Tọa đàm: Xu hướng tiêu dùng xanh, lối sống bền vững

Hoạt động tiêu dùng hàng ngày tạo ra nhiều rác thải gây hại môi trường, do đó cần có những biện pháp hướng đến tiêu dùng xanh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.

Tiêu dùng xanh tác động ra sao đến môi trường sống? Người dân, doanh nghiệp đã hành động và sẽ cần thay đổi thói quen như thế nào khi tiêu dùng xanh trở thành xu hướng tất yếu?

Những vấn đề liên quan được chúng tôi đề cập trong Tọa đàm: "Xu hướng tiêu dùng xanh, lối sống bền vững", với sự tham gia của PGS. TS Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa XIII) và bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch HĐQT Vinanutrifood kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Chương trình do Tạp chí điện tử VietTimes phối hợp với Trung tâm Truyền thông TN&MT tổ chức, phát trực tiếp trên Viettimes.vn và kênh YouTube của VietTimes lúc 14h ngày 13/10.

Trực tiếp Tọa đàm: Xu hướng tiêu dùng xanh - lối sống bền vững

Tiêu dùng xanh là xu thế tất yếu

Đánh giá về tiêu dùng xanh ở Việt Nam hiện nay, PGS. TS Bùi Thị An cho biết đây là xu hướng tất yếu không chỉ Việt Nam mà còn toàn thế giới. Xu hướng tiêu dùng xanh không chỉ bảo vệ môi trường ở Việt Nam, giúp giảm phát thải mà còn bảo vệ sức khỏe người dân.

Cho rằng đây là vấn đề quan trọng, mọi người cần phải hiểu rõ và thực hiện, bà An nói tiêu dùng xanh liên quan đến nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng và giáo dục. Các chính sách được đưa ra với mục tiêu làm thế nào để thúc đẩy tiêu dùng xanh. Bao gồm các cơ chế chính sách liên quan đến tín dụng xanh; công nghệ xanh; lưu thông xanh và sản xuất xanh. Tất cả các đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các ngành nói riêng và đất nước nói chung.

Theo PGS. TS Bùi Thị An, đây là vấn đề được chỉ đạo một cách liên ngành, tổng thể. Đảng và Nhà nước chú trọng ban hành chủ trương, kế hoạch rất rõ ràng, giao cho Bộ TNMT thực hiện, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể.

 Tọa đàm: "Xu hướng tiêu dùng xanh, lối sống bền vững" với sự tham gia của PGS. TS Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa XIII) và bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch HĐQT Vinanutrifood kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Tọa đàm: "Xu hướng tiêu dùng xanh, lối sống bền vững" với sự tham gia của PGS. TS Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa XIII) và bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch HĐQT Vinanutrifood kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Vốn và tổ hợp vấn đề để thúc đẩy tiêu dùng xanh

Đồng tình về việc phải nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về tiêu dùng xanh, nhất là khi số lượng người hưởng ứng tiêu dùng xanh mới chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, PGS. TS Bùi Thị An cho rằng chúng ta cần phải chú trọng về rất nhiều mặt. Đầu tiên là vấn đề về vốn. Nhà nước cần có chính sách hiệu quả về tín dụng xanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh. Thứ hai là vấn đề liên quan đến công nghệ xanh.

Các đơn vị, doanh nghiệp phải lựa chọn công nghệ xanh, tiến tiến vào sản xuất và phân phối chứ không phải công nghệ cũ. Điều này cũng cần một khoản chi phí đầu tư khá lớn. Trong trường hợp, những doanh nghiệp chuyển mình trong làn sóng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu. Lợi nhuận mang lại không cao, chi phí đầu tư nhiều vì vậy Nhà nước cần phải có các chính sách hỗ trợ thuế, đất đai ra sao để chung tay giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn thời kì đầu.

 PGS. TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII.

