Tòa án khu vực, Viện kiểm sát khu vực phụ trách bao nhiêu xã?
Đây là vấn đề được ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đặt ra khi thảo luận về 2 dự luật sửa đổi Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND.
Chiều ngày 8-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND.
Góp ý tại tổ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới bày tỏ sự băn khoăn về việc thành lập Tòa án khu vực và Viện kiểm sát khu vực. Theo ông nội dung này cũng có phần liên quan đến cơ quan điều tra quy định trong Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
“Phải trùng nhau, khu vực là bao nhiêu xã. Việc xác định khu vực của Tòa án, của Viện kiểm sát với điều tra là phải thống nhất, không thống nhất là không được. Mà ai là người quyết định khu vực cái này, tiêu chí của khu vực này ai đặt ra”, ông Tới nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội cũng dẫn chứng thời gian qua (trước khi có nghị quyết của Trung ương về sáp nhập các tỉnh), thì các ngành (thuế, ngành ngân hàng, ngành hải quan) đã thực hiện việc sắp xếp trước.
Việc các ngành sắp xếp trước các tỉnh và không thống nhất với nhau theo ông đã gây ra sự lãng phí rất lớn.
“Tôi nói ví dụ như là ghép Vũng Tàu, Đồng Nai, thử làm một Chi cục thuế. Bây giờ nghị quyết của Trung ương như thế thì bây giờ phải chuyển đổi mã này là lãng phí rất lớn”, ông Tới nói.
Theo đó, ông Tới đề nghị trước khi thông qua hai luật này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để phải thống nhất về khu vực.
“Tiêu chí phải thống nhất, đi liền với nhau. Kèm theo đó là Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng phải thống nhất về khu vực, có tiêu chí cụ thể thì sẽ đỡ tốn kém hơn, hiệu quả cao hơn”, ông Tới đề nghị.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ.
Nêu ý kiến về 2 dự án luật trên, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ bày tỏ đồng tình với sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh và hồ sơ dự án luật.
"VKSND là một trong những cơ quan tiến hành tố tụng, có chức năng thực hành công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Do đó, việc thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của VKSND sẽ có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến nhiều cơ quan, đặc biệt là Cơ quan điều tra; Tòa án; Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam; Cơ quan thi hành án hình sự...", Thứ trưởng nhận định.
Chính vì vậy, theo ông việc nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong dự án luật cũng cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các dự án luật khác đang trong quá trình được Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua như : Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND...
Tương tự, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND cũng phải đảm bảo tính thống nhất với các dự án luật có liên quan, làm sao không bị trùng lắp, chồng chéo.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng thông tin thêm, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), dự thảo luật lần này cũng đã đề cập tới đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đặc xá năm 2018. Qua rà soát, trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TAND cũng đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá.
"Do đó, để đảm bảo tính thống nhất về nội dung của Luật Đặc xá, tôi đề nghị đưa các nội dung sửa đổi Luật đặc xá năm 2018 trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức TAND sang Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi).
Các cơ quan của Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TAND để tham mưu sửa đổi những vấn đề có liên quan đến Luật Đặc xá khi có yêu cầu", ông Tỏ nêu.