Tổ hợp y tế Phương Đông và Intracom Group 'quên' đóng bảo hiểm xã hội
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 3/2025, Tổ hợp y tế Phương Đông và Intracom Group đều chậm trễ trong việc đóng bảo hiểm xã hội...

Bệnh viện Đa khoa Phương Đông của Tổ hợp y tế Phương Đông
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, Viện dưỡng lão Phương Đông Asahi - Chi nhánh Công ty TNHH tổ hợp y tế Phương Đông chậm đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác số tiền 121 triệu đồng, thời hạn chậm đóng là 1,01 tháng.
Còn Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom Group) - cổ đông chính của Tổ hợp y tế Phương Đông cũng chậm đóng hơn 1 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác, số tháng chậm đóng là 3,41 tháng.
Cả hai đều có liên hệ mật thiết với ông Nguyễn Thanh Việt, còn được biết đến với tên gọi quen thuộc "Shark Việt" trong chương trình “Thương vụ bạc tỷ”. Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Việt là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Intracom Group và cũng là Chủ tịch nhánh Công ty TNHH tổ hợp y tế Phương Đông.
Công ty TNHH tổ hợp y tế Phương Đông có vốn điều lệ gần 1.137 tỷ đồng, trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông nắm đến 90% cổ phần; 10% còn lại là vốn nước ngoài.
Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông thành lập ngày 21/12/2002 với 100% vốn nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng bất động sản, năng lượng sạch, vật liệu xây dựng, thi công xây lắp và lĩnh vực y dược.
Năm 2006, Công ty tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp tạo bước chuyển mình phù hợp với cơ chế thị trường. Hiện nay, Intracom Group đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, với hơn 30 công ty thành viên, hàng ngàn nhân viên và hàng trăm dự án đầu tư ở nhiều lĩnh vực, mở rộng chi nhánh sang Singapore và Nhật Bản.
Về Viện dưỡng lão Phương Đông Asahi dự án được khởi công vào tháng 7/2022. Viện dưỡng lão được đầu tư với mức vốn gần 800 tỷ đồng, quy mô là khoảng 7.000m2, thiết kế theo phong cách hiện đại, nằm trong khuôn viên 10ha của Tổ hợp y tế Phương Đông.
Ngoài viện dưỡng lão, tổ hợp còn có Bệnh viện Đa khoa Phương Đông; Trung tâm Công nghệ cao Phương Đông quy mô 31.000m2, dự kiến hoạt động vào quý 1/2026; Đại học Y Phương Đông; khách sạn Phương Đông dự kiến hoạt động vào năm 2027.
Trên thực tế, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác không chỉ ảnh hưởng đến việc xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm của người lao động, mà người lao động còn không được giải quyết kịp thời các chế độ như thai sản, ốm đau…
Tại khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị pháp luật đặc biệt nghiêm cấm. Đơn vị đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chậm quá thời hạn theo quy định từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm chưa đóng
Bên cạnh việc phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng doanh nghiệp còn có thể bị phạt tài chính nếu chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.
Còn nếu người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt gấp đôi từ 24% - 30% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 150 triệu đồng.