PGS. TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Theo bà An, hiện tại mục tiêu sản xuất xanh, phát triển bền vững chỉ mới đạt được 20-40%, nên cần một quá trình thúc đẩy và hành động để đạt được kỳ vọng. Đây là vấn đề đặt ra cho nhà nước, doanh nghiệp và cả nhà tiêu dùng. Với doanh nghiệp, họ cần lợi nhuận thì mới duy trì được sự sống. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ lợi ích hài hòa, chung tay cùng nhà nước khắc phục những vấn đề tồn đọng, hướng đến mục tiêu xanh.

Với ngành giáo dục, phải đưa các kiến thức liên quan bảo vệ môi trường, tiêu dùng xanh, sản xuất xanh vào tất cả các cấp bậc. Khi nào trong tiềm thức của mỗi người thay đổi được thói quen, hiểu được vấn đề thì quá trình đó mới thực sự thành công.

Chung quy lại, ta cần phải tổ hợp các giải pháp, triển khai phù hợp đến từng địa phương, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh truyền thông về tiêu dùng xanh

Những thách thức trong việc thay thế hoàn toàn sản phẩm tiêu dùng thông thường đang gây hại môi trường bằng sản phẩm xanh cũng được bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch HĐQT Vinanutrifood kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ.

Theo đó, doanh nghiệp muốn đồng hành với người dân trong sản xuất xanh hoặc đưa sản phẩm xanh bán ra thị trường thì đầu tiên phải có vốn. Rất nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất khi tài sản thế chấp là máy móc có khấu hao, khó tiếp cận được tín dụng.

Doanh nghiệp lớn khi có nguồn vốn, xây dựng được thương hiệu thì việc chuyển mình đáp ứng yêu cầu về xu hướng tiêu dùng xanh sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải truyền thông thương hiệu, thu mua sản phẩm, học cách điều hành và chưa có nguồn tiền ổn định nên rất khó khăn.

 Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch HĐQT Vinanutrifood kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch HĐQT Vinanutrifood kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh thêm vai trò của truyền thông, đặc biệt là đối với vấn đề còn mới như tiêu dùng xanh.

Bà An cho rằng Nhà nước cần có nguồn kinh phí dành cho truyền thông, coi đó là 1 trong 5 yếu tố để phát triển quá trình tiêu dùng xanh. Truyền thông không chỉ giúp nhiều người có được kiến thức về tiêu dùng xanh, sản xuất xanh mà còn nắm được những lợi ích đến sức khỏe.

Các cấp quản lý có trách nhiệm là làm thế nào để thúc đẩy tiêu dùng xanh. Với doanh nghiệp, phải giúp họ hiểu rõ nếu làm tiêu dùng xanh, sản xuất xanh sẽ có lợi ra sao.

“Vấn đề chúng ta phải quyết liệt, giám sát thường xuyên làm đến cùng, bởi chỉ nói tuyên truyền xanh nhưng không ai làm thì sẽ không mang lại kết quả”, bà Bùi Thị An nói.

Ngoài ra, cần có chế tài pháp lý. Nếu các doanh nghiệp được tạo điều kiện, rót vốn mà làm tốt sẽ được khen. Ngược lại sẽ đình chỉ kinh doanh với các doanh nghiệp đi lệch so với tôn chỉ. Bà An đề nghị minh bạch hóa toàn bộ danh tính các doanh nghiệp làm tốt hoặc chưa tốt để noi gương.

Phóng sự: Tiêu dùng xanh - lối sống bền vững

Đẩy mạnh truyền thông thông qua mạng xã hội

Đánh giá về hành vi tiêu dùng của người dân hiện nay, PGS. TS Bùi Thị An cho biết nhận thức bảo vệ môi trường với người dân đang dần được nâng cao nhưng chưa hoàn toàn đạt yêu cầu, nên vẫn phải tiếp tục nâng cao nhận thức. Đặc biệt, với người dân ở vùng sâu, vùng xa sẽ khó khăn trong việc nhận thức và tiếp cận.

