Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, vi phạm liên quan đến pháo nổ

Công an tỉnh Bắc Giang đang thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng ngừa tội phạm liên quan đến pháo nổ tại các trường học, cơ quan, đơn vị.

Thượng tá Thân Ngọc Khoa, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) thông tin: Chỉ còn vài ngày nữa "Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ" sẽ có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/1/2025).

 Học sinh Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn tìm hiểu quy định của pháp luật về pháo nổ.

Học sinh Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn tìm hiểu quy định của pháp luật về pháo nổ.

Phòng đang chủ trì phối hợp thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng ngừa tội phạm và vi phạm liên quan đến pháo nổ tại các trường học, cơ quan, đơn vị.

Chuỗi hoạt động này được tổ chức nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 184/KH-BCĐ ngày 2/11/2024 về tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo năm 2025 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Bắc Giang”.

Tính riêng tháng 12/2024, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tổ chức tuyên truyền quy định này cho hơn 4 nghìn học sinh, sinh viên, giáo viên của các trường: Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp; Cao đẳng Miền núi Bắc Giang; Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn.

 Công an TP Bắc Giang tuyên truyền pháp luật về phòng, chống vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo cho học sinh.

Công an TP Bắc Giang tuyên truyền pháp luật về phòng, chống vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo cho học sinh.

Tại các buổi tuyên truyền, báo cáo viên thông tin nhanh về tình hình vi phạm pháo nổ trên địa bàn tỉnh. Thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 125 vụ, bắt giữ 147 đối tượng, thu giữ hơn 12 tấn pháo. Trong đó, lực lượng chức năng đã xử lý hình sự 30 vụ, 44 đối tượng; phạt vi phạm hành chính 93 vụ, 99 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 825 triệu đồng.

Theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các hình thức xử phạt bao gồm: Xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Nặng nhất là tội sản xuất hoặc buôn bán pháo nổ sẽ bị đến 15 năm tù theo điểm c, điều 190 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

 Lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp trao quà cho học sinh trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp trao quà cho học sinh trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Cũng tại các hội nghị, báo cáo viên đã hướng dẫn học sinh, sinh viên và người dân phân biệt được pháo hoa được phép sử dụng và bị cấm. Loại pháo hoa được sử dụng là pháo tạo ra âm thanh, ánh sáng màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Còn pháo hoa nổ bị cấm sử dụng là loại pháo gây ra tiếng rít, nổ và hiệu ứng màu sắc.

Ngoài các hội nghị tuyên truyền trực tiếp, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thiết kế, in ấn một số tờ inforgraphic có mã QR code để thông tin danh mục các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cần giao nộp; thông tin quy định pháp luật về quản lý sử dụng pháo, trang Zalo OA của đơn vị để tiếp nhận tin báo của người dân...

Tin, ảnh: Phạm Linh - Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/to-chuc-dot-cao-diem-tuyen-truyen-phong-ngua-toi-pham-vi-pham-lien-quan-den-phao-no-postid409585.bbg
Zalo