Tọa đàm 'Nhà báo - Vinh quang và trách nhiệm': Tiếp bước truyền thống vẻ vang, giáo dục niềm tự hào, lòng yêu nghề đối với đội ngũ người làm báo
Chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2025), được sự nhất trí của UBND tỉnh Thái Nguyên và Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND), sáng 24-4, tại Di tích quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Liên chi hội (LCH) Nhà báo Báo QĐND phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên tổ chức Tọa đàm với chủ đề 'Nhà báo - Vinh quang và trách nhiệm'.
Tọa đàm nhằm góp phần ôn lại truyền thống vẻ vang, làm rõ những cống hiến to lớn, khẳng định sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời bồi dưỡng, giáo dục niềm tự hào, lòng yêu nghề đối với đội ngũ những người làm báo hiện nay.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Ủy viên Đảng ủy Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND cùng các đại biểu dự tọa đàm.
Tới dự có các đồng chí: Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Ủy viên Đảng ủy Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND; Đại tá Nông Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 1; Trần Văn Thép, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ tỉnh Thái Nguyên; Chu Thế Hà, Phó tổng biên tập Báo Thái Nguyên; Nguyễn Hải Nam, Phó chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên; Đỗ Văn Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Từ (Thái Nguyên)…

Các đại biểu tham dự tọa đàm.
Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên; Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập, Chủ tịch LCH Nhà báo Báo QĐND đồng chủ trì Tọa đàm.

Đại tá Lê Ngọc Long đại diện Báo QĐND trao tặng 33 số báo QĐND đặc biệt xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ tới đại diện UBND xã Tân Thái-đơn vị quản lý Di tích Lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân và Nhà báo Vũ Thị Hà, Trưởng Ban công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam tham dự buổi tọa đàm.
Trước khi diễn ra Tọa đàm, đoàn đại biểu cán bộ, phóng biên, biên tập viên Báo QĐND, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, Cục Chính trị Quân khu 1, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, cấp ủy chính quyền huyện Đại Từ đã tổ chức dâng hương tri ân sâu sắc đến công lao của các thế hệ nhà báo lão thành, lớp nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, giáo dục, đào tạo và trưởng thành từ Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Các đại biểu tham quan Nhà trưng bày báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946 – 1954 nằm trong khuôn viên Khu di tích quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Trước anh linh các nhà báo lão thành, các đại biểu, cán bộ, phóng viên, hội viên nguyện mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của các thế hệ nhà báo cách mạng, ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xây dựng một nước Việt Nam hùng cường vững bước tiến vào kỷ nguyên thịnh vượng, phát triển của dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu dâng hương tri ân tại Khu di tích quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập, Chủ tịch LCH Nhà báo Báo QĐND nhấn mạnh, trong hành trình 100 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh cả về quy mô, tổ chức, lực lượng và công nghệ làm báo, có nhiều đóng góp to lớn và cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập, Chủ tịch LCH Nhà báo Báo QĐND phát biểu đề dẫn Tọa đàm.
Để góp phần thực hiện tốt chủ đề tọa đàm đề ra, Đại tá Lê Ngọc Long đề nghị các ý kiến phát biểu, trao đổi, tham luận tập trung vào một số vấn đề:
Một là: Làm rõ lịch sử ra đời báo chí cách mạng Việt Nam; những nét tiêu biểu của truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam; trong đó nhấn mạnh tính Đảng là một đặc trưng cơ bản, cốt lõi của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Hai là: Phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng, cơ quan báo chí, hội nhà báo cần thực hiện những nội dung-giải pháp gì trong việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà báo, góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại?
Ba là: Mỗi hội viên nhà báo cần làm gì góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo có văn hóa; chủ động nỗ lực học tập, làm chủ công nghệ, thích ứng xu thế làm báo trong thời đại “4.0”; tích cực dấn thân, thi đua lao động sáng tạo để có những tác phẩm báo chí chất lượng cao?
Bốn là: Kế thừa, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, “Thủ đô gió ngàn”, “cái nôi” sinh thành Hội Nhà báo Việt Nam, phát huy vai trò của Hội Nhà báo Thái Nguyên trong việc tập hợp, đoàn kết, động viên người làm báo phát huy năng lực sáng tạo, vì lợi ích nhân dân và đất nước.

Ban tổ chức tọa đàm chụp ảnh chung cùng các đại biểu khách mời.
Trình bày tham luận “Thái Nguyên-tổ chức Hội nhà báo luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tập hợp, đoàn kết, động viên người làm báo phát huy năng lực sáng tạo, vì sự phát triển”, nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cho biết, là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Hội Nhà báo Thái Nguyên đã thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết hội viên. Hiện nay, Hội có hơn 300 hội viên sinh hoạt tại 5 Chi hội trực thuộc, với đa dạng các loại hình báo chí. Qua các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ, các hội thảo, tọa đàm và các giải báo chí, Hội đã tạo điều kiện để đội ngũ nhà báo giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Đặc biệt, Giải Báo chí tỉnh Thái Nguyên năm 2024 thu hút gần 200 tác phẩm dự thi, phản ánh sự quan tâm và sáng tạo của đội ngũ những người làm báo.

