Tọa đàm 'Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng'
Ngày 26/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Tọa đàm 'Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng'.
Đây là nội dung thuộc Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” (Theo Quyết định 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021, hay còn gọi là Đề án 553) thực hiện năm 2024.
Tham gia tọa đàm có 100 đại biểu đến từ các trạm khuyến nông, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị trấn và nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Biến đổi khí hậu là thách thức đối với cuộc sống của con người và môi trường, không chỉ tác động riêng tới một quốc gia, một khu vực mà tác động đến toàn cầu. Biến đổi khí hậu gây ra các loại hình thiên tai mang tính cực đoan, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của con người và sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta rất nghiêm trọng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, thiên tai làm hơn 80.630 ha lúa, hoa màu, cây trồng thiệt hại; hơn 59.200 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 2.280 ha nuôi trồng thủy sản thiệt hại.
Lào Cai là tỉnh miền núi phía Tây Bắc thường xuyên chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở, rét hại, băng tuyết, sương muối, sét đánh, dông lốc, mưa đá, hạn hán... Từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, cực đoan, khó lường, gia tăng cả về số lượng và mức độ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhân dân.
Do tình hình thiên tai ngày càng cực đoan cùng với điều kiện chia cắt về mặt địa lý cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai luôn xác định công tác chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, nâng cao năng lực cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng và cấp thiết. Trung tâm đã thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật tùy theo từng vùng, thế mạnh của mỗi địa phương để xây dựng các chương trình, dự án phù hợp như: Chủ động bố trí cơ cấu sản xuất tránh thiên tai; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ; áp dụng tiến bộ giống cây trồng, vật nuôi… xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục sau thiên tai trong sản xuất nông nghiệp nhằm giúp nông dân vùng bị ảnh hưởng có các giải pháp phát triển sinh kế phù hợp, bền vững và hiệu quả.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận: Tổng quan tình hình thiên tai năm 2024, dự báo diễn biến thiên tai trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Lào Cai; ảnh hưởng của các loại hình thiên tai tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, định hướng và giải pháp tại tỉnh Lào Cai; một số giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra đến sản xuất nông nghiệp khu vực miền núi phía Bắc...
Ngoài ra, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, phát triển các mô hình sinh kế bền vững cho người dân để ứng phó với biến đổi khí hậu; chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện thiên tai. Từ đó đưa ra các giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững, có hiệu quả.