Vì vậy, việc tuyên truyền đến người dân hiểu được lợi ích của sản xuất xanh, tiêu dùng xanh là chuyện quan trọng, cần cặn kẽ, cốt lõi, đi tỉ mỉ từng loại hình một. Mọi người cứ tưởng tiêu dùng xanh là nhắc đến các thực phẩm hoa, quả xanh,... nhưng đó chỉ là một phần. Tiết kiệm năng lượng, trồng cây xanh giảm phát thải cũng là 1 dạng hỗ trợ tiêu dùng xanh, sản xuất xanh.

 Nhận thức được việc bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp, người dân đã thay đổi thói quen đóng gói hàng hóa để hưởng ứng xu hướng tiêu dùng xanh.

Nhận thức được việc bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp, người dân đã thay đổi thói quen đóng gói hàng hóa để hưởng ứng xu hướng tiêu dùng xanh.

Ở cấp quản lý, không phải ai cũng hiểu rõ được vấn đề này. Theo bà An, Bộ TNMT nên tập huấn cho cán bộ quản lý các lĩnh vực như môi trường, thị trường. Các đơn vị hải quan là người kiểm kê các sản phẩm cũng phải được tập huấn một cách kỹ càng để tránh những sản phẩm không đảm bảo nhập vào Việt Nam.

Đối với người dân, việc truyền thông vừa qua đã làm khá tốt. Tuy nhiên, hoạt động này đặc thù theo từng vùng, từng dân tộc, vì vậy phương thức truyền thống nên thay đổi. Bà An cho rằng Bộ TNMT nên trình chính phủ kế hoạch truyền thông đa dạng, sâu sắc hơn. Đến mỗi địa phương phải có tờ rơi, hình ảnh, sau đó trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, giám sát đo lường hiệu quả truyền thông này đến các địa phương ra sao.

Đóng góp thêm giải pháp, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho rằng khách hàng đang ở đâu thì phải truyền thông ở đó. Người ở vùng cao hiện nay cũng có điện thoại thông minh, có thể truy cập trên nhiều nền tảng MXH như TikTok, Facebook, Instagram. Vì vậy có thể xây dựng các kênh mạng xã hội riêng để truyền tải thông điệp nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Việc kết hợp các bộ ban ngành như Bộ TNMT, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa cũng là điều cần được chú trọng. Hiện nay có rất nhiều các KOL, KOC có ảnh hưởng.

Chúng ta có thể sử dụng đây như một cách thức để truyền thông đa chiều nhanh nhất. Quan trọng hơn là có thể đo lường được kết quả trên các nền tảng với chỉ số traffic. Chúng ta hoàn toàn có thể nắm được số lượng người tiếp cận, độ tuổi, giới tính, vùng miền...

Xanh hóa nhà máy, xanh hóa kênh phân phối

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng nhận định tiêu dùng xanh là xu hướng toàn cầu. Đặc biệt thế hệ trẻ ngày nay họ lại rất quan tâm đến xu thế này từ việc 1 sản phẩm được sinh ra như thế nào, nguồn gốc ra sao, có xanh ngay từ khâu lựa chọn giống, kỹ thuật nuôi trồng nhà máy sản xuất có đảm bảo xanh không.

Là lãnh đạo doanh nghiệp kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, bà Hằng cho biết các nhà máy ở Việt Nam đang tập trung vào các vấn đề như xây dựng vùng nguyên liệu Net Zero (nhà máy xanh) như dùng điện năng lượng tái tạo là năng lượng mặt trời, tập trung vào kinh tế tuần hoàn.

“Tức là từ vùng nguyên liệu cho đến nhà máy, chúng tôi không thải ra môi trường mà đưa công nghệ như enzyme, vi sinh vào để tái tạo đất, nước. Một nhà máy thông thường sẽ thải ra môi trường rất nhiều rác thải, chất thải, vì vậy chúng tôi tái tạo lại để nước quay vòng nguyên liệu ban đầu để có thể tiếp tục sử dụng nguồn nguyên liệu đó để trồng trọt, chăn nuôi, làm sản phẩm..” - bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho hay.

