Tọa đàm chương trình học bổng tại Ấn Độ dành cho cán bộ, học viên CAND

Tọa đàm nhằm cung cấp thông tin về chương trình học bổng của Chính phủ Ấn Độ dành cho cán bộ, giảng viên và học viên trong CAND, đồng thời tiếp tục mở ra cơ hội hợp tác về lĩnh vực an ninh mạng và công nghệ thông tin (CNTT) giữa Chính phủ Ấn Độ và Bộ Công an.

Chiều 28/2, Học viện An ninh đã phối hợp với Cục Đào tạo, Cục Đối ngoại tổ chức Tọa đàm “Tư vấn du học Ấn Độ năm 2025”.

Tham dự tọa đàm có bà Deepa S., Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công an, Học viện ANND cùng đông đảo các cán bộ, giảng viên, học viên quan tâm đến chương trình.

Đại tá, TS Nguyễn Văn Thiết, Phó Giám đốc Học viện ANND phát biểu tại tọa đàm.

Đại tá, TS Nguyễn Văn Thiết, Phó Giám đốc Học viện ANND phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Đại tá, TS. Nguyễn Văn Thiết, Phó Giám đốc Học viện ANND nhấn mạnh: Trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ, công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò cốt lõi trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia (ANQG). Vì vậy, việc nâng cao năng lực chuyên môn về an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao thông qua hợp tác giáo dục với các nước tiên tiến, đặc biệt với Ấn Độ, đây là một bước đi quan trọng và đánh dấu nỗ lực của lực lượng CAND trong kỷ nguyên vươn mình.

Ấn Độ hiện là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực CNTT với các tập đoàn lớn như Infosys, TCS, Wipro cùng hệ thống các trường đại học danh tiếng như Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), Đại học Khoa học Ấn Độ (IISc), Đại học Delhi, Đại học Hyderabad. Chính Phủ Ấn Độ đã và đang cung cấp nhiều suất học bổng cho Việt Nam trong lĩnh vực an ninh mạng và CNTT.

Bà Deepa S., Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Bà Deepa S., Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Năm 2025, Bộ Công an Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ trong việc cung cấp các suất học bổng ngắn hạn và dài hạn về CNTT, an ninh mạng, phân tích dữ liệu và điều tra tội phạm mạng. Đây không chỉ là cơ hội học tập mà còn là hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng trong việc nâng cao năng lực bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH trên không gian mạng. Bộ Công an luôn trân trọng, biết ơn sự hỗ trợ của Chính phủ và Đại sứ quán Ấn Độ, đồng thời khuyến khích cán bộ, giảng viên, học viên các trường CAND tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển bản thân và đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ ANQG.

Học viên đặt nhiều câu hỏi về các chương trình học bổng của Chính phủ Ấn Độ.

Học viên đặt nhiều câu hỏi về các chương trình học bổng của Chính phủ Ấn Độ.

Tại tọa đàm, đại diện Cục Đối ngoại, Cục Đào tạo, Học viện ANND và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin về quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đặc điểm đất nước, con người, văn hóa và môi trường học tập tại Ấn Độ; những cơ hội và thách thức khi tham gia các chương trình học bổng của Ấn Độ như học bổng ICCR, học bổng ITECH do Chính phủ Ấn Độ dành cho Bộ Công an để các cán bộ, giáo viên và học viên quan tâm nắm bắt được những thông tin hữu ích. Đồng thời, tọa đàm cũng giải đáp nhiều thắc mắc của các cán bộ, giảng viên và học viên quan tâm đến chương trình về các vấn đề liên quan.

Đại tá Đào Ngọc Kiên, Trưởng phòng 2, Cục Đối ngoại cho biết: Với nguồn nhân lực CNTT dồi dào và chất lượng cao, Ấn Độ đã và đang cung cấp cho thế giới vô số chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI, an ninh mạng, dữ liệu lớn, điện toán đám mây. Bên cạnh đó, thời gian qua, Ấn Độ và Việt Nam đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục đào tạo.

Hiện Ấn Độ có hơn 1.000 trường đại học, trong đó có rất nhiều trường có thế mạnh về CNTT và an ninh mạng, lĩnh vực mà Bộ Công an đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Ấn Độ cũng là quốc gia luôn ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia. Do đó, từ nhiều năm nay, Ấn Độ luôn được xem là môi trường phù hợp để Bộ Công an gửi cán bộ, học viên đi đào tạo, nhất là các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia và Bộ Công an luôn tạo điều kiện tối đa cho cán bộ, học viên du học tại Ấn Độ nếu đủ điều kiện.

Thượng tá Nguyễn Thị Việt Hà, Phó trưởng Phòng 4, Cục Đào tạo trả lời nhiều câu hỏi của học viên tại tọa đàm.

Thượng tá Nguyễn Thị Việt Hà, Phó trưởng Phòng 4, Cục Đào tạo trả lời nhiều câu hỏi của học viên tại tọa đàm.

Thượng tá Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Trưởng phòng 4, Cục Đào tạo cũng khẳng định: Việc tổ chức tọa đàm là hoạt động cần thiết nhằm kết nối giữa cơ quan cấp học bổng, các đơn vị chức năng của Bộ Công an và người học, phù hợp với chủ trương đào tạo của ngành Công an hiện nay. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Bộ Công an vừa tiếp nhận nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn thông tin mạng từ Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời cũng là một trong những bộ ngành chủ trì nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia…

Xác định chuẩn bị nguồn nhân lực về CNTT là một yêu cầu cấp bách, Bộ Công an đã luôn quan tâm, chú trọng việc cử cán bộ, học viên đi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, trong đó Ấn Độ là quốc gia có thế mạnh về lĩnh vực CNTT và an ninh mạng, đồng thời cũng là quốc gia đáng tin cậy về mặt chính trị. Ngoài ra, thời gian đào tạo đại học tại Ấn Độ cũng thường ngắn so với các quốc gia khác, chỉ từ 3-4 năm; khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng không quá xa.

Về chế độ chính sách đối với cán bộ, học viên đi học nước ngoài, Bộ Công an rất quan tâm trong việc phân công công tác sau khi về nước như ưu tiên tuyển chọn, tuyển dụng cán bộ về làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và Công an các địa phương...

Huyền Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/toa-dam-chuong-trinh-hoc-bong-tai-an-do-danh-cho-can-bo-hoc-vien-cand-i763388/
Zalo