Tổ chức sưu tầm hiện vật phục vụ thành lập và xây dựng Bảo tàng Quốc hội Việt Nam
Văn phòng Quốc hội vừa ban hành Kế hoạch số 1518 về việc tổ chức sưu tầm hiện vật phục vụ thành lập và xây dựng Bảo tàng Quốc hội Việt Nam.
Thực hiện Đề án 1856-ĐA/BCĐ ngày 29/8/2023 của Ban Chỉ đạo về việc tổ chức Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam; Căn cứ Thông báo số 1186/TB-VPQH ngày 22/4/2025 của Văn phòng Quốc hội về Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và xây dựng Bảo tảng Quốc hội Việt Nam tại Phiên họp thứ 44, ngày 15/4/2025, Văn phòng Quốc hội xây dựng Kế hoạch triển khai công tác sưu tầm hiện vật.

Tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc thành lập và xây dựng Bảo tảng Quốc hội Việt Nam
Mục đích nhằm bổ sung nguồn tư liệu và các bộ sưu tập hiện vật gắn với hoạt động của Quốc hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của hiện vật, làm phong phú thêm nguồn tư liệu, hiện vật, phục vụ hiệu quả và đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác trưng bày Bảo tàng Quốc hội Việt Nam.
Xây dựng các bộ sưu tập hiện vật phục vụ công tác trưng bày, nghiên cứu khoa học và khai trương Bảo tàng Quốc hội Việt Nam. Bảo đảm công tác sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị hiện vật theo đúng quy định của ngành khoa học bảo tàng.
Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, đơn vị hữu quan triển khai hiệu quả công tác sưu tầm hiện vật về Quốc hội.
Hiện vật sưu tầm phải gắn với hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đáp ứng yêu cầu của công tác trưng bày, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cử tri, Nhân dân về lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội, tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam từ Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa 1 đến nay.
Ưu tiên sưu tầm các bộ sưu tập hiện đang khuyết trống, hiện vật quý hiếm mang tính đặc sắc, có giá trị về lịch sử - văn hóa, nghệ thuật và liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử... nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ trưng bày Bảo tàng Quốc hội Việt Nam.
Kế hoạch nêu rõ đối tượng sưu tầm, gồm: Tư liệu, tài liệu, hình ảnh, hiện vật gắn với đại biểu Quốc hội và hoạt động của Quốc hội qua các giai đoạn lịch sử, như: Tài liệu liên quan đến kỳ họp Quốc hội; Tặng phẩm của Quốc hội các nước tặng Quốc hội Việt Nam; Vật dụng, tư trang của cá nhân đại biểu Quốc hội (số ghi chép, cặp của đại biểu, thẻ đại biểu, huy hiệu đại biểu, trang phục, bài phát biểu, đơn xin tự ứng cử...); Hiện vật liên quan đến các sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử như: Hòm phiếu bầu cử, thẻ cử tri, băng rôn, khẩu hiệu...

Đoàn đại biểu trẻ em tiêu biểu toàn quốc tham quan Phòng Truyền thống Quốc hội
Kế hoạch cũng nêu các yêu cầu sưu tầm, phạm vi sưu tầm, phương thức sưu tầm, tiến độ thực hiện cụ thể từ nay đến ngày 30/9/2025 hoàn thành thống kê số lượng hiện vật, kiểm tra sổ, nhập dữ liệu vào phần mềm tra cứu và xây dựng báo cáo tổng kết công tác sưu tầm năm 2025.
Kế hoạch số 1518 cũng giao các Vụ Thông tin chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố liên hệ, gặp gỡ đại biểu Quốc hội các khóa, gia đình đại biểu Quốc hội, gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo Quốc hội qua các thời kỳ để sưu tầm các tài liệu, tư liệu, hiện vật gắn với hoạt động của Quốc hội, vận động hiến tặng hiện vật cho Báo tăng Quốc hội Việt Nam. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để sưu tầm, trao đổi, phục chế hiện vật có giá trị lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của Quốc hội Việt Nam. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác sưu tầm hiện vật.
Đối với hiện vật có giá trị, tham mưu Tổng Thư ký Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội tổ chức lễ trao tặng hiện vật. Đồng thời, xây dựng dự toán kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao và kinh phí hỗ trợ cho Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố khi đi sưu tầm tại địa phương.

Những di vật khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội
Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với Vụ Thông tin lên danh sách, liên hệ, thông báo tới các đại biểu Quốc hội hiện đang sinh sống tại địa phương về việc tặng, trao đổi, phục chế hiện vật cho Bảo tàng Quốc hội Việt Nam. Hỗ trợ Vụ Thông tin trong việc gặp gỡ đại biểu Quốc hội, gia đình ĐBQH các khóa để sưu tầm hiện vật; tạo điều kiện, giúp đỡ đoàn công tác của Văn phòng Quốc hội khi thực hiện sưu tầm tại địa phương. Thu thập thông tin cơ bản mang dấu ấn của từng đại biểu Quốc hội để làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, bảo tàng và làm phim tư liệu. Giới thiệu đến các bảo tàng, cá nhân tại địa phương hiện đang lưu giữ, trưng bày những hiện vật có giá trị liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội để sưu tầm hoặc phục chế hiện vật.
Báo Đại biểu Nhân dân và Cổng thông tin điện tử Quốc hội tăng cường các tin, bài, phóng sự tuyên truyền thông tin về mục đích, ý nghĩa công tác sưu tầm hiện vật tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các tầng lớp Nhân dân để phục vụ việc thành lập và xây dựng Bảo tàng Quốc hội Việt Nam…