 Người dân đang dần quen với việc dùng bao bì làm từ vỏ cây, bã mía, không sử dụng sản phẩm từ túi nilon, xốp

Người dân đang dần quen với việc dùng bao bì làm từ vỏ cây, bã mía, không sử dụng sản phẩm từ túi nilon, xốp

Trước đây, chúng ta thường có thói quen xử lý rác thải bằng cách đốt trên các cánh đồng nên tạo lượng lớn phát thải ra môi trường, chưa kể đến việc có nguy cơ bị cháy nổ rất cao. Hiện tại, nhiều nhà máy hướng đến việc tiêu thụ lại toàn bộ rác thải ở môi trường bằng kinh tế tuần hoàn, đưa rác thải chế biến tại cánh đồng, tạo thành bột, sau đó đưa vi sinh vào để tái tạo.

Còn đối với các bao bì, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng nguyên liệu làm từ vỏ cây, bã mía, không sử dụng sản phẩm từ túi nilon, xốp. Nhiều sản phẩm bày bán trên hệ thống siêu thị được gói bằng lá chuối, giấy tái, sợi từ lá dứa…

“Đơn vị chúng tôi tập trung vào chiến dịch mang làn đi chợ với người tiêu dùng. Việc mang làn không phải xa lạ, nó đã có từ 30 năm trước đây. Tuy nhiên khi công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển, việc này dường như đã dần bị lãng quên”, bà Hằng chia sẻ và cảm thấy vui mừng khi nhiều doanh nghiệp hướng đến việc xanh hóa nhà máy và xanh hóa kênh phân phối.

Thay đổi tư duy về bảo vệ môi trường

Đề cập đến việc thúc đẩy tiêu dùng xanh trong sản xuất và tiêu dùng bền vững, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, cho biết với tư cách là lãnh đạo của Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, bà có cơ hội đồng hành hơn 80.000 nông dân, doanh nghiệp trong việc hướng dẫn về tiêu dùng xanh, xanh hóa và giảm thải những khí thải không cần thiết ra môi trường.

Trước đây vì chưa có kiến thức, kỹ năng nên người dân chưa biết cách xử lý các chất thải. Sau khi tập huấn cũng như trao đổi, nói chuyện với người dân tại các khu vực, họ cũng đã nắm và biết cách để xử lý đất, nước, rác thải trong nông nghiệp nhằm tái chế lại.

“Chúng tôi hướng đến tổ chức các chương trình tập huấn giúp người dân tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm từ nông dân trên thế giới về nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, tái tạo; hướng đến việc thay đổi tư tưởng, tiềm thức của người dân rằng không xả thải cacbon ra môi trường, trồng nhiều cây xanh, phủ xanh đất trống và không trồng các cây nguy hại ra môi trường”, bà Hằng chia sẻ.

Phó chủ tịch HĐQT Vinanutrifood tin rằng Việt Nam có thể nhận được công nhận tín chỉ carbon trên toàn cầu bởi những nỗ lực đang làm. Với lợi thế về nông nghiệp, phủ xanh rất tốt, chỉ cần có đường hướng, tiêu chuẩn rõ ràng và chương trình tập huấn đưa xuống người dân thì chắc chắn sẽ thay đổi toàn bộ cục diện của sản xuất nông nghiệp.

 Nhiều siêu thị ở Việt Nam đã hạn chế sử dụng vật liệu làm từ nilon gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều siêu thị ở Việt Nam đã hạn chế sử dụng vật liệu làm từ nilon gây ô nhiễm môi trường.

Doanh nghiệp cần làm gì để đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh?

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu từ đơn vị nước ngoài như nhà máy không có khí thải carbon, sử dụng điện năng lượng tái tạo. Khách hàng cũng muốn xem quy trình đó có phải tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường hay không.

Doanh nghiệp bắt đầu xu hướng tiêu dùng xanh hướng tới việc bán những chai có logo, slogan truyền thông về việc này. Hệ thống các cửa hàng, đồ uống ưu tiên sử dụng chai, cặp lồng, bát cá nhân, không còn dùng bát đũa nhựa, xốp.

