Tổ hợp báo chí-truyền thông chủ lực đa phương tiện: Động lực đổi mới trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã đưa ra đề xuất về mô hình 'tổ hợp báo chí-truyền thông chủ lực đa phương tiện' với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực, có khả năng sản xuất nội dung trên nhiều nền tảng, đa phương thức, thực hiện hiệu quả vai trò định hướng thông tin và phục vụ lợi ích công chúng.

Hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Trước sự thay đổi nhanh chóng của truyền thông toàn cầu, báo chí Việt Nam cần tiến hành tái cấu trúc để thích ứng với môi trường số. Khái niệm mô hình Tổ hợp báo chí-truyền thông chủ lực đa phương tiện không chỉ là sự mở rộng về quy mô tổ chức mà còn là sự nâng cấp về năng lực làm báo trong thời đại mới. Các tổ hợp này đóng vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái truyền thông, dẫn dắt dư luận xã hội, cung cấp thông tin chính thống, phản bác thông tin sai lệch, góp phần giữ vững ổn định chính trị và tăng cường niềm tin của công chúng vào báo chí cách mạng.

Đáp ứng yêu cầu của thời đại số

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, báo chí Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự cạnh tranh từ các nền tảng mạng xã hội, thay đổi thói quen tiếp cận thông tin của công chúng, chuyển dịch mạnh mẽ từ báo in và phát thanh-truyền hình sang báo điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Tốc độ lan truyền thông tin, áp lực cạnh tranh và yêu cầu về tính minh bạch, kịp thời khiến các cơ quan báo chí không thể tiếp tục vận hành theo mô hình phân tán, đơn tuyến, thiếu liên kết như trước đây. Để thích ứng, việc tái cấu trúc hệ thống báo chí trở thành yêu cầu cấp thiết.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) hiện đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi trong giới chuyên môn, nhà quản lý và các cơ quan báo chí. Khái niệm “tổ hợp báo chí-truyền thông chủ lực đa phương tiện” là điểm mới quan trọng, thể hiện tư duy quản lý báo chí theo hướng đổi mới, hội nhập và chuyên nghiệp hóa. Theo Dự thảo, tổ hợp báo chí-truyền thông chủ lực đa phương tiện là mô hình hoạt động của cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí, có các cơ quan báo chí trực thuộc, doanh nghiệp trực thuộc hoặc góp vốn tại doanh nghiệp.

Mô hình này hướng đến việc xây dựng những cơ quan báo chí nòng cốt, có năng lực sản xuất nội dung trên đa nền tảng, đa phương thức, bảo đảm dẫn dắt thông tin, định hướng dư luận xã hội và giữ vững vai trò trụ cột trong hệ sinh thái truyền thông quốc gia. Dự thảo cũng đề xuất các tiêu chí lựa chọn cơ quan báo chí đủ điều kiện hoạt động theo mô hình Tổ hợp báo chí-truyền thông chủ lực đa phương tiện.

Trên thế giới, nhiều tổ hợp truyền thông lớn như BBC (Anh), NHK (Nhật), CCTV (Trung Quốc) hay KBS (Hàn Quốc) đã vận hành theo mô hình tích hợp, sử dụng hạ tầng hiện đại để sản xuất nội dung phục vụ công chúng trong nước và quốc tế. Tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí chủ lực như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân đã từng bước thực hiện tích hợp nội dung, sản xuất trên nhiều nền tảng, khai thác công nghệ số và dữ liệu lớn. Tuy nhiên, hành lang pháp lý hiện hành còn thiếu đồng bộ, chưa tạo đủ điều kiện để mô hình tổ hợp phát triển đồng bộ, hệ thống và bền vững.

Định vị vai trò trong chiến lược thông tin quốc gia

Tổ hợp báo chí-truyền thông chủ lực đa phương tiện không đơn thuần là sự mở rộng về quy mô mà là quá trình nâng cao năng lực sản xuất thông tin chất lượng cao. Các tổ hợp này sẽ giữ vị trí trung tâm trong hệ sinh thái truyền thông quốc gia, có nhiệm vụ cung cấp thông tin chính xác, phản bác thông tin sai lệch, dẫn dắt dư luận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội…

Mặt khác, các tổ hợp chủ lực còn giữ vai trò là trung tâm sản xuất nội dung chất lượng cao, phục vụ không chỉ công chúng trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Chỉ những cơ quan báo chí có tổ chức quy mô, năng lực đa phương tiện, kết nối rộng khắp và công nghệ hiện đại mới có thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thúc đẩy truyền thông đối ngoại, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay.

