Tòa Thẩm kế châu Âu kêu gọi cải thiện các quy định về nhãn mác thực phẩm
Mới đây, Tòa Thẩm kế châu Âu (ECA) cảnh báo, người tiêu dùng ở châu Âu có thể phải đối mặt với những khó khăn trong việc mua sắm thực phẩm, có nguy cơ mua phải hàng hóa sai lệch do sự gia tăng các nhãn mác thực phẩm dễ gây nhầm lẫn.
Các loại nhãn mác thực phẩm tại Liên minh châu Âu (EU) được yêu cầu thiết kế nhằm cung cấp thông tin chính xác và trung thực về sản phẩm cho người tiêu dùng, giúp họ dễ dàng đưa ra quyết định đúng trước khi mua. Tuy nhiên, theo ECA, hiện nay có những lỗ hổng trong các quy định của EU khiến người tiêu dùng dễ dàng bị hiểu sai thông tin, một phần do những thông tin dễ gây nhầm lẫn.
Bà Keit Pentus-Rosimannus, kiểm toán viên của ECA cho biết, có hàng trăm mẫu mã, ký hiệu, logo khác nhau mà người tiêu dùng phải xem. Thay vì mang lại sự rõ ràng, nhãn mác thực phẩm lại thường xuyên gây ra sự hiểu nhầm. Bà cũng nhấn mạnh rằng, hiện nay các công ty rất sáng tạo trong việc thiết kế bao bì để thu hút người mua, trong khi những quy định của EU chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thị trường khiến 450 triệu người tiêu dùng tại châu Âu dễ bị tiếp cận những thông tin sai lệch.
Theo quy định hiện hành, các nhà sản xuất tại EU được yêu cầu phải liệt kê thành phần, chất gây dị ứng và các thông tin bắt buộc khác trên bao bì của thực phẩm. Ngoài ra, các công ty có thể bổ sung thêm những thông tin về dinh dưỡng và những lợi ích cho sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, các quy định hiện tại cũng cho phép doanh nghiệp được tập trung mô tả các đặc điểm tích cực của sản phẩm và có thể bỏ qua một số thông tin phụ khác.
ECA cho biết, trong những trường hợp có các thông tin sai sự thật, việc kiểm tra và xử lý vi phạm chưa được thực hiện sát sao và gần như không có hình phạt đối với những giao dịch mua bán thực phẩm trực tuyến. Về các thực phẩm có tác dụng hỗ trợ cho sức khỏe người tiêu dùng như các loại thảo dược, chưa có quy định ở cấp độ EU khiến người tiêu dùng có thể bị đánh lừa bởi những tuyên bố có lợi cho sản phẩm, cho doanh nghiệp nhưng chưa có cơ sở khoa học chứng minh.
Nhiều năm qua, Ủy ban châu Âu đã tìm kiếm một hệ thống nhãn mác trên mặt trước bao bì cho toàn EU để giúp người tiêu dùng tìm và lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn. Một trong những lựa chọn hàng đầu là Nutri-Score, một hệ thống nhãn mác dinh dưỡng được thiết kế giúp người tiêu dùng dễ nhận biết giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Hệ thống này sử dụng một bảng màu và điểm số từ A đến E để chỉ ra mức độ lành mạnh của sản phẩm.
Nutri-Score là nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì được sử dụng tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha và 4 quốc gia châu Âu khác. Nhãn này được một số công ty thực phẩm đa quốc gia và các chuỗi bán lẻ lớn hỗ trợ, được Tổ chức Y tế thế giới chứng thực. Tuy nhiên hiện tại, các hệ thống nhãn mác dinh dưỡng mặt trước bao bì như Nutri-Score và Keyhole vẫn đang gây thêm sự nhầm lẫn.
Tổ chức phi lợi nhuận Foodwatch - Tổ chức Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động ở cấp quốc gia và châu Âu, có văn phòng tại Đức, Áo, Pháp và Hà Lan, đang thúc đẩy việc áp dụng Nutri-Score trên toàn EU. Bà Suzy Sumner, người đứng đầu văn phòng Foodwatch tại Thủ đô Brussels (Bỉ) lưu ý, nhãn mác thực phẩm có thể nhỏ gọn, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn khi định hình thói quen ăn uống của hàng triệu người; qua đó, có tác động sâu rộng đến sức khỏe của cộng đồng người dân châu Âu.
ECA đã kêu gọi Ủy ban châu Âu thực hiện một số biện pháp, bao gồm việc khắc phục các lỗ hổng trong khung pháp lý của EU; tăng cường kiểm tra nhãn mác và việc bán hàng trực tuyến của các quốc gia thành viên. Đồng thời, các kiểm toán viên kêu gọi EU cải thiện các quy định hiện hành về nhãn mác thực phẩm để tạo thuận lợi và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng./.
(Theo ECA)