“Như Vinanutrifood, để trở thành đơn vị dẫn đầu về nhà máy xanh, đạt chuẩn 3 sao, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để giải thích cho khách hàng tiêu chuẩn hữu cơ, kinh tế tuần hoàn ra sao. Bên cạnh đó lãnh đạo và nhân viên công ty luôn tập trung hướng đến mục tiêu phát triển xanh, không xả thải, không carbon để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe”, bà Hằng chia sẻ.

Với đội ngũ nhân sự được đào tạo từ nước ngoài nên doanh nghiệp có những kiến thức về tiêu dùng xanh từ rất sớm. “Tôi là một trong những người đi tỉnh, hướng dẫn cho bà con, các sở nông nghiệp, nông thương, khuyến nông ở các địa phương làm sao có thể đồng hành cùng chính quyền và doanh nghiệp giải quyết câu chuyện NET ZERO hướng đến phát triển bền vững, kinh tế xanh”.

Quan trọng nhất ở mỗi doanh nghiệp là cần có thời gian để học hỏi, có một lộ trình, định hướng rõ ràng. Vì thay đổi cần kinh tế, công nghệ và giáo dục. Bà Hằng hy vọng Bộ TNMT có những chương trình tập huấn, mời các doanh nghiệp đến dự để hiểu thêm về kinh tế xanh, sản xuất xanh ra sao. Đây sẽ là cách giúp các doanh nghiệp không chỉ có thêm hiểu biết mà còn thay đổi tư duy.

Chọn lọc, áp dụng sáng kiến quốc tế về tiêu dùng xanh

Các giải pháp, sáng kiến tiêu dùng xanh từ quốc tế cũng được các chuyên gia, khách mời chia sẻ tại tọa đàm. Theo PGS.TS Bùi Thị An, nước ta có đặc thù riêng nên phải học những thứ thích hợp, không nên bê nguyên vào. Ở các nước Châu Âu đã duy trì rất lâu việc phân loại rác. Nhưng tại Việt Nam, điều kiện kinh tế, thói quen hằng ngày đang gây cản trở rất nhiều.

Ở nước ngoài, họ được giáo dục vấn đề bảo vệ môi trường, không xả rác thải bừa bãi ngay từ khi còn nhỏ nên đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, nên họ luôn ý thức được việc đó.

Ngoài giáo dục ra, các thể chế, quy định của họ luôn minh bạch, nếu không làm tốt sẽ bị xử lý công khai và ngược lại. Vì vậy, đây là những điều ta nên học đầu tiên, còn những kinh nghiệm, bài học khác sẽ cần quá trình để tiếp thu, thực hiện.

Còn bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho rằng cần có mốc thời gian cụ thể cho từng mục tiêu thì việc thực hiện mới nhanh chóng và đồng bộ. Hiện tại thương mại điện tử rất phát triển, nhiều hàng hóa độc hại, không đảm bảo chất lượng, gây ô nhiễm cho môi trường đang du nhập vào Việt Nam rất nhiều. Lực lượng hải quan, thị trường rất khó trong việc kiểm soát. Người Việt Nam hiện nay cũng không mua hàng Việt nhiều mà mua các sản phẩm hàng xuyên biên giới bởi giá cả rất cạnh tranh.

Theo bà Hằng, cần phải có chế tài rõ ràng để tất cả mọi người bao gồm doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cấp quản lý cùng hiểu thực hiện theo. Quan trọng nhất chúng ta phải có những bộ nguyên tắc và tài liệu giáo dục chuẩn để phổ cập đến toàn dân.

Nói thêm về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An cho biết cần coi sự kết hợp giữa các bộ để quản lý. Nếu như hàng nhập lậu vào Việt Nam sẽ rất gay go, đặc biệt là thực phẩm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Theo bà An, Bộ TNMT, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNN và các đơn vị liên quan phải chung tay rà soát, kiểm tra để có thể ngăn chặn những hành vi xấu, sớm đưa tiêu dùng xanh phổ biến toàn dân.

Nhóm phóng viên

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/toa-dam-xu-huong-tieu-dung-xanh-loi-song-ben-vung-post180048.html
Zalo