Tiến sĩ Lê Hải, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử cho rằng, việc hình thành tổ hợp truyền thông tại Việt Nam là xu hướng tất yếu và khách quan trong quá trình phát triển báo chí. Các tổ hợp truyền thông sẽ là động lực hoàn thiện thể chế, môi trường hoạt động báo chí và chiến lược quy hoạch phát triển báo chí quốc gia.

Tiến sĩ Lê Hải (Tạp chí Cộng sản) đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Tiến sĩ Lê Hải (Tạp chí Cộng sản) đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Mặc dù mô hình tổ hợp báo chí-truyền thông được đánh giá cao nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ các nội dung quan trọng để tránh vướng mắc khi triển khai sau này, trong đó, tư cách pháp lý của tổ hợp, cơ chế tài chính-tiền lương-lao động và quyền tự chủ hoạt động là những yếu tố cần được cụ thể hóa.

Ông Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cho rằng, từ cơ sở lý luận và tham khảo từ mô hình các nước, chúng ta cần một mô hình chi tiết hóa, có định nghĩa rõ ràng và thống nhất về tổ hợp truyền thông. Đó là một đơn vị tổ chức có mô hình cụ thể chứ không chỉ là khái niệm chung. Vì vậy, cần có một hội thảo riêng về mô hình tổ hợp truyền thông để mổ xẻ các yếu tố khác và có góc nhìn về tư pháp, tài chính của một mô hình mới. Khi đó, chúng ta có thể luật hóa được ở mức có thể thực hiện ngay.

Để mô hình tổ hợp báo chí-truyền thông chủ lực đi vào thực tiễn, cần có một chiến lược tổng thể, đồng bộ từ khung pháp lý đến mô hình tổ chức, đầu tư vào công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, tất cả cần có lộ trình triển khai hợp lý. Một số ý kiến đề xuất nên bắt đầu bằng việc thí điểm ở một số cơ quan báo chí có nền tảng và tiềm lực, sau đó tiến hành tổng kết và nhân rộng. Song song, các chương trình đào tạo báo chí cần được điều chỉnh để phù hợp với môi trường đa nền tảng, tích hợp đa phương tiện, với trọng tâm là tăng cường kỹ năng sản xuất nội dung số.

Một điểm quan trọng được các chuyên gia nhấn mạnh là việc xây dựng mô hình tổ hợp không đồng nghĩa với tập trung hóa báo chí theo hướng hành chính hóa. Ngược lại, đây là hướng đi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo môi trường tự chủ, sáng tạo, mở rộng năng lực cạnh tranh của báo chí trong và ngoài nước. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thiết lập khuôn khổ pháp lý minh bạch, cơ chế tài chính phù hợp, cũng như chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Cần có các đề án thí điểm cụ thể tại các cơ quan báo chí đã có điều kiện vận hành, từ đó từng bước xây dựng mô hình phù hợp với thực tiễn trong nước. Về lâu dài, cần sớm xác định tư cách pháp lý rõ ràng cho tổ hợp, xây dựng cơ chế tài chính ổn định, thiết lập các tiêu chuẩn nghề nghiệp mới phù hợp với báo chí đa phương tiện. Cùng với đó, chương trình đào tạo ngành báo chí cũng cần đổi mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bắt kịp với yêu cầu phát triển của thời đại số.

Việc đưa mô hình tổ hợp báo chí-truyền thông chủ lực đa phương tiện vào Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cho thấy bước chuyển tư duy mạnh mẽ trong quản lý báo chí, từ “quản lý hành chính” sang “quản trị chiến lược”. Đây là một bước tiến tất yếu, vừa để đáp ứng thách thức từ môi trường số, vừa để phát triển nội lực của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là cơ hội để sắp xếp lại hệ thống báo chí một cách tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với xu thế toàn cầu.

Tuy nhiên, để mô hình này đi vào thực tiễn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí với cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế tài chính và pháp lý cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ. Nếu được vận hành bài bản và đúng hướng, Tổ hợp báo chí-truyền thông chủ lực đa phương tiện sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy báo chí Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) tiếp tục nhận ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà quản lý, các tòa soạn và đội ngũ người làm báo... Dự thảo dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp diễn ra vào tháng 10.

NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/to-hop-bao-chi-truyen-thong-chu-luc-da-phuong-tien-dong-luc-doi-moi-trong-du-thao-luat-bao-chi-sua-doi-post880703.html
Zalo