Toàn cảnh thế giới 2024: Bất an, bất ổn, bất định

Năm 2024 đang dần khép lại với nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, từ chính trị, kinh tế đến môi trường và công nghệ. Đài Hà Nội xin điểm lại 10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong năm 2024, đây là những sự kiện đang góp phần thay đổi trật tự thế giới.

Ngày 5/11/2024, ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, trở thành Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ. Mặc dù chưa nhậm chức, ông đã tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ chính thức và phi chính thức tại tư dinh, thể hiện sự chủ động định hình chính sách tương lai. Tính cách khó lường của ông dự báo sẽ mang đến những thay đổi lớn trên chính trường Mỹ và quan hệ quốc tế trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp.

Hơn 1.000 ngày xung đột gây thiệt hại nặng nề cho cả hai phía. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã trở thành cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây làm gia tăng căng thẳng địa chính trị trong phần còn lại của thế giới. Tổng thống Putin tái đắc cử, kéo dài nhiệm kỳ và củng cố quyền lực giữa bối cảnh chiến tranh. Trong khi đó, tính chính danh của Tổng thống Zelensky cũng gây tranh cãi, với một bộ phận người dân ủng hộ ông như biểu tượng của sự kháng cự, nhưng cũng có không ít chỉ trích về cách điều hành đất nước trong chiến tranh. Cuộc xung đột không ngừng leo thang từ việc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa đến Ukraine tiến hành các chiến dịch ám sát nhân sự cấp cao của Nga.

Xung đột giữa Israel và Hamas bước sang năm thứ hai, với các cuộc tấn công qua lại gây thương vong lớn cho cả hai bên. Tình hình leo thang kéo theo sự can dự của nhiều quốc gia trong khu vực, đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn chưa có hồi kết. Các nỗ lực hòa giải từ quốc tế chưa mang lại kết quả, khiến nguy cơ một cuộc chiến tranh quy mô lớn tiếp tục gia tăng, trong khi người dân Gaza đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 27/9/2024, tuyên bố Israel sẽ tiếp tục tấn công nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 27/9/2024, tuyên bố Israel sẽ tiếp tục tấn công nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon.

Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ cuối năm 2024, đánh dấu bước ngoặt lớn tại Trung Đông sau nhiều năm nội chiến. Sự kiện này tạo ra khoảng trống quyền lực tại Syria, làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của các tổ chức cực đoan trong khu vực. Nhiều quốc gia đang có những toan tính riêng giữa lúc cộng đồng quốc tế đang nỗ lực giàn xếp. Nhưng xung đột nội bộ và bất ổn chính trị vẫn tiếp tục là thách thức lớn với người dân Syria.

Phiến quân Syria ồ ạt tiến vào thủ đô Damascus (Syria) ngày 8/12/2024.

Phiến quân Syria ồ ạt tiến vào thủ đô Damascus (Syria) ngày 8/12/2024.

Tháng 7/2023, một cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân sự tại Niger, khiến quốc gia Tây Phi rơi vào vòng xoáy bất ổn. Cuộc khủng hoảng không chỉ làm suy yếu cơ chế hợp tác khu vực mà còn gây lo ngại về sự lan rộng của chủ nghĩa cực đoan. Liên minh châu Phi và Liên Hợp Quốc đã kêu gọi hành động khẩn cấp, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp với các mâu thuẫn sắc tộc và tranh giành quyền lực leo thang.

Tháng 7/2024, đảo chính quân sự lật tại Niger, khiến quốc gia Tây Phi rơi vào vòng xoáy bất ổn.

Tháng 7/2024, đảo chính quân sự lật tại Niger, khiến quốc gia Tây Phi rơi vào vòng xoáy bất ổn.

Tháng 12/2024, Tổng thống Yoon Suk-yeol ban hành lệnh thiết quân luật để đối phó với làn sóng biểu tình leo thang tại Seoul. Quyết định này ngay lập tức gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận và chính trường. Chỉ vài ngày sau, Quốc hội tiến hành luận tội và phế truất ông với cáo buộc lạm dụng quyền lực. Sự kiện này gây chấn động chính trường Hàn Quốc.

Năm 2024 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng phái cực hữu tại Nghị viện châu Âu, cũng như trong các cuộc bầu cử ở Pháp và Đức. Xu hướng này làm gia tăng sự chia rẽ trong Liên minh châu Âu, đe dọa các giá trị cốt lõi về tự do và dân chủ. Sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại đặt ra những thách thức lớn đối với sự đoàn kết của khu vực trong bối cảnh suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội.

Tại hội nghị năm 2024, tổ chức tại Kazan (Liên bang Nga), BRICS kết nạp thêm các thành viên mới như Saudi Arabia, UAE và Iran, mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế và chính trị. Đây được coi là bước tiến quan trọng nhằm thách thức các định chế tài chính toàn cầu do phương Tây dẫn dắt, đồng thời thúc đẩy hợp tác Nam-Nam mạnh mẽ hơn. BRICS cũng đưa ra các kế hoạch phát triển tiền tệ chung để giảm phụ thuộc vào USD, tạo ra bước ngoặt lớn trong trật tự kinh tế toàn cầu.

Năm 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử, với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ tại Tây Ban Nha, cháy rừng ở Amazon, và lần đầu tiên trong 130 năm, núi Phú Sĩ không có tuyết. Tại Hội nghị COP29 tại Bacu, Azerbaijan, một thỏa thuận tài chính khí hậu đột phá được thông qua, cam kết tài trợ 300 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các tranh cãi về nguồn tài trợ và tính khả thi vẫn là rào cản lớn.

Các nhà hoạt động vì môi trường biểu tình tại Hội nghị COP29.

Các nhà hoạt động vì môi trường biểu tình tại Hội nghị COP29.

Năm 2024, trí tuệ nhân tạo tiếp tục tác động sâu rộng đến các lĩnh vực từ y tế, giáo dục đến quốc phòng và công nghiệp. Các công nghệ AI tiên tiến nâng cao hiệu suất lao động và thúc đẩy sự đổi mới, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về đạo đức, an ninh thông tin và quản lý. Công nghệ Deepfake đã trở thành tâm điểm lo ngại toàn cầu khi bị lạm dụng trong truyền thông và bầu cử, các video giả mạo tinh vi được tạo ra nhằm thao túng dư luận, gây rối loạn thông tin và ảnh hưởng đến tính minh bạch của nhiều sự kiện quốc tế. Vấn đề này đã buộc các chính phủ và tổ chức quốc tế nhanh chóng đưa ra các quy định để kiểm soát việc sử dụng AI, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ từ công nghệ này.

Đỗ Quang Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/toan-canh-the-gioi-2024-bat-an-bat-on-bat-dinh-290797.htm
Zalo