Tòa án Tối cao Mỹ giữ nguyên lệnh cấm, Tổng thống đắc cử Donald Trump hứa hẹn sẽ cứu TikTok
Tòa án Tối cao Mỹ chính thức ra quyết định ủng hộ luật cấm TikTok vì lý do an ninh quốc gia, đẩy ứng dụng video ngắn với 170 triệu người dùng tại Mỹ vào tình thế nguy nan...
Vào cuối ngày 17/1, Tòa án Tối cao Mỹ đã quyết định giữ nguyên luật cấm TikTok hoạt động tại Mỹ nếu công ty mẹ Trung Quốc ByteDance không bán lại ứng dụng này cho bên thứ ba. Động thái này đặt TikTok – ứng dụng video ngắn phổ biến – trước nguy cơ bị ngừng hoạt động vào ngày 19/1.
Luật cấm TikTok đã được Quốc hội Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo từ lưỡng đảng vào năm ngoái và được Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà lập pháp, dù từng ủng hộ luật cấm, nay lại muốn TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ.
Việc TikTok thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc từ lâu đã làm dấy lên nhiều lo ngại từ các nhà chức trách Mỹ. Cuộc tranh cãi về TikTok cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
TikTok, ByteDance và một số người dùng ứng dụng đã đệ đơn kiện điều luật, nhưng Tòa án Tối cao tuyên bố rằng nó không vi phạm Tu chính án Thứ nhất của Hiến pháp Mỹ về quyền tự do ngôn luận.
Trên thực tế, việc ngừng hoạt động của TikTok có thể chỉ là tạm thời. Tổng thống Mỹ đắc cử Trump mới đây đã cho biết ông dự định sẽ hành động để cứu ứng dụng này. "Quyết định về TikTok của tôi sẽ được đưa ra trong tương lai không xa, nhưng tôi cần thời gian để xem xét tình hình. Các bạn hãy cùng chờ xem!", ông Trump chia sẻ trên mạng xã hội.
Theo một số báo cáo truyền thông, Tổng thống đắc của Donald Trump đang cân nhắc việc ban hành một sắc lệnh hành pháp để tạm hoãn thực thi luật cấm TikTok trong 60 đến 90 ngày. Ông Trump cũng tiết lộ rằng ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về các vấn đề, bao gồm cả TikTok, trong một cuộc điện đàm gần đây.
CEO TikTok Shou Zi Chew đã gửi lời cảm ơn tới Tổng thống đắc cử vì đã sẵn lòng hợp tác với công ty để tìm giải pháp giúp ứng dụng này tiếp tục hoạt động tại Mỹ. Vị “tổng tài” 40 tuổi này dự kiến sẽ tham dự lễ nhậm chức của ông Donald Trump vào ngày 20/1 cùng nhiều CEO danh tiếng khác.
Trước đó, chính quyền Joe Biden đã nhấn mạnh rằng TikTok có thể tiếp tục hoạt động như hiện tại nếu thoát khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc. Nhưng ByteDance hầu như chưa đưa ra bất kỳ tín hiệu nào cho thấy khả năng bán TikTok trước hạn chót.
Nhà Trắng hôm thứ Sáu tuyên bố Tổng thống Biden sẽ không can thiệp để cứu TikTok, cũng như không kích hoạt thêm thời hạn gia hạn 90 ngày. Họ nhấn mạnh rằng quyết định cuối cùng sẽ thuộc về tổng thống tiếp theo.
Hiện chưa rõ liệu các đối tác kinh doanh của TikTok, bao gồm Apple, Google và Oracle, có còn tiếp tục đồng hành với ứng dụng hay không. Google từ chối bình luận, trong khi Apple và Oracle không có phản hồi.
Một người mua tiềm năng vẫn có thể xuất hiện, hoặc ông Trump có thể viện dẫn Đạo luật Quyền Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, tuyên bố rằng việc giữ TikTok mang lại lợi ích cho an ninh quốc gia.
Hiện tại, người mua đáng chú ý nhất là doanh nhân Frank McCourt, cựu chủ sở hữu đội bóng chày Los Angeles Dodgers, người tin rằng TikTok có giá trị khoảng 20 tỷ USD nếu không tính tới thuật toán của nó.
"Bắc Kinh cần TikTok hơn là Washington. Với đòn bẩy đó, ông Trump có cơ hội tốt hơn để đạt được điều mình muốn: TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ mà không gây ra mối đe dọa nào về an ninh quốc gia”, ông Michael Sobolik, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại Viện Hudson nhận định.
TikTok đã trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội nổi bật nhất tại Mỹ, đặc biệt phổ biến trong giới trẻ, với nhiều người sử dụng nó phát triển kinh doanh và gây dựng sự nghiệp. Hàng triệu người dùng Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng khi lệnh cấm thực sự xảy ra.