Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa
Theo tờ trình của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tại phiên họp của Quốc hội sáng 8/11, mục tiêu của chương trình là nhằm tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa;
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 8/11, Quốc hội nghe Tờ trình về Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.
Tổng ngân sách dự kiến hơn 22.450 tỷ đồng
Trình bày về sự cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết: Tình hình ma túy thế giới, khu vực và các nước láng giềng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, tác động trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ, áp lực đối với công tác phòng, chống ma túy ở nước ta.
Ở trong nước, tình hình ma túy cũng diễn biến rất phức tạp và khó lường với số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy trong toàn quốc không giảm và chiếm tỷ lệ đa số (chiếm 83,7%).
Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nhằm tiếp nối, phát huy các kết quả đạt được của giai đoạn 2021-2025; đồng thời tiếp tục thực hiện các nội dung mà Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, cơ quan chủ trì quản lý Chương trình là Bộ Công an. Các cơ quan, đơn vị phối hợp, thực hiện Chương trình gồm Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm 2025 đến hết năm 2030. Trong đó, năm 2025 thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình. Giai đoạn 2026-2030: triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030.
Tổng vốn thực hiện chương trình sẽ là 22.450,194 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm 78,96%; vốn ngân sách địa phương chiếm 20.82%. Còn lại là vốn huy động hợp pháp khác.
Chương trình hướng tới mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma túy; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy.
Chương trình cũng nhằm bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy, người vi phạm pháp luật về ma túy thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy
Về mục tiêu cụ thể, nhóm chỉ tiêu về giảm cung được xác định, hằng năm số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%; góp phần tăng trên 3% số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ toàn quốc mỗi năm.
Phấn đấu đạt mục tiêu các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy được phát hiện, triệt phá 100%.
Trên 70% lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cấp bộ, cấp tỉnh và lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy Cảnh sát biển được ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để thu thập, khai thác, chia sẻ dữ liệu thông tin nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
Trên 80% cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng Công an nhân dân, Cảnh sát biển, Hải quan được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực có liên quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Trên 80% các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy. 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá.
Nhóm chỉ tiêu về giảm cầu được xác định là kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1%/năm và tỷ lệ gia tăng người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 1%/năm.
Ít nhất 80% người nghiện ma túy được tư vấn cai nghiện; 90% người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ phòng, chống tái nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng. Trên 90% người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và gia đình người nghiện ma túy được cung cấp, tiếp cận chính sách, pháp luật, thông tin hệ thống dịch vụ về cai nghiện, quản lý, hỗ trợ xã hội.
Tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy trên toàn quốc đạt trên 20%. Trên 80% số trạm y tế cấp xã toàn quốc và 100% cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện…
Về nhóm chỉ tiêu giảm tác hại, chương trình đặt ra mục tiêu bảo đảm cơ sở vật chất và duy trì điều trị cho ít nhất 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý. Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố có cán bộ y tế giảng viên tuyến tỉnh được tập huấn về can thiệp tâm lý xã hội dành cho người sử dụng trái phép chất ma túy.
Trên 50% người nhà của người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy được tuyên truyền, hướng dẫn về tác động, tác hại và các biện pháp hỗ trợ tâm lý đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Chương trình được phân chia thành 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án do 8 Bộ, ngành chủ trì.
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV.
Bảo đảm tính khả thi trong cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nhất trí cao với sự cần thiết trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã nêu tại Tờ trình.
Hồ sơ Chương trình được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc, công phu, đúng quy trình, thủ tục, cơ bản đáp ứng quy định của Luật Đầu tư công. Mục tiêu, tiêu chí, việc xây dựng, thẩm định chủ trương đầu tư Chương trình, việc đáp ứng điều kiện quyết định chủ trương đầu tư Chương trình tuân thủ quy định tại Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, tên gọi và thời gian thực hiện Chương trình theo đề xuất của Chính phủ là phù hợp. Việc dành năm 2025 chuẩn bị khung pháp lý, cơ chế chỉ đạo, điều phối, vận hành, chuẩn bị các nguồn lực đầu tư, tiêu chí và phương pháp quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình là cần thiết để bảo đảm việc triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả trong giai đoạn 2026-2030.
Chương trình đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, 20 chỉ tiêu, thực hiện trên phạm vi cả nước là cơ bản phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình tiếp tục rà soát quy định mục tiêu tổng quát để bảo đảm tính bao quát, toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy, làm cơ sở để quy định các mục tiêu cụ thể.
Bảo đảm sự gắn kết logic giữa mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình với mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp, nội dung, hoạt động trong dự án thành phần; bảo đảm các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra có tính khả thi, hiệu quả, không trùng lặp.
Tiếp tục đánh giá rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu sát với nhiệm vụ trọng tâm và khả năng đáp ứng của nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án.
Đánh giá 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án của Chương trình về cơ bản phù hợp với các hoạt động trọng tâm trong công tác phòng, chống ma túy của giai đoạn thực hiện Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá sâu sắc, toàn diện, làm nổi bật hiệu quả đối với việc giảm tệ nạn xã hội, nhất là đối với thanh thiếu niên; tăng cường sức khỏe, hiệu quả giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính bền vững của Chương trình.
Để bảo đảm nguồn vốn kịp thời, hiệu quả thực hiện Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình làm rõ các quy định về: nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình; phương án bố trí vốn, tập trung đầu tư vốn, tránh dàn trải, lãng phí, có kế hoạch phân kỳ đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp theo thứ tự ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, trọng điểm; không sử dụng vốn của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên; bảo đảm tính khả thi về thời gian, nhiệm vụ thực hiện Chương trình.
Về cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với Tờ trình, theo đó, Chương trình đã phân công cho 8 bộ, ngành chủ trì thực hiện và Bộ Công an làm chủ Chương trình, Ủy ban nhân dân và các cơ quan liên quan tham gia thực hiện.
Ủy ban Xã hội cho rằng, để công tác phòng, chống ma túy hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ, kinh phí, tăng cường vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong công tác phòng, chống ma túy.
Về cơ chế quản lý, tổ chức và cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, việc giao cho Chính phủ ban hành cơ chế quản lý, tổ chức và cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình như dự thảo Nghị quyết là cơ bản phù hợp, bảo đảm tính khả thi.
Để khắc phục những vướng mắc như khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình tiếp tục nghiên cứu, rà soát các cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi; nghiên cứu xác định kỹ về nội dung, thời gian thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện chương trình và thể hiện thẩm quyền ban hành trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.