Tòa tháp gỗ cao nhất thế giới mang đến ý tưởng kiến trúc mới đột phá

Kiến trúc thành phố Milwaukee (Mỹ) khuyến khích phát triển ý tưởng các tòa nhà chọc trời làm bằng vật liệu gỗ đồng thời cũng sẵn sàng thử nghiệm các vật liệu mới trong xây dựng.

Theo hãng CNN, thành phố Milwaukee (Mỹ) hiện đang sở hữu tòa tháp gỗ cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, một tòa nhà chọc trời bằng gỗ khác cũng chuẩn bị xây thêm, sẽ còn cao hơn và tạo điểm nhấn thêm vào đường chân trời của thành phố. Tòa tháp mới là do Michael Green Architecture (MGA), một công ty kiến trúc hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng có trụ sở tại Vancouver thiết kế.

Ngành xây dựng chiếm gần 40% lượng khí thải toàn cầu. Ảnh: MGA/Michael Green Architecture

Ngành xây dựng chiếm gần 40% lượng khí thải toàn cầu. Ảnh: MGA/Michael Green Architecture

MGA gần đây đã công bố kế hoạch phát triển, bao gồm một tòa tháp 55 tầng được làm chủ yếu từ gỗ khối với các tấm gỗ đặc dày, nén, nhiều lớp. Nếu được xây dựng, tòa nhà này sẽ vượt qua tòa nhà gỗ cao nhất thế giới hiện tại là tòa tháp Ascent (25 tầng) do công ty Korb + Associates Architects thiết kế.

Công ty MGA hy vọng dự án này sẽ thiết lập "chuẩn mực toàn cầu mới đối với công trình xây dựng bằng gỗ khối".

Dự án này là một phần của quá trình tái phát triển Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Marcus, được khánh thành vào năm 1969 và từng giành Giải thưởng danh dự về thiết kế kiến trúc xuất sắc của Viện Kiến trúc sư Mỹ vào năm 1970.

Lựa chọn vật liệu gỗ

Ngày nay, việc sử dụng gỗ khối đang là vật liệu ngày càng được ưa chuộng trên thế giới bởi những thay đổi trong các quy định xây dựng cũng như tư duy thay đổi về vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những tòa nhà làm bằng gỗ vẫn hạn chế về chiều cao so với các tòa nhà làm bằng bê tông và thép. MGA cho biết thiết kế tòa tháp sẽ cao khoảng 600 feet (182m) - cao gấp đôi so với tòa tháp Ascent 87m.

"Cuộc đua về chiều cao của các tòa nhà tháp gỗ rất quan trọng. Không phải là để khoe khoang, mà là để cho công chúng thấy những gì kiến trúc đang mang lại ", ông Michael Green, một kiến trúc sư và là người sáng lập MGA cho biết.

Ông Michael Green lập luận rằng lý do các tòa nhà chọc trời bằng gỗ vẫn chưa trở nên phổ biến hiện nay là bởi vì biến đổi khí hậu chưa phải là trọng tâm của cuộc thảo luận.

"Chúng ta không phải không đánh giá cao các tòa nhà làm bằng thép và bê tông. Bởi vì những vật liệu xây dựng này đang tác động tiêu cực với khí hậu nên chúng ta phải tìm ra vật liệu khác để xây dựng các tòa tháp và các tòa nhà cao nói chung", ông Michael Green nhấn mạnh.

Hiện tại, ngành xây dựng và thi công chiếm 37% lượng khí thải toàn cầu, phần lớn là do sản xuất và sử dụng các vật liệu như bê tông và thép, vốn là những nguồn phát thải carbon lớn. Ngược lại, cây cối hấp thụ carbon trong suốt vòng đời của chúng. Nếu chúng ta lấy gỗ từ cây để xây dựng thì carbon đó sẽ bị "khóa lại" hoặc cô lập trong suốt thời gian tòa nhà tồn tại.

"Bằng cách xây dựng các tòa nhà bằng gỗ, thực chất chúng ta đang xây dựng một bể chứa carbon", ông Green nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc tìm đủ số lượng gỗ để xây dựng tòa nhà ở các thành phố là một thách thức. Một số nghiên cứu cảnh báo rằng nhu cầu gỗ khối tăng cao có thể làm gia tăng áp lực lên việc sử dụng đất.

Việc tái phát triển Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Marcus bao gồm các không gian bán lẻ, nhà hàng, văn phòng và khu dân cư. Ảnh: MGA/Michael Green Architecture

Việc tái phát triển Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Marcus bao gồm các không gian bán lẻ, nhà hàng, văn phòng và khu dân cư. Ảnh: MGA/Michael Green Architecture

Đột phá mới về kiến trúc

Để đạt được mục tiêu tiết kiệm carbon, cây phải được trồng trong một khoảng thời gian đáng kể để cô lập carbon và được trồng lại sau khi đã bị chặt hạ. Kiến trúc sư Green cũng lưu ý MGA đã sử dụng gỗ từ các khu rừng được quản lý có trách nhiệm ở Bắc Mỹ.

Về lâu dài, ông tin rằng để giải quyết các vấn đề về nguồn cung, các kiến trúc sư sẽ phải nghĩ xa hơn về các vật liệu khác, thay vì gỗ. MGA hiện đang nghiên cứu tạo ra các vật liệu xây dựng khác từ thực vật. Tuy nhiên, ông khẳng định, nếu chúng ta muốn giảm bớt bê tông và thép, thì gỗ khối vẫn "là lựa chọn tốt nhất hiện nay".

Các rào cản khác đối với việc sử dụng gỗ khối là chi phí và các quy định xây dựng nghiêm ngặt. Trong những năm gần đây, theo ông Green, điều này đã thay đổi. Gỗ khối hiện có giá cạnh tranh hơn so với bê tông và thép ở nhiều khu vực.

"Có nhiều nhà sản xuất hơn trước đây. Hiện chúng tôi có một thị trường cạnh tranh lớn và vẫn đang phát triển", ông Green nhấn mạnh.

Các quy định xây dựng cũng đã phát triển. Một số quốc gia ở Châu Âu bắt buộc sử dụng kết cấu gỗ trong xây dựng như một phần trong các mục tiêu về khí hậu. Tại Mỹ, luật xây dựng đã cập nhật chính sách về gỗ khối vào năm 2021, cho phép xây dựng các tòa nhà bằng gỗ khối cao hơn 6 tầng.

Ông Green lưu ý thành phố Milwaukee đặc biệt có tư duy tiến bộ, khuyến khích phát triển ý tưởng tòa nhà gỗ trong trung tâm thành phố đồng thời cũng sẵn sàng thử nghiệm các vật liệu mới. Tòa tháp được đề xuất vẫn sẽ sử dụng móng bê tông và các thành phần thép để tạo nên lõi thang máy, nhưng ông ước tính gỗ sẽ chiếm khoảng 90% vật liệu xây dựng.

"Milwaukee là một trong những thành phố lớn thứ hai của Mỹ đang tạo ra bước đột phá mới về ý tưởng kiến trúc nhằm góp phần vào quản lý biến đổi khí hậu", ông cho biết.

Ông Green hy vọng tòa tháp Milwaukee sẽ giúp thúc đẩy sự đổi mới trong kiến trúc thân thiện với khí hậu và mở ra trí tưởng tượng của mọi người về kiến trúc xây dựng bằng gỗ.

"Chúng ta cần những khoảnh khắc đột phá, và đây chính là khoảnh khắc đột phá", ông Green nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/toa-thap-go-cao-nhat-the-gioi-mang-den-y-tuong-kien-truc-moi-dot-pha-202408301017098.htm
Zalo