Đồng Nai và TP.HCM nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông kết nối như đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không. Tuy nhiên do bị ngăn cách bởi các con sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Soài Rạp… nên nhiều khu vực việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân chưa thật sự thuận lợi.
Vì vậy nhiều cây cầu vượt sông đã và đang được hình thành để giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.HCM và Đồng Nai, thúc đẩy giao thương, giảm chi phí logistics.
Cầu Đồng Nai được xây dựng từ năm 1964, là cây cầu đầu tiên nối TP Biên Hòa (Đồng Nai) với quận 9 (nay là TP Thủ Đức, TP.HCM). Cầu dài 500m, rộng 16m với 4 làn xe. Sau đó, để giảm tải cho cầu cũ, năm 2009, cầu Đồng Nai mới được xây dựng song song với cầu cũ, dài 461m, rộng 20m có 5 làn xe lưu thông.
Từ cầu Đồng Nai, tiếp tục đi khoảng 30km trên QL51 rồi rẽ vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ đến được cầu Long Thành. Cầu Long Thành là cây cầu thứ 2 nối TP Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Long Thành (Đồng Nai).
Cầu có tổng chiều dài toàn tuyến là 3.100m, trong đó phần cầu dài 2.346m, rộng 19,7m, phần còn lại là đường dẫn. Cầu được thiết kế cho 4 làn xe lưu thông với vận tốc thiết kế 100km/h, thông xe vào tháng 1/2014. Cầu này hiện đang được nghiên cứu đầu tư xây dựng giai đoạn hoàn thiện 8 làn xe.
Từ khi đi vào khai thác đến nay, cầu Long Thành đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các hoạt động vận tải, logistics và thương mại. Đặc biệt, cầu và tuyến cao tốc này giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các địa phương khác, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế liên vùng.
Ngoài các cây cầu đã đi vào khai thác, hiện nay có hai cây cầu là Nhơn Trạch và Phước Khánh cũng đã được xây dựng, dự kiến đi vào khai thác vào năm 2025 để kết nối hai địa phương. Trong đó, cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai là cây cầu lớn nhất Vành đai 3 TP.HCM nối Thành phố Thủ Đức và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Cầu này dài hơn 2km, rộng 19,5m, gồm 39 trụ, tĩnh không thông thuyền 30m được khởi công từ tháng 9/2022, đến nay sản lượng đạt 86% và dự kiến thông xe vào 30/4/2025. Cầu Nhơn Trạch có đường dẫn phía bờ TP.HCM sẽ giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Cách cầu Nhơn Trạch không xa là công trường xây dựng cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu trên cao tốc Bến Lức - Long Thành nối huyện Cần Giờ, TP.HCM và Nhơn Trạch. Khi hoàn thành đây là cầu cao nhất nước với tĩnh không 55m, dài hơn 3km, rộng gần 22m cho bốn làn xe.
Hiện sản lượng đạt 80% nhưng cầu vẫn đang dừng thi công và chờ nhà thầu mới. Dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Bên cạnh những cây cầu đã và đang xây dựng thì giữa TP.HCM và Đồng Nai còn có thêm cầu Cát Lái, Phú Mỹ 2 và Đồng Nai 2 cũng đã được quy hoạch. Trong đó, người dân hai bên vẫn chờ đợi nhất là cầu Cát Lái được xây dựng để thay phà hiện hữu.
Cầu Cát Lái nối TP Thủ Đức và Nhơn Trạch với phần cầu chính được xây dựng theo kết cấu cầu dây văng 2 mặt phẳng dây, liên tục 3 nhịp, đảm bảo 6 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ với tổng bề rộng 29,5m. Về thời gian xây dựng TP.HCM đề xuất sau 2030 còn Đồng Nai muốn năm 2025 để sớm thông xe phục vụ kết nối sân bay Long Thành, các cảng…
Ngoài ra còn có cầu Phú Mỹ 2 cũng đã được bổ sung vào quy hoạch. Cầu Phú Mỹ 2 có quy mô 6 làn xe, kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch. Cầu có hướng tuyến từ sông Đồng Nai đi theo đường Hoàng Quốc Việt với 6 làn xe và kết nối nhánh rẽ với đường Nguyễn Lương Bằng (quận 7) và nối vào đường Nguyễn Hữu Thọ.
Còn cầu Đồng Nai 2 cũng được bổ sung vào quy hoạch, nối huyện Long Thành với TP Thủ Đức, quy mô 6 làn xe, đầu tư giai đoạn 2026-2030. Điểm đầu của cầu được dự kiến nối Vành đai 3 tại nút giao Gò Công - đường nhánh từ tuyến vành đai ra Xa lộ Hà Nội (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức). Điểm cuối nối tuyến ĐT777B xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai.
Minh Tuệ