Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Hà Nội và TP.HCM được bầu bao nhiêu đại biểu HĐND?
Theo đề xuất, TP Hà Nội và TP.HCM được bầu 125 đại biểu HĐND khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tăng 30 đại biểu so với quy định hiện hành.
Mới đây, Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội về dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi. Dự luật dự kiến được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, khai mạc vào ngày 5-5 tới.
Hà Nội, TP.HCM được bầu 125 đại biểu HĐND
Một trong những nội dung đáng chú ý, dự luật đã bỏ các quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND cấp huyện để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Dự thảo cũng sửa đổi số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp xã theo hướng tăng hơn so với hiện hành. Theo đó, tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, không quy định riêng về số lượng đại biểu HĐND ở tỉnh miền núi, vùng cao và tỉnh còn lại, chỉ quy định số lượng đại biểu HĐND tỉnh và TP. Chính phủ cho rằng việc này nhằm phù hợp với thực trạng nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh sau khi sáp nhập không còn thuộc miền núi (có biển).

TP Hà Nội và TP.HCM sẽ được bầu 125 đại biểu HĐND, tăng 30 đại biểu so với quy định hiện hành. Ảnh: NGUYỆT NHI
Số lượng đại biểu HĐND tỉnh được bầu tăng tối đa từ 75 lên 90 đại biểu; số lượng đại biểu HĐND TP được bầu tăng tối đa từ 85 lên 90 đại biểu; HĐND TP Hà Nội và TP.HCM được bầu 125 đại biểu (bằng số quy định tại Luật Thủ đô áp dụng cho TP Hà Nội).
Ngoài ra, dự luật cũng đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND cấp xã tối đa từ 30 lên 35 đại biểu.
Việc xác định số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc cụ thể. Tỉnh có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 55 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm một đại biểu nhưng tổng số không quá 90 đại biểu.
TP có từ 1,2 triệu dân trở xuống được bầu 55 đại biểu; có trên 1,2 triệu dân thì cứ thêm 75.000 dân được bầu thêm một đại biểu nhưng tổng số không quá 90 đại biểu.
Riêng TP Hà Nội, TP.HCM có số lượng đại biểu như nêu trên, trong khi theo quy định hiện hành, TP.HCM được bầu 95 đại biểu, số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô.
Với HĐND cấp xã: Xã ở miền núi có từ 2.500 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu; có trên 2.500 dân đến 5.000 dân được bầu 20 đại biểu; có trên 5.000 dân thì cứ thêm 1.000 dân được bầu thêm một đại biểu nhưng tổng số không quá 35 đại biểu;
Những xã khác có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 20 đại biểu; có trên 10.000 dân thì cứ thêm 2.000 dân được bầu thêm một đại biểu nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.
Phường ở miền núi có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 20 đại biểu; có trên 10.000 dân thì cứ thêm 2.000 dân được bầu thêm một đại biểu nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.
Phường không thuộc trường hợp nêu trên có từ 15.000 dân trở xuống được bầu 20 đại biểu; có trên 15.000 dân thì cứ thêm 3.000 dân được bầu thêm một đại biểu nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.
Với đặc khu, xã, phường ở hải đảo có từ 2.500 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu; có trên 2.500 dân đến 5.000 dân được bầu 20 đại biểu; có trên 5.000 dân thì cứ thêm 1.000 dân được bầu thêm một đại biểu nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.
3 lý do tăng số lượng đại biểu HĐND
Lý giải về cơ sở đề xuất, Chính phủ cho hay quy định này là để phù hợp với quy mô của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sau khi được sáp nhập và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm quyền đại diện của người dân trên địa bàn.
Đồng thời, bảo đảm số đại biểu HĐND cấp tỉnh tối đa giữa khu vực miền núi, vùng cao và khu vực đồng bằng, trung du là như nhau.
Cạnh đó là nhằm bảo đảm số lượng đại biểu HĐND cấp xã tối đa tương đương với số lượng đại biểu HĐND cấp huyện hiện nay do chính quyền cấp xã phải đảm nhận thêm nhiệm vụ chính quyền cấp huyện khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ngoài ra, dự luật cũng bổ sung quy định HĐND không thực hiện thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp xã được điều động hoặc bị cách chức. Những trường hợp này thường trực HĐND phải báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Việc điều chỉnh theo Chính phủ là để bảo đảm thực hiện thống nhất, tránh “xung đột” về thẩm quyền giữa HĐND với Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh, đồng thời cắt giảm các quy trình, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn.
Chính phủ quy định khung số lượng phó chủ tịch, số lượng ủy viên UBND
Dự luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của UBND cấp tỉnh và cấp xã (UBND gồm chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên theo quy định của Chính phủ).
Đối với UBND cấp xã có thể tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn cấp xã theo quy định tùy thuộc vào các tiêu chí về dân số, diện tích, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính.
Chính phủ được giao quy định khung số lượng phó chủ tịch, số lượng ủy viên UBND, khung số lượng cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, cấp xã, khung các chức danh công chức chuyên môn thuộc UBND cấp xã. Đồng thời, bỏ các nội dung có liên quan đến cấp huyện.
Cơ sở đề xuất nội dung nêu trên là để phù hợp với quy định chính quyền địa phương cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã hiện nay và của cấp huyện (sau khi giải thể). Cạnh đó là để tổ chức bộ máy hành chính vận hành, thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết các vấn đề của địa phương và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được tốt nhất.