếp nhận thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy. Các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật không phải ban hành văn bản chỉ có nội dung sửa đổi về tên của cơ quan.

Điều 5. Về việc thực hiện thủ tục hành chính

1. Cơ quan nhận chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thủ tục hành chính thông suốt, không bị gián đoạn; thực hiện công bố thủ tục hành chính theo thẩm quyền; thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của mình và các hình thức phù hợp khác về việc thay đổi cơ quan thực hiện thủ tục hành chính theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhận chuyển giao.

2. Trường hợp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính mà chưa sửa đổi ngay được các văn bản quy phạm pháp luật thì Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi quản lý nhà nước của mình ban hành hướng dẫn tạm thời để các thủ tục hành chính được thực hiện thông suốt, không bị gián đoạn.

Điều 6. Về thực hiện chức năng thanh tra

1. Về việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau khi sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra

a) Tổng cục, cục thuộc bộ có cơ quan thanh tra và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có sự thay đổi về tên gọi mà không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ thì tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

b) Tổng cục tổ chức lại thành cục mà không thay đổi chức năng, nhiệm vụ thì tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

c) Tổng cục tổ chức lại thành các cục, vụ thì các cục tổ chức lại từ tổng cục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

d) Tổng cục, cục thuộc bộ tổ chức lại thành các vụ thì chức năng thanh tra chuyên ngành của tổng cục, cục thuộc bộ do Thanh tra Bộ thực hiện;

đ) Trường hợp tổng cục, cục thuộc bộ sáp nhập với các đơn vị khác để tổ chức thành cục mới thì cục mới tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

e) Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau sắp xếp thành các cục, vụ, chi cục mới thì các cục, chi cục mới tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

g) Các trường hợp khác do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra cấp trên thực hiện.

2. Về việc thực hiện kế hoạch thanh tra và thực hiện các cuộc thanh tra chưa ban hành kết luận thanh tra

a) Cơ quan thanh tra mới được thành lập có trách nhiệm rà soát, kế thừa các kế hoạch thanh tra đã được ban hành để xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra mới trình cấp có thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước mới được tổ chức lại và quy định của Luật Thanh tra 2022;

b) Đối với các cuộc thanh tra chưa ban hành kết luận thanh tra, Đoàn thanh tra tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trình Thủ trưởng cơ quan thanh tra mới được tổ chức lại ban hành kết luận thanh tra.

Trường hợp cuộc thanh tra liên quan đến nhiều nội dung thuộc quản lý nhà nước của nhiều cơ quan mới được tổ chức lại thì Trưởng đoàn thanh tra xây dựng các dự thảo kết luận thanh tra theo nội dung quản lý nhà nước tương ứng và trình Thủ trưởng cơ quan thanh tra quản lý lĩnh vực đó ban hành kết luận thanh tra.

Điều 7. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Trong trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi tên gọi nhưng không thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn, thì chức danh đó tiếp tục thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đang được giao.

2. Trong trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn, thì chức danh tiếp nhận nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn đã tiếp nhận cho đến khi có quy định mới thay thế.

Điều 8. Về việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên

1. Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chủ động rà soát quy định của điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế bị tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy; thông báo, trao đổi, thống nhất với đối tác nước ngoài về sự cần thiết sửa đổi quy định liên quan đến tên gọi của cơ quan được quy định trong điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

2. Các cơ quan có trách nhiệm thông báo với đối tác nước ngoài về việc kế thừa toàn bộ thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan (ngoài các thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ) và chủ động tiến hành thủ tục sửa đổi quy định của thỏa thuận quốc tế bị tác động (nếu có).

