Tỏa sáng tinh thần tương thân, tương ái

Tinh thần tương thân, tương ái là một giá trị văn hóa cốt lõi và truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Nhân dân ta dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, thắm thiết tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Tương thân, tương ái là sự quan tâm, gắn kết, hỗ trợ, yêu thương lẫn nhau giữa con người với con người, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, là cơ sở tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng một xã hội tốt đẹp và phát triển bền vững.

Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng, là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam. Tinh thần tương thân, tương ái đã trở thành đặc trưng trong văn hóa ứng xử, trong tư duy hành động của cấp ủy, chính quyền thành phố và mỗi người dân Thủ đô, được đúc kết, gìn giữ, lan tỏa ngày càng sâu rộng trong suốt quá trình phát triển.

Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội luôn gương mẫu, đi đầu trong phát huy truyền thống tương thân, tương ái. Minh chứng là ngoài những chính sách của Trung ương ban hành, Hà Nội xây dựng nhiều chính sách đặc thù chăm lo an sinh và nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân; chú trọng dành các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng dễ bị tổn thương. Từng chương trình, chính sách hỗ trợ được thành phố triển khai với tất cả tâm huyết và trách nhiệm.

Đơn cử, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), thành phố đã triển khai hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 714 nhà ở cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở xuống cấp trên địa bàn với định mức 100 triệu đồng/nhà xây dựng mới, 60 triệu đồng/nhà sửa chữa, cao hơn mức quy định của Trung ương, với tổng kinh phí hỗ trợ là 61,08 tỷ đồng. Qua đó góp phần đến hết năm 2024, Hà Nội không còn hộ nghèo, chỉ còn 890 hộ cận nghèo.

Tinh thần tương thân, tương ái không chỉ tỏa sáng thông qua việc Hà Nội dành sự quan tâm, chia sẻ và trợ giúp những đối tượng yếu thế trên địa bàn mà còn thể hiện ở việc sẵn sàng “vì cả nước, cùng cả nước”. Tinh thần ấy đang ngày càng lan tỏa và thấm sâu trong các chủ trương, hoạt động của thành phố.

Còn nhớ, bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão đi qua, để lại bao thương vong, mất mát cho Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong hoàn cảnh đó, chính quyền thành phố đã dành hơn 220 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả của thiên tai, bảo đảm đời sống người dân. Không những vậy, chính quyền và nhân dân thành phố còn hướng về đồng bào vùng lũ cả nước với những sự chia sẻ, hỗ trợ thiết thực.

Khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo thông lệ hằng năm, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, thành phố lại trích kinh phí để tặng quà đối tượng chính sách dịp Tết (năm nay, thành phố dành hơn 567,6 tỷ đồng tặng hơn 1,1 triệu suất quà cho các đối tượng chính sách); đồng thời tích cực chuẩn bị các phương án chăm lo, thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn...

Đặc biệt, để mọi người, mọi nhà đều được đón Tết đầm ấm, vui vẻ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã ký ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU (ngày 20-12-2024) của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tổ chức phục vụ Tết Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn thành phố.

Chỉ thị nêu rõ: “Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đẩy mạnh thực hiện các chương trình giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát; tích cực, chủ động thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn toàn thành phố với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có Tết”, không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lụt, vùng xa trung tâm thành phố còn gặp khó khăn, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm”.

Việc quan tâm đến ngày Tết của những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội không những thể hiện tinh thần, truyền thống tốt đẹp tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” mà còn cho thấy tính nhân văn, nhân ái cao cả. Sự quan tâm sát sao, sẻ chia đầy trách nhiệm của thành phố, cùng các cấp, ngành, địa phương và những tấm lòng tràn ngập tình yêu thương sẽ tiếp sức cho người có hoàn cảnh khó khăn, những số phận đáng thương vượt qua nghịch cảnh, góp phần lan tỏa và làm giàu thêm truyền thống nhân văn của người Việt nói chung và văn hóa ứng xử của người Hà Nội nói riêng.

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là nơi hội tụ của khí phách cha ông, nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Các cấp, ngành và địa phương của thành phố cần phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, tích cực, chủ động thực hiện tốt chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có Tết”.

Cùng với thành phố, mỗi người dân Thủ đô hãy tiếp tục chung tay san sẻ yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội đoàn kết, giàu lòng nhân ái, văn minh và tiến bộ.

Với truyền thống tương thân, tương ái, nét đẹp của sự yêu thương, đùm bọc, chia sẻ chân tình và nồng ấm sẽ tiếp tục tỏa sáng để Hà Nội cùng cả nước xây dựng cuộc sống an vui, ấm no và hạnh phúc.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/toa-sang-tinh-than-tuong-than-tuong-ai-688844.html
Zalo