Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết phế truất Thủ tướng Srettha Thavisin

Ngày 14/8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin với cáo buộc ông vi phạm Hiến pháp liên quan tới các tiêu chuẩn đạo đức và liêm chính khi bổ nhiệm nhân sự nội các đối với một cựu luật sư.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin phát biểu với giới truyền thông khi ông đến Tòa nhà Chính phủ tại Bangkok, Thái Lan ngày 14/8/2024. Ảnh: Lillian Suwanrumpha/AFP/Getty

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin phát biểu với giới truyền thông khi ông đến Tòa nhà Chính phủ tại Bangkok, Thái Lan ngày 14/8/2024. Ảnh: Lillian Suwanrumpha/AFP/Getty

Theo hãng tin CNN, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 14/8 ra phán quyết rằng ông Srettha Thavisin đã vi phạm các quy tắc đạo đức khi bổ nhiệm một luật sư từng ngồi tù vào nội các. Có tổng cộng 5 trong số 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã bỏ phiếu phê chuẩn quyết định bãi nhiệm ông Srettha Thavisin và nội các của ông.

Tuyên bố từ tòa án nhấn mạnh rằng ông Srettha Thavisin “nhận thức rõ rằng bản thân đã bổ nhiệm một người thiếu liêm chính nghiêm trọng về mặt đạo đức”. Sự kiện trên đã biến ông trở thành Thủ tướng Thái Lan thứ tư trong vòng 16 năm qua bị phế truất bởi phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan.

Trước đó hồi tháng 5/2024, 40 thượng nghị sĩ đã đệ đơn kiến nghị Tòa án Hiến pháp Thái Lan cách chức ông Srettha Thavisin, với cáo buộc rằng nhà lãnh đạo này vi phạm Mục 170 khoản 4 và 5 của Hiến pháp Thái Lan, liên quan đến các tiêu chuẩn đạo đức và liêm chính khi bổ nhiệm nhân sự nội các. Cụ thể trong đợt cải tổ nội các gần đây, Thủ tướng Srettha Thavisin đã bổ nhiệm cựu luật sư Pichit Chuenban làm Chánh Văn phòng Thủ tướng.

Ông Pichit được coi là có mối quan hệ thân cận với gia đình hai cựu thủ tướng Thái Lan là Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra. Ông từng là luật sư đại diện cho anh em nhà Shinawatra trong nhiều vụ án lớn chống lại hai chính trị gia này. Vào năm 2008, ông Pichit Chuenban cùng hai đồng nghiệp đã bị kết án 6 tháng tù sau khi bị cáo buộc tìm cách hối lộ các quan chức Tòa án Tối cao bằng cách đưa cho họ một hộp đựng cơm trưa bên trong có chứa 2 triệu Bath (54.521 USD). Ông Pichit cũng bị đình chỉ giấy phép hành nghề luật sư trong 5 năm.

Với quyết định trên của Tòa án Hiến pháp, một chính phủ mới cần phải được thành lập tại Thái Lan để thay thế và liên minh cầm quyền do đảng Pheu Thai lãnh đạo sẽ cần đề cử một ứng viên mới cho chức thủ tướng thay cho ông Srettha Thavisin. Sau đó 500 thành viên của Quốc hội Thái Lan sẽ tiến hành bỏ phiếu cho ứng cử viên thủ tướng này. Trước mắt, Phó thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai dự kiến sẽ đảm nhận chức Thủ tướng tạm thời của nước này.

Một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Thủ tướng Thái Lan đang được các chuyên gia dự đoán là lãnh đạo đảng Pheu Thai và đồng thời là con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, bà Paetongtarn Shinawatra. Nếu thành công, bà sẽ trở thành thủ tướng thứ 3 trong gia tộc Shinawatra của Thái Lan sau ông Thaksin và dì của bà là bà Yingluck Shinawatra.

Những ứng viên thủ tướng nổi bật khác bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Anutin Charnvirakul, Bộ trưởng Năng lượng Pirapan Salirathavibhaga và ông Prawit Wongsuwan, một cựu tư lệnh quân đội có ảnh hưởng lớn.

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan được đưa ra một tuần sau khi cơ quan này đưa ra phán quyết giải tán đảng đối lập Move Forward (MFP - Tiến lên) vì chiến dịch tranh cử của đảng này liên tục đề xuất sửa đổi luật khi quân. Trong phán quyết được công bố vào 15h chiều 7/8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho biết đảng Move Forward đã gây ra mối đe dọa đối với chế độ quân chủ lập hiến và an ninh quốc gia bằng cách liên tục và nghiêm túc vận động sửa đổi Điều 112 của Bộ luật Hình sự, tức luật khi quân.

Theo Tòa án Hiến pháp, những hành động này làm giảm giá trị của thể chế hoàng gia, thể hiện ý định lợi dụng thể chế hoàng gia để đạt được lợi ích chính trị trong cuộc tổng tuyển cử, làm tổn hại đến niềm tin của người dân vào thể chế và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Ngoài việc ra lệnh giải thể đảng Move Forward, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng cấm 11 người đứng đầu đảng giữ chức vụ từ ngày 25/3/2021 đến ngày 31/1/2024 tham gia tranh cử, thành lập đảng chính trị mới hoặc tham gia thành lập đảng mới trong 10 năm sau phán quyết giải thể. Phán quyết có hiệu lực ngay lập tức.

Trong số những người bị cấm tham gia chính trường có ông Pita Limjaroenrat - cựu lãnh đạo và cố vấn đảng Move Forward, ứng cử viên thủ tướng trong cuộc bầu cử năm 2023 và lãnh đạo đảng Chaithawat Tulathon.

Phán quyết cũng được đưa ra vào thời điểm nền kinh tế Thái Lan trì trệ khi xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng yếu, nợ hộ gia đình cao và hơn một triệu doanh nghiệp nhỏ không thể tiếp cận các khoản vay. Trong năm 2024, chính phủ nước này ước tính tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,7%, thấp hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tòa án Hiến pháp Thái Lan là một tòa án độc lập được thành lập theo Hiến pháp năm 1997 với thẩm quyền xét xử tính hợp hiến của đạo luật, sắc lệnh hoàng gia, dự thảo luật cũng như việc bổ nhiệm và bãi nhiệm các quan chức nhà nước và các vấn đề liên quan đến các đảng phái chính trị.

Các quyết định của tòa án là quyết định cuối cùng và không bị kháng cáo. Các quyết định của cơ quan này ràng buộc mọi cơ quan nhà nước, bao gồm Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng và các tòa án khác.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/toa-an-hien-phap-thai-lan-ra-phan-quyet-phe-truat-thu-tuong-srettha-thavisin-32402.html
Zalo