3. Trường hợp cần sửa đổi quy định về tên gọi của cơ quan trong điều ước quốc tế đã có hiệu lực thì thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau[1]: Cơ quan liên quan chủ động rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, thông báo cho Bộ Ngoại giao. Trên cơ sở thống nhất ý kiến với cơ quan đó, Bộ Ngoại giao gửi Công hàm cho đối tác nước ngoài thông báo về việc sửa đổi quy định của điều ước quốc tế. Trường hợp phát sinh vấn đề ngoài dự liệu, cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Trường hợp cần sửa đổi quy định về tên gọi của cơ quan trong thỏa thuận quốc tế thì thực hiện theo trình tự, thủ tục sau[2]: Cơ quan liên quan chủ động rà soát, trao đổi, thống nhất với đối tác nước ngoài về việc sửa đổi quy định tên gọi của cơ quan; sau đó thông báo cho Bộ Ngoại giao về việc sửa đổi.

5. Trường hợp điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã hoàn tất đàm phán nhưng chưa ký thì cơ quan liên quan có trách nhiệm chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài chỉnh sửa quy định về tên gọi cơ quan (nếu có).

6. Trường hợp điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã ký nhưng chưa có hiệu lực thì cơ quan liên quan có trách nhiệm trao đổi, thống nhất với đối tác nước ngoài về cách thức chỉnh sửa quy định về tên gọi cơ quan (nếu cần) và thông báo cho Bộ Ngoại giao để phối hợp theo dõi.

7. Trường hợp phát sinh các vấn đề khác trong quá trình thực hiện, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao căn cứ các nguyên tắc tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều này hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện.

Điều 9. Về giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan đã ban hành

1. Giấy tờ hành chính, văn bản do các cơ quan cấp, ban hành theo thẩm quyền trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tiếp tục có hiệu lực cho đến khi bị thay thế, bãi bỏ hoặc bị xử lý bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật bởi cơ quan nhận chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan có thẩm quyền.

2. Cơ quan có thẩm quyền sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy không được yêu cầu tổ chức, cá nhân cấp đổi, giấy tờ đã được các cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy cấp; trường hợp cá nhân, tổ chức có nhu cầu cấp đổi các giấy tờ đó thì không phải nộp phí, lệ phí thực hiện.

Điều 10. Về việc rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật

1. Các cơ quan có trách nhiệm kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Nghị quyết này để xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy và tránh khoảng trống pháp luật, trừ các nội dung có thể thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết này.

2. Các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy có trách nhiệm rà soát các quy định pháp luật có thay đổi về thẩm quyền, chức danh, quy trình, trình tự, thủ tục và các nội dung khác, trừ nội dung quy định tại Điều 4, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với tổ chức bộ máy đã được sắp xếp.

Điều 11. Xử lý các vấn đề phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết

1. Đối với các vấn đề khác phát sinh sau khi các cơ quan thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết này, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan khác có liên quan trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, hướng dẫn tạm thời để triển khai thực hiện thống nhất, kịp thời các vấn đề phát sinh.

Điều 12. Quy định chuyển tiếp

1. Các công việc đang được thực hiện bởi các cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy được tiếp tục thực hiện bởi các cơ quan được giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

2. Các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy được sử dụng con dấu, thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu, thu hồi con dấu theo quy định của pháp luật.

3. Căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc sử dụng các bản phôi, mẫu giấy tờ, biểu mẫu đã được in sẵn trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tiết kiệm, đúng quy định pháp luật.

Trường hợp cần thiết, các bản phôi, mẫu giấy tờ, biểu mẫu đã được in, cấp, phát hành theo quy định tiếp tục được sử dụng và được công nhận giá trị pháp lý cho tới khi cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc in, cấp, phát hành phôi, mẫu giấy tờ thay thế theo quy định pháp luật.

Điều 13. Điều khoản thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2025.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ …. thông qua ngày tháng năm 2025.

[1] Thay cho các quy định tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

[2] Thay cho các quy định tại Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020.

Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-nghi-quyet-quy-dinh-xu-ly-mot-so-noi-dung-lien-quan-den-sap-xep-to-chuc-bo-may-119250110091615867.htm
Zalo