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên.
Trong 5 năm qua, Báo Thái Nguyên đã xuất bản hơn 10.000 số báo in, phát triển mạnh mẽ báo điện tử với lượng truy cập hàng ngày đạt hàng trăm nghìn lượt. Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên đã sản xuất hơn 50.000 chương trình phát thanh và truyền hình, mở rộng phủ sóng đến nhiều khu vực trong và ngoài tỉnh; Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên đã trở thành kênh thông tin chính thống quan trọng, cung cấp hàng chục nghìn tin, bài phục vụ nhu cầu thông tin của người dân và doanh nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số, báo chí Thái Nguyên cần tiếp tục đổi mới, bám sát xu thế báo chí hiện đại, trong đó tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của báo chí hiện đại. Mở rộng các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại, đáp ứng yêu cầu mới của nghề báo. Hằng năm, tổ chức ít nhất 3-5 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, mời các chuyên gia đầu ngành tham gia giảng dạy...
Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời với dấu mốc lịch sử là tờ Thanh Niên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu ngày 21-6-1925, đã để lại một dấu ấn khó phai trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng biên tập Văn hóa-Thể thao, Phó chủ tịch LCH Nhà báo Báo QĐND.
Trong quá trình lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, Chủ tịch Hồ chí Minh và Đảng ta luôn xác định báo chí như một vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước và là diễn đàn rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Theo Đại tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng biên tập Văn hóa-Thể thao, Phó chủ tịch LCH Nhà báo Báo QĐND: Gắn bó, đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc suốt 100 năm qua, báo chí cách mạng đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận thành tích đó, Đảng, Nhà nước đã trao tặng lực lượng báo chí cách mạng và Hội Nhà báo Việt Nam Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng. "Có thể khẳng định rằng, máu đào của hơn 500 nhà báo liệt sĩ đã tô thắm truyền thống rực rỡ của nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là dấu ấn đặc biệt làm nên vẻ đẹp bất tử của nền báo chí Việt Nam. Trên thế giới không có quốc gia nào có nhiều người làm báo lại hy sinh tính mạng của mình tại chiến trường nhiều đến vậy, kể cả những quốc gia đông dân nhất thế giới tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai", Đại tá Nguyễn Văn Hải bày tỏ.

Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập Báo QĐND, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo QĐND và Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì tọa đàm.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Hải, truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam hội tụ ở 4 nét tiêu biểu cơ bản. Đó là: Vững vàng về bản lĩnh chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, gắn bó, đồng hành và phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đội ngũ nhà báo cách mạng luôn dấn thân và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tự nguyện đi theo lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; đội ngũ những người làm báo cách mạng đã làm tròn vai trò là chiến sĩ tiên phong, mũi nhọn trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng; báo chí cách mạng Việt Nam tiên phong đổi mới, sáng tạo, chủ động hội nhập quốc tế và giữ gìn bản sắc dân tộc.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Nhà báo-Vinh quang và trách nhiệm”
Với tham luận “Xây dựng đội ngũ người làm báo trong sự nghiệp xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”, nhà báo Chu Thế Hà, Phó tổng biên tập Báo Thái Nguyên, Thư ký Chi hội nhà báo Báo Thái Nguyên cho rằng, mỗi nhà báo, trước hết là một công dân, là một thành viên trong xã hội nên phải có nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật; tuân thủ quy ước về đạo đức nghề nghiệp. Trong quá trình tác nghiệp, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Thái Nguyên đã quán triệt cán bộ, phóng viên thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đúng đối tượng phục vụ; thông tin đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng thực tế trên tinh thần xây dựng, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”; tăng cường đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống.

Nhà báo Chu Thế Hà, Phó tổng biên tập Báo Thái Nguyên, Thư ký Chi hội nhà báo Báo Thái Nguyên.
“Với tiêu chí phóng viên, biên tập viên, những người làm báo tại Báo Thái Nguyên đang nỗ lực thực hiện tiêu chí giỏi một việc, biết nhiều việc tiến tới thành thạo nhiều việc. Đến nay, nhiều nhà báo của Chi hội Báo Thái Nguyên có thể tự mình làm tốt nhiều việc trong quy trình sản xuất một tác phẩm báo chí hoàn thiện, từ thực tế thu thập thông tin, quay phim, chụp ảnh đến viết lời (kịch bản phóng sự truyền hình), dựng hình, trình bày đồ họa và cả dẫn hình tại trường quay. Cơ quan đang từng bước xây dựng tòa soạn hội tụ, phát triển và vận hành hoạt động theo hướng hiện đại; đẩy mạnh phát triển báo điện tử với nhiều tác phẩm báo chí đa phương tiện và tăng cường chia sẻ thông tin trên các kênh mạng xã hội để thu hút, hấp dẫn nhiều hơn đối với đông đảo độc giả”, nhà báo Chu Thế Hà